Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được công nhận
Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân không chỉ lớn mạnh qua những con số mà đã từng bước được thừa nhận với vai trò dẫn dắt, là động lực quan trọng của nền kinh tế.
- 01-10-2019Kinh tế tư nhân: “Nới dây diều” mới mong cất cánh
- 30-09-2019Động lực chính mang tên kinh tế tư nhân
- 11-07-2019Sức mạnh của kinh tế tư nhân được đánh giá vượt trội tại Việt Nam
Hành trình thay đổi nhận thức
Ra đời tháng 6/2017, Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” (Nghị quyết 10) được xem là tiếng nói khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới.
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng đã được nhận Giải thưởng Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019 |
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, bà Lee Ju Song - Giám đốc khu vực châu Á - Phòng Thương mại Quốc tế và Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (ICC) cho biết, với nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam đã tăng 10 bậc từ vị trí 77/141 nền kinh tế lên vị trí 67 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF.
Trước đó phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Việc lần đầu tiên có một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành là dấu ấn lớn, song chắc chắn là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, đột phá tư duy qua các thời kỳ.
Từ Đại hội VI, Đảng đã khởi xướng công cuộc Đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần. Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1992) kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.
Kể từ đó qua các Đại hội IX, X, XI, XII, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân nhiều lần được đưa ra thảo luận. Chủ trương “Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” được chỉ rõ.
Những “người khổng lồ” đưa đất nước vươn xa
Nhìn ra thế giới, các cường quốc kinh tế có đặc điểm chung là luôn sở hữu những tập đoàn, công ty tư nhân đóng vai trò đầu tàu, là nền tảng đảm bảo sự phát triển vững mạnh của quốc gia. Tỷ lệ đóng góp trên GDP của khu vực kinh tế tư nhân tại các quốc gia phát triển luôn ở mức cao.
Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. |
Thống kê từ Tạp chí Fortune năm 2018 cho thấy, 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Mỹ có tổng doanh thu đạt 12,8 nghìn tỷ USD, đóng góp 2/3 GDP và sử dụng 28,2 triệu lao động trên toàn cầu.
Trong khi đó, Hàn Quốc có các chaebol (tập đoàn gia đình tài phiệt) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo dữ liệu của CEO Score, năm 2017, 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc ghi nhận doanh thu lên đến 677,8 tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP của cả nước năm 2017.
Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế..
Tuy nhiên, nói như GS. TS khoa học Nguyễn Mại, trong quá trình phát triển của các tập đoàn kinh tế cũng nảy sinh nhiều đòi hỏi phải có hành lang pháp lý phù hợp để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền để để có thêm nhiều tập đoàn hùng mạnh đạt tầm khu vực và thế giới.
Chẳng hạn, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế nước ta đủ sức thực hiện.
“Chúng tôi mong muốn có được sự cởi trói, sự ủng hộ để DN tư nhân làm được nhiều hơn nữa cho đất nước, đóng góp cho những lĩnh vực mà trước nay chỉ có nhà nước làm hoặc chỉ có các tập đoàn nước ngoài có thể làm được”, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group khẳng định.
Sun Group không phải là doanh nghiệp duy nhất đặt tham vọng lớn với các ngành, lĩnh vực mà trước nay doanh nghiệp Việt e ngại. Kinh tế tư nhân hiện đã tham gia ở tất cả lĩnh vực, từ sản xuất, thương mại đến dịch vụ hay thậm chí cả những dịch vụ công. Tất cả đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và xã hội.
Có thể nói, việc được trao trọng trách giải bài toán nguồn lực đầu tư công chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được công nhận rõ nét. Như nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: “Khi chuyển đầu tư sang khối tư nhân thì một mặt Nhà nước không phải bỏ tiền vốn và công sức của mình vào, lại mở đường cho khu vực tư nhân phát triển. Cuối cùng, ta có những công trình, những dịch vụ công có chất lượng cao hơn”, từ đó có thể nhận thấy một khi “đường ray” cơ chế thị trường được tháo gỡ những điểm nghẽn, những “người khổng lồ” doanh nghiệp tư nhân Việt sẽ còn có thể đóng góp lớn lao hơn cho nền kinh tế quốc gia.
Vietnamnet