MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vải thiều Bắc Giang chín đến đâu thương lái “vét” đến đó

24-06-2016 - 22:08 PM | Thị trường

Nếu như thời điểm này năm ngoái, cộng đồng mạng đang kêu gọi “giải cứu” vải thiều vì tình trạng ế ẩm vải loại 2, thì năm nay, đến thời điểm này, tất cả các diện tích vải chín sớm ở Bắc Giang đã được bán hết.

Dự kiến đến ngày 25.7.2016, toàn bộ diện tích vải ở Bắc Giang sẽ được tiêu thụ hết, cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa.

Vải sâu đầu cũng có giá 20.000 đồng/kg

Từ đầu tháng 6 - mùa vải chín rộ - đến nay, giá vải luôn ở mức cao. Đặc biệt, vải thiều loại 1 có số lượng rất ít, được bán lẻ tại các chợ lên đến 40.000 đồng/kg. Vải thiều hạt nhỏ loại 2 giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, vải “trộn” (có quả sâu đầu) cũng bán được giá tới 25.000 đồng/kg.

Chị Hoàng Oanh - bán hàng tại chợ Đồng Xa - Mai Dịch (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, vải loại 1 năm nay rất hiếm, phải là những mối quen lấy hoa quả ổn định trong năm mới được chủ hàng ưu tiên vải “đẹp”. Tuy nhiên, vải loại 2 cũng không có nhiều để bán. Chị Trang - bán tạp hóa tại đường Mai Dịch (Cầu Giấy), chia sẻ: “Bán tạp hóa ế ẩm, có người nhà tại Bắc Giang nên tôi đặt vải thiều tranh thủ bán kiếm lời. Mặc dù vải loại 2 nhưng giá bán rất tốt, tới 20.000 đồng/kg, mỗi ngày có thể bán 1-2 tạ”.

Theo một số chủ hàng tại chợ Thái Hà (Đống Đa - Hà Nội), mặc dù được bán với giá tốt, nhưng nhiều hôm các tiểu thương không gom đủ hàng để bán. “Vải thiều loại 1 đã được các thương lái Trung Quốc đặt mua tại vườn, chỉ còn một số ít chất lượng kém hơn được bán ra, nhưng phải tranh nhau mới có được”.

Vải bán rong trên các tuyến phố cổ có chất lượng khá ngon, giá nhỉnh hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg, cũng được bán khá nhanh. “Vì số lượng không nhiều, mẫu mã đẹp, được cùi, vị ngọt, nên bán khá chạy” - chị Ngô Thị Thi (quê ở Hoài Đức - Hà Nội) bán hàng rong dọc tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, cho biết.

Vải chín đến đâu, bán hết đến đó

Theo ông Phạm Văn Hoành - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, cho biết: Mặc dù sản lượng năm nay không cao, nhưng chất lượng quả rất cao, nên vải thiều đang được giá, thậm chí khan hàng. Riêng giá bán tại vườn, vải thiều loại ngon đã có giá trên 20.000 đồng/kg, vải loại 1 có nơi lên tới 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vẫn được bán chạy, điều mà từ trước đến nay ít khi có được. Tính đến thời điểm hiện tại, vải thiều các khu vực lân cận đã được bán hết, chỉ còn lại huyện Lục Ngạn, nhưng chỉ trong vòng 2-3 tuần nữa sẽ hết hàng.

Vải loại 2 là loại vải “đại trà” nhưng cũng không nhiều, nên giá bán tại vườn cũng đã trên 15.000 đồng/kg.

Chiều 21.6, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, đến chiều 20.6.2016, 23.000ha vải sớm đã được bán hết. Hiện tại còn trên 107.000ha vải chính vụ vào mùa thu hoạch và đã bán được trên 10.000 tấn với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Trước đó khoảng 10 ngày, vải còn được bán với giá từ 38.000 - 45.000 đồng/kg do chất lượng tốt và lượng hàng chưa nhiều. Trước đó, ngày 19.6.2016, đã có 144 thương lái Trung Quốc đến Lục Ngạn đển giám sát quá trình thu mua vải thiều.

“Do đã đạt đến trình độ “nghệ nhân” trong kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây vải, lại làm tốt công tác xúc tiến thương mại tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TPHCM nên công tác xuất khẩu quả vải gặp nhiều thuận lợi. Dự kiến đến ngày 24.6, Sở Công thương và UBND tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức Tuần lễ vải thiều lục ngạn. Như vậy, vải thiều sẽ được bán tốt, không có chuyện bị tồn đọng” - ông Trần Quang Tấn khẳng định.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều hè 2016 toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 130.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn có sản lượng nhiều nhất (70.000 tấn). Phân khúc thị trường được chia rõ: 60% tiêu thụ tại thị trường nội địa, 40% xuất khẩu ra các nước (tương đương 52.000 tấn). Từ vài năm nay, vải thiều chính vụ của huyện Lục Ngạn không còn hiện tượng sâu đầu vì người trồng đã áp dụng công nghệ chăm sóc mới, phun thuốc từ khi sâu bắt đầu đẻ trứng. Nếu trên thị trường có vải sâu đầu, là của các địa bàn khác.

Theo Khánh Vũ

Lao động

Trở lên trên