MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận chuyển dầu thô đến khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ gặp khó, Nga đang làm gì để giải quyết 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày khi EU chính thức quay lưng?

07-10-2022 - 00:08 AM | Thị trường

Vận chuyển dầu thô đến khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ gặp khó, Nga đang làm gì để giải quyết 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày khi EU chính thức quay lưng?

Mặc dù tăng cường vận chuyển dầu đến châu Á nhưng Nga vẫn phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng cho lượng lớn dầu thô của mình khi lệnh trừng phạt chính thức có hiệu lực. Các thị trường nhỏ hơn đang trở thành đích đến của dầu Nga.

Trước thềm lệnh cấm vận có hiệu lực, Nga đã tăng cường vận chuyển dầu đến châu Á tuy nhiên vẫn cần phải tìm cách xoay vòng cho khoảng 1,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày khi châu Âu chính thức cấm vận vào tháng 12 tới đây. Nga xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn dầu thô mỗi tháng – tương đương khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày thông qua một số tuyến đường, bao gồm đường ống Druzhba đến châu Âu và các tuyến khác đến châu Á.

Trong tháng 8, tổng xuất khẩu của Nga qua các cảng tại châu Âu và đường ống Druzhba lên tới 12,05 triệu tấn, trong đó khoảng 5,5 triệu tấn (tương đương với 1,3 triệu thùng/ngày) được vận chuyển đến các quốc gia sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga từ ngày 5/12.

Các thương nhân cho biết Nga sẽ phải tìm người mua mới cho khối lượng dầu thô đó bằng cách đưa ra những ưu đãi giá rẻ và các điều khoản đặc biệt, đồng thời đối mặt với chi phí vận chuyển đắt đỏ khi phải giao hàng đến những nơi xa hơn.

Một thương nhân trên thị trường dầu Nga cho biết: "Dầu Urals của Nga luôn là mặt hàng được yêu thích của châu Âu. Giờ đây, để tiếp cận các thị trường mới, Nga sẽ phải vận chuyển hàng hóa bên ngoài châu Âu trong bối cảnh lo lắng về chi phí vận tải, bảo hiểm và thời gian giao hàng".

Mỹ và EU đang nghiên cứu về việc áp giá trần đối với dầu Nga và cho rằng điều này sẽ làm giảm doanh thu cho Moscow trong khi giữ giá năng lượng toàn cầu ở mức thấp.

Đáp trả lại thông tin này, Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp đặt giới hạn và các thương nhân nói rằng họ không thấy biện pháp này có hiệu quả.

Các thương nhân tham gia vào giao dịch dầu của Nga cho biết, áp trần giá dầu có thể sẽ không có ý nghĩa đối với Nga cả về mặt chính trị và kinh tế. Việc đàm phán các giao dịch tư nhân dễ dàng hơn nhiều so với việc cam kết với mức giá do phương Tây đưa ra.

Nga đã xuất khẩu 8,85 triệu tấn dầu Urals trong tháng 8 từ các cảng ở châu Âu, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia dự kiến ​​sẽ không tham gia lệnh cấm vận này đã mua khoảng một nửa, trong khi phần còn lại xuất sang châu Âu. Nga cũng cung cấp cho châu Âu khoảng 3,2 triệu tấn dầu mỗi tháng thông qua đường ống Druzhba. Về mặt kỹ thuật, tuyến đường này được loại trừ khỏi lệnh cấm vận vì Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc muốn tiếp tục mua từ nó.

Tuy nhiên Đức và Ba Lan, những khách hàng lớn mua dầu từ Druzhba muốn ngừng mua từ năm 2023, có nghĩa là khoảng 2 triệu tấn dầu mỗi tháng sẽ cần tìm người mua mới.

Vận chuyển dầu thô đến khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ gặp khó, Nga đang làm gì để giải quyết 1,3 triệu thùng dầu thô/ngày khi EU chính thức quay lưng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những khách mua hàng mới

Định tuyến lại dầu từ Druzhba sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vì các cảng dầu của Nga có khả năng xuất khẩu hạn chế và người bán sẽ phải bố trí thêm tàu ​​chở dầu, các thương nhân cho biết thêm.

Nga không thể tái định tuyến số lượng lớn dầu Urals tới đường ống dẫn dầu ở Thái Bình Dương (ESPO) ở Đông Siberia, vốn đang bơm gần hết công suất. Điều đó khiến các chuyến hàng qua Châu Âu và Kênh đào Suez trở thành những tuyến đường khả thi duy nhất cho dầu thô Urals đến Châu Á.

Ngay cả khi Nga đưa ra các điều khoản có lợi hơn nữa, Ấn Độ và Trung Quốc cũng khó có thể mua thêm dầu thô của Nga bởi họ có những hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất đối thủ của Nga như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Nguồn tin từ các công ty kinh doanh dầu mỏ tại châu Á cũng cho biết, các công ty Nga đã giảm giá dầu “kịch sàn” cũng như chi phí vận chuyển và bảo hiểm, các tùy chọn thanh toán cũng như đặc quyền khác để giữ chân người mua.

Tuy nhiên các công ty Nga cũng sẽ phải thay đổi cách bán dầu thô. Thị trường dầu mỏ châu Á có chu kỳ giao dịch sớm hơn nhiều so với thị trường châu Âu. Chẳng hạn như giữa tháng 9, người mua châu Á đang giao dịch hàng hóa tải tháng 12, trong khi châu Âu vẫn định giá hàng hóa tải tháng 10.

Các thương nhân cho biết, để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ để bán hàng, Nga đã cố gắng lôi kéo những người chơi nhỏ hơn. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, Sri Lanka cho biết họ sẽ bắt đầu mua dầu từ Nga, nhưng mới chỉ mua khoảng 300.000 tấn dầu Ural trong năm nay. Cuba cũng đã tham gia mua dầu từ Nga với 200.000 tấn dầu trong năm nay.

"Những người chơi nhỏ chắc chắn không đủ để tiêu thụ hết số lượng dầu của Nga. Trung Quốc là giải pháp cuối cùng để khai thác dầu của Nga nếu không Moscow sẽ phải cắt giảm sản lượng cuối cùng", một thương nhân đang tham gia vào thị trường dầu Nga cho biết.

Theo Bloomberg, Reuters

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên