Vải mất mùa, có được hỗ trợ?
Về câu hỏi trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT).
- 18-08-2016Niên vụ vải thiều 2016: Tăng gần 500 tỉ nhờ chuỗi giá trị
- 03-07-2016Lục Ngạn: Sản lượng vải thiều tăng 15 nghìn tấn so dự báo
- 03-07-2016Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc đạt 42 triệu USD
Trước tình hình vải mất mùa gây thất thu nặng nề, nông dân trồng vải đang băn khoăn về việc liệu họ có nhận được chính sách hỗ trợ nào của của Nhà nước theo diện thiên tai, dịch bệnh hay không?
Ông Văn Phú Chính
Nông dân trồng vải tại các tỉnh phía Bắc, nhất là Bắc Giang (NNVN đã phản ánh) đang bị thất thu nặng nề do thời tiết mùa đông ấm bất thường. Xin ông cho biết, việc mất mùa như vậy có thuộc diện được hỗ trợ của Nhà nước về nông nghiệp do thiên tai không?
Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 02, vừa ban hành ngày 09/01/2017) của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ SX nông nghiệp để khôi phục SX vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đối tượng thuộc diện được hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh đã được mở rộng hơn trước, bao gồm người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối. Như vậy, người trồng vải thiều (cây ăn quả) là thuộc diện được hỗ trợ nếu gặp thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống thiên tai (ban hành ngày 19/6/2013), thiên tai được khái niệm là “hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường, điều kiện sống và các hoạt động KT-XH”, bao gồm 19 loại hình gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối…
Ở đây, việc vải mất mùa (không ra hoa) là do thời tiết mùa đông ấm. Nếu đối chiếu với 19 loại hình thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 thì không được xếp vào loại hình thiên tai. Vì vậy, thiệt hại này sẽ không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 02.
Nhưng theo Luật Phòng chống thiên tai 2013, trong khái niệm thiên tai cũng có đề cập tới “các loại thiên tai khác”, đồng thời có nêu rõ là “hiện tượng tự nhiên bất thường”. Ở đây, vải bị mất mùa chính là do mùa đông ấm bất thường. Quan điểm của ông, có nên xếp nó là một loại hình thiên tai không?
Đây là vấn đề mới, đáng tiếc nếu chiếu theo luật thì không thuộc diện thiên tai. Tuy nhiên, đây cũng là điều rất đáng để suy nghĩ. Quan điểm của tôi thì cái này phải gọi là rủi ro trong SX do thời tiết thì đúng hơn.
Chẳng hạn, cái này cũng giống như người trồng hoa mai ở phía Nam hay hoa lan ở phía Bắc, không may tới cận tết mà trời nắng ấm kéo dài khiến hoa nở quá sớm, nó cũng gây thất thu rất lớn cho các nhà vườn. Vậy thì đó có được gọi là thiên tai hay không? Điều này có thể sẽ phải nghiên cứu thêm.
Theo tôi, trong khi quy định pháp luật chưa xếp hiện tượng “mùa đông ấm bất thường” vào loại hình thiên tai, phương án tốt nhất là nông dân nên chủ động mua bảo hiểm nông nghiệp để phòng ngừa những rủi ro tương tự.
Nếu địa phương có kinh phí và có chính sách, liệu có thể ban hành quyết định riêng để hỗ trợ cho nông dân trồng vải trong trường hợp này hay không thưa ông?
Vấn đề này theo Nghị định 02 đã có đề cập: Đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định cụ thể về mức và hình thức hỗ trợ thiệt trong Nghị định, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm SX và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Tuy nhiên như đã nói, điều kiện để địa phương có chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng bị thiệt hại, đó phải là thiệt hại do thiên tai theo khái niệm của Luật Phòng chống thiên tai. Vì vậy, cũng rất khó để địa phương có cơ sở pháp lý nhằm đưa ra chính sách hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông!
Nông nghiệp Việt Nam