Valentine dưới góc nhìn kinh tế học: Thu nhập có tỷ lệ thuận với khả năng có người yêu?
Theo cuộc khảo sát hàng năm được công bố hôm nay bởi Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia và Prosper Insights & Analytics, mỗi người tiêu dùng dự kiến chi trung bình 175,41 USD cho những món quà trong Ngày lễ tình nhân (Valentine).
- 14-02-2022Đề xuất dừng cấp chủ trương đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chưa triển khai
- 14-02-2022Lập Hội đồng thẩm định nhà nước về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho sân bay 5 tỷ USD ở Đồng Nai
- 14-02-2022Nhiều chính sách thỏa đáng “hút” người lao động trở lại TP.HCM sau Tết
Theo cuộc khảo sát hàng năm được công bố hôm nay bởi Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia và Prosper Insights & Analytics, chi tiêu cho Ngày lễ tình nhân dự kiến sẽ đạt 23,9 tỷ USD trong năm 2022, tăng từ 21,8 tỷ USD vào năm 2021. Đây cũng là năm thứ hai ghi nhận mức chi tiêu cho ngày Valentine cao kỷ lục.
"Sau mức chi tiêu lịch sử của người tiêu dùng trong những kỳ nghỉ đông, có vẻ như xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2022," Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NRF Matthew Shay cho biết.
"Ngày Lễ tình nhân là một dịp đặc biệt đối với nhiều người Mỹ, thậm chí còn hơn thế nữa khi chúng tôi thoát khỏi đại dịch và các nhà bán lẻ đã chuẩn bị sẵn sàng để giúp họ đánh dấu ngày lễ một cách đáng nhớ và ý nghĩa", ông Matthew Shay nói thêm.
Cụ thể, hơn một nửa (53%) người tiêu dùng Hoa Kỳ dự định tổ chức lễ kỷ niệm vào năm 2022, tăng từ 52% vào năm 2021. Bên cạnh đó, khoảng 76% số người định tổ chức lễ kỷ niệm cho rằng đây là việc quan trọng phải làm, với tình trạng hiện tại của dịch bệnh.
Mỗi người tiêu dùng dự kiến chi trung bình 175,41 USD cho những món quà trong Ngày lễ tình nhân. Nguồn: NRF.
Theo khảo sát, mỗi người tiêu dùng dự kiến chi trung bình 175,41 USD cho những món quà trong Ngày lễ tình nhân, tăng từ 164,76 USD vào năm 2021. Sự gia tăng này diễn ra do nhiều người có ý định chi tiêu nhiều hơn cho những người quan trọng.
Trong đó, kẹo (56%), thiệp chúc mừng (40%) và hoa (37%) vẫn là những món quà phổ biến nhất trong ngày Valentine. Khoảng 31% số người được hỏi dự định sẽ tổ chức một bữa tối lãng mạn, tăng từ mức 24% vào năm 2021 và chỉ thấp hơn một chút so với mức trước đại dịch, với tổng số tiền là 4,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, gần 22% số người tham gia khảo sát sẽ chọn tặng đồ trang sức cho một người đặc biệt. Tổng chi tiêu cho trang sức ước tính khoảng 6,2 tỷ USD, tăng từ 4,1 tỷ USD vào năm 2021 và là mức cao nhất trong lịch sử.
Nhu cầu về quà tặng trải nghiệm, chẳng hạn như vé xem một buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao, cũng đã quay trở lại mức trước đại dịch, với 41% người tham gia khảo sát nói rằng họ "muốn nhận được quà tặng trải nghiệm".
"Mặc dù những món quà truyền thống trong Ngày lễ tình nhân như kẹo và hoa dường như không bao giờ lỗi mốt, nhưng người tặng và người nhận quà đều cảm thấy thoải mái hơn khi đi ăn một bữa đặc biệt hoặc tham gia trải nghiệm mới so với một năm trước," Phó Giám đốc điều hành Prosper Insights Phil Rist nhận định.
"Điều này đặc biệt đúng ở các nhóm tuổi trẻ hơn", ông cho hay.
Ngoài ra, báo cáo cho biết, trực tuyến tiếp tục là kênh mua sắm phổ biến nhất cho Ngày lễ tình nhân năm 2022, với 41% lượt ghé thăm, tiếp theo là các cửa hàng bách hóa 32%, cửa hàng giảm giá 28%, các doanh nghiệp nhỏ địa phương 18% và người bán hoa 17%.
Liệu tiền có mua được tình yêu?
Theo Giáo sư Kinh tế và Chính sách công của trường đại học Michigan, bà Betsey Stevenson, tiền bạc có liên quan đến tình yêu. Cụ thể, những người có thu nhập hộ cao hơn sẽ có xu hướng trải nghiệm yêu đương cao hơn, cũng như dễ có thời gian cho tình yêu hơn.
"Nói một cách đại khái, việc tăng gấp đôi thu nhập sẽ khiến khả năng tìm thấy tình yêu của một người tăng khoảng 4 điểm phần trăm", bà Betsey Stevenson cho biết.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng, điều đó không có nghĩa là tiền có thể mua được tình yêu. Bên cạnh yếu tố về thu nhập, các yếu tố khác như ngoại hình cũng là một yếu tố thu hút.
Còn theo ông Christopher Coyne, Giáo sư Kinh tế tại Trung tâm Mercatus Đại học George Mason, các nhà kinh tế học thường cho rằng tiền mặt là món quà hiệu quả nhất, vì người được nhận quà có thể sử dụng số tiền đó để mua bất cứ thứ gì họ muốn.
Tuy nhiên, một khái niệm kinh tế quan trọng được gọi là "tín hiệu" (signaling), giải thích rằng, việc mua quà cho người khác thực sự là một tín hiệu chứng minh rằng bạn đã dành thời gian suy nghĩ về họ.