MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười

06-06-2024 - 19:02 PM | Thị trường

Do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết không thuận lợi, sản lượng quả vải tươi toàn huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) ước đạt khoảng 50.000 tấn, giảm 50% so với năm 2023.

Năm 2024 là một năm vô cùng khó khăn, vất vả đối với người nông dân trồng vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết không thuận lợi, sản lượng quả vải tươi toàn huyện ước đạt khoảng 50.000 tấn, giảm 50% so với năm 2023, tuy nhiên lại là năm quả vải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhất.

Khóc… vì “mất trắng”

Gia đình ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có diện tích trồng vải thiều chính vụ hơn 2ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Hùng cho biết, trong suốt thời gian 30 năm gắn bó cùng cây vải, chưa năm nào gia đình ông chứng kiến vườn vải nhà mình mất mùa nặng nề như năm nay.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Những năm trước đây, vườn vải của gia đình ông Hùng có sản lượng trung bình từ 18 - 20 tấn, đem lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/1 năm. Năm nay, do vải mất mùa, 2 người con của ông Hùng đang phải xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp, vợ ông phải làm việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày, còn ông Hùng vẫn phải tiếp tục duy trì chăm sóc những gốc vải trong vườn để chờ mùa vụ năm sau.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 2.

Hơn 2ha vải thiều chính vụ nhà ông Hùng mất mùa hoàn toàn.

Vải là cây trồng chủ lực của người dân huyện Lục Ngạn, từ việc mua sắm đồ đạc trong gia đình, chi phí sinh hoạt hàng ngày hay gia đình có công to việc lớn đều phụ thuộc vào nguồn tiền bán quả vải thành phẩm. Chính vì vậy, khi vải mất mùa, kinh tế của họ sẽ gặp khó khăn, các thành viên trong gia đình không có công ăn việc làm, phải đi làm những công việc tạm thời.

Ánh mắt đượm buồn, ông Hùng tâm sự với phóng viên: “Buồn lắm, cả năm chỉ ngóng vào vụ vải, vậy mà năm nay không có một chút thu nhập nào từ quả vải. Chưa có năm nào mất mùa như năm nay, nhà tôi “mất trắng” nhưng vẫn phải vay mượn để chăm sóc cây chờ đến mùa vụ năm sau”.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 3.

Do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết không thuận lợi làm đã ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải.

Ông Hùng cho biết thêm, các năm trước vẫn có lúc bị mất mùa, nhưng không bao giờ mất hết, năm nào mất nhiều lắm là hơn 50% sản lượng, người dân vẫn có thu nhập, nhưng năm nay thì mất hết, không những gia đình ông mà những hộ trồng vải xung quanh đều chịu chung số phận.

Lý giải về việc vải mất mùa, ông Hùng cho rằng thời tiết năm nay không được thuận lợi cho giống vải thiều chính vụ Lục Ngạn, nền nhiệt độ cao hơn mọi năm đã ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Khoảng thời gian giữa tháng 1 là thời điểm quan trọng khi cây vải chính vụ “báo hoa”, tại huyện Lục Ngạn xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa kéo dài làm cho cây ra lộc sớm, đến tháng 2 thì thời tiết lại nắng ấm làm cho hoa khô héo dẫn đến vải thiều chính vụ mất mùa.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 4.

Thời tiết nắng ấm làm cho hoa vải khô héo.

Dù mất mùa, không có thu nhập từ quả vải, nhưng gia đình ông Hùng vẫn phải duy trì việc chăm bón. Cả vườn cây hơn 2ha được trồng theo phương pháp hữu cơ, vào đầu mùa vụ gia đình ông phải vay số tiền hơn 20 triệu đồng để đầu tư tiền phân, gio, chưa tính tiền thuốc phun. Số tiền này sẽ được hoàn trả sau khi có nguồn thu từ việc bán quả vải. Việc chăm bón này là thường xuyên, hàng năm theo định kỳ chứ không bỏ dở được.

Cười… vì được giá

Còn với gia đình anh Đặng Văn Phú ở thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thì năm nay là một vụ mùa bội thu. Vườn vải với gần 500 gốc vải U Hồng chín sớm, có sản lượng ước chừng 25 tấn, hứa hẹn sẽ đem về cho gia đình anh doanh thu khoảng 700 – 800 triệu đồng. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được hơn 1.000 tấn quả tươi vải chín sớm, giá bán từ 30.000-70.000 đồng/kg.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 5.

Anh Đặng Văn Phú ở thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Anh Phú chia sẻ: “Năm nay vải chín sớm được giá, gia đình tôi bán tại vườn giao động từ 45.000 - 60.000 đồng/1kg, gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái. Giá vải năm nay cao vì sản lượng vải ở huyện Lục Ngạn rất thấp, nhiều gia đình bị mất mùa. Như năm ngoái sản lượng vải toàn huyện cao thì không bán được giá tốt như thế này đâu”.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 6.

Vườn vải với gần 500 gốc vải U Hồng chín sớm, có sản lượng ước chừng 25 tấn, hứa hẹn sẽ đem về cho gia đình anh doanh thu khoảng 700 – 800 triệu đồng.

Được biết, 4 - 5 năm nay, gia đình anh Phú đều được mùa vải chín sớm. Khi được hỏi bí quyết làm thế nào để cây vải luôn được mùa như thế, anh Phú chia sẻ, thông thường đến tháng 9 Âm lịch gia đình anh lại bắt đầu “khoanh” để hãm không cho cây phát triển thêm. Đây là phương pháp chăm sóc phổ biến của người dân huyện Lục Ngạn, thu hoạch xong người dân sẽ tiến hành cắt tỉa cành cây, sau đó dùng cưa cắt một đoạn vỏ gần dưới gốc để ngắt nước phần trên thân cây, như vậy thì cây vải mới ra hoa được. 

Nếu như không “khoanh” thì cây vải sẽ không ra hoa, nếu có ra hoa thì cũng khó để đậu quả. Giai đoạn này đòi hỏi người nông dân phải có kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, sau khi “khoanh” cũng không được tưới nước cho cây, vì cây vải cần khô mới ra hoa được, nếu tưới nhiều nước thì cây sẽ ra lộc sớm.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 7.

Phương pháp “khoanh” để hãm không cho cây vải phát triển thêm.

Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 8.

Năm nay là một mùa vụ hết sức thuận lợi đối với gia đình anh Phú khi vừa "được mùa" lại "được giá".


Vải thiều mất mùa: Kẻ khóc - người cười- Ảnh 9.

Quả vải thiều huyện Lục Ngạn đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2008; được bảo hộ nhãn hiệu tại 08 quốc gia trên thế giới; năm 2021, là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Huyện Lục Ngạn có diện tích trồng vải lớn nhất của tỉnh Bắc Giang với trên 17.000ha trồng vải chuyên canh, trong đó có gần 13.400ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 4.000ha vải chín sớm, là cây trồng chủ lực của địa phương.

Trong thời gian vừa qua, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 103 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (gồm Trung Quốc 39 mã; Mỹ, Australia, EU 29 mã; Nhật Bản 33 mã; Thái Lan 2 mã); trên địa bàn huyện có 34 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.

Theo Phùng Anh - Tăng Khánh - Quang Hải

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên