Vải thiều rộng cửa đến Mỹ
Trong năm 2016 sản lượng nhãn của các cơ sở được cấp mã vùng sang Mỹ đạt khoảng 1.000 tấn, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU…
- 04-08-2015Giá vải thiều cao nhất 60 năm, thanh long thê thảm
- 27-07-2015Bắc Giang thu hơn 4.000 tỷ đồng từ vải thiều
- 12-07-2015Khép lại mùa Vải thiều: “Thắng lớn” nhất trong hơn 60 năm qua
Tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016 được tổ chức ngày 17/5. Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong năm 2016, tỉnh Bắc Giang được phía Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải thiều cho hơn 200 hộ dân, tập trung ở hai xã Hồng Giang và Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn) với diện tích 158 ha (tăng 97,66 ha, tăng 9 mã vùng so với năm 2015).
Tất cả cơ sở trồng vải thiều được Mỹ cấp mã vùng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn GlobalGap cũng như dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng. Dự kiến, trong năm 2016 sản lượng của các cơ sở được cấp mã vùng sang Mỹ đạt khoảng 1.000 tấn, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU…
Cũng theo ông Thái, đến nay có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều, một số doanh nghiệp đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường Mỹ, Úc, EU... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đang xúc tiến, tiếp cận thị trường Trung Đông.
Cùng với việc tiếp tục duy trì, giữ vững ổn định các thị trường truyền thống, Bắc Giang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn, nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống, với phương châm các thị trường đều có vai trò quyết định trong việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh.
Đặc biệt năm nay trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải sang các thị trường khó tính.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 30 nghìn ha, giảm 1 nghìn ha so với năm 2015. Thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn đang chiếm khoảng 40% tỷ trọng tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang.
Tiền phong