Vẫn chưa rõ thời điểm doanh nghiệp Nhà nước thoát “một cổ 5 - 6 tròng”
Chưa thể khẳng định khi nào các bộ, cơ quan ngang bộ mới không còn “ôm” chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước...
- 14-08-2017Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước vận may bất ngờ?
- 11-08-2017Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ỳ ạch do đâu?
- 08-08-2017Thủ tướng yêu cầu công khai tình hình dùng điện tại cơ quan, doanh nghiệp nhà nước
Có không ít sự chậm chạp được nêu trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đây sẽ là chuyên đề được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao ở kỳ họp thứ 4 diễn ra cuối năm nay. Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo này.
Chuyện từ 8 năm trước
Một trong số những sự chậm chạp nêu trên có liên quan đến một vấn đề rất lớn trong quản lý các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đó là chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Gần 8 năm về trước, Quốc hội khoá 12 thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Khi đó, một trong 6 hạn chế lớn được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra là: chưa triệt để tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cơ quan quản lý hành chính Nhà nước vẫn đồng thời là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch về vai trò, chức năng của cơ quan Nhà nước.
Khi đó, nhân dân đang giao Chính phủ nắm số vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ USD. Vì thế, trong nghị quyết sau phiên giám sát, Quốc hội đã yêu cầu sớm ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Và một trong những yêu cầu quan trọng của dự thảo luật là ra đời cho được mô hình đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
5 năm sau, vào cuối năm 2014, Quốc hội khoá 13 đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhưng, mô hình đại diện chủ sở hữu Nhà nước vẫn là vấn đề bỏ ngỏ, dù được không ít vị đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong luật, và cơ quan tiếp thu là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận đó là ý kiến xác đáng.
Đến tháng 2/2015, trả lời văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết sẽ sớm nghiên cứu để có thể hình thành cơ quan quản lý phù hợp của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Tháng 4/2016, Chính phủ mới ra đời với 22/27 vị trí có sự thay đổi nhân sự.
Nhiều tháng sau, khi mà tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đã khoảng 240 tỷ USD, khi các chuyên gia cả “Tây” và “Ta” tiếp tục thúc giục không nên kéo dài thêm việc nhập nhằng trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nữa, trong một hội thảo về chủ đề này, một vị Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định rằng, với một uỷ ban quản lý giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thoát cảnh “một cổ 5 - 6 tròng”.
Vị Thứ trưởng cũng nêu rõ, quyết tâm chính trị về việc tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước đã rất rõ ràng. “Đây là tư tưởng lớn, không còn hoài nghi, về mặt chính thống tất cả các nhà chính trị Việt Nam không ai nói ngược lại quan điểm này, đã đến giai đoạn làm thế nào chứ không phải có tách ra hay không”, ông khẳng định.
Thời điểm ấy, báo chí cũng liên tục thông tin, như sắp trình đề án lập “siêu uỷ ban”, rồi SCIC có thể thành siêu uỷ ban này, hay lập 2-3 tập đoàn tài chính hơn là một uỷ ban... Khi đó, cảm giác sự ra đời của một cơ quan độc lập để quản vốn Nhà nước chỉ còn tính bằng ngày, cùng lắm là bằng tháng.
Vẫn đang là “vấn đề đặt ra”
Nhưng đến tận cuối tháng 6/2017, trong báo cáo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước gửi đoàn giám sát của Quốc hội, việc tách bạch chức năng nói trên vẫn đang được nhìn nhận là một trong những “vấn đề thực tế đặt ra đối với bộ máy Chính phủ”.
Không giải thích lý do vì sao mô hình này chưa ra đời, nhưng trong phần giải pháp về tổ chức bộ máy, Chính phủ một lần nữa thể hiện quyết tâm “hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp...”.
Như vậy, hiện cũng chưa thể khẳng định chính xác thời điểm các bộ, cơ quan ngang bộ không còn “ôm” chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Dù theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp như quy định tại điều 22 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
Kết quả giám sát cho thấy, do chưa thành lập được cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp, nên một số bộ, cơ quan ngang bộ hiện vẫn được giao thực hiện chức năng này.
Vneconomy