MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm

20-06-2021 - 15:34 PM | Sống

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm

Bạn có biết: Tỷ lệ tử vong khi đang đi bộ cao gấp 16 lần so với rủi ro từ vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca.

"Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca gây đông máu". "Ghi nhận x người ở quốc gia X tử vong sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca". Nếu những thông tin này đang khiến bạn lo lắng đến nỗi sợ tiêm vắc-xin, có thể bạn đang mắc phải một hiệu ứng được gọi là "cognitive biases" hay những "thành kiến xuất phát từ nhận thức bị sai lệch".

Hiệu ứng này xuất hiện từ quá trình tiến hóa của con người, sau khi tổ tiên chúng ta đơn giản hóa quá trình nhận thức giúp họ phản ứng nhanh với các rủi ro của thế giới bên ngoài.

Chẳng hạn, khi một người tiền sử nhìn thấy một con sư tử, họ ngay lập tức tự nhủ mình nên tránh đi, không cần phải phân tích con sư tử đó ở xa hay gần, đang no hay đói và với tốc độ của nó có thể đuổi kịp mình hay không.

Thật không may, quá trình đơn giản hóa nhận thức này có thể vô tình cài vào não bộ của chúng ta ngày nay, những con người hiện đại ở thế kỷ 21, nhiều thiên kiến mang tính chủ quan, sai lệch so với nguy cơ thực tế có thể xảy ra.

Và "cognitive biases" thì có rất nhiều loại. Hãy lấy ví dụ khi bạn lo lắng về nguy cơ rối loạn đông máu được gọi là huyết khối kèm giảm tiểu cầu (TTS) từ vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca.

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm - Ảnh 1.

Những loại thiên kiến chủ quan khiến bạn nhận thức sai về rủi ro của vắc-xin

Đầu tiên, khi bạn nghĩ vắc-xin COVID-19 có rủi ro cao, bạn đang chỉ tập trung vào các thông tin nói về tác dụng phụ của nó mà không để ý đến bức tranh tổng thế, bao gồm khả năng phòng bệnh của vắc-xin và thực tế rằng tỷ lệ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin là rất nhỏ.

Hiệu ứng này được phân loại là "Attentional bias" hay "Thiên kiến tập trung", giống như khi bạn mua một chiếc xe ô tô, bạn quá tập trung vào chọn nội thất chiếc xe vì bạn thích nội thất, mà quên đi các thông tin khác bao gồm trang bị an toàn và khả năng tiết kiệm xăng của nó.

Bạn cũng có thể gặp một dạng thiên kiến nhận thức được gọi là "Halo effect" hay "Hiệu ứng hào quang", khi các thông tin về vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca gây ra cục máu đông sẽ được não bộ của bạn phóng đại, trong khi, các thông tin khác bị lờ đi để củng cố kết luận bạn.

Và nếu bạn là một người bảo thủ, bạn sẽ rất dễ mắc vào một dạng thiên kiến được gọi là "Confirmation bias" hay "Thành kiến xác nhận". Trong đó, bạn kiên quyết giữ ý kiến ban đầu của mình, và chỉ ủng hộ các thông tin phù hợp với kết luận của bạn bất chấp các thông tin khác khách quan và khoa học hơn.

Hiệu ứng này cũng được gọi là "Anchoring bias", hay "Thiên kiến bảo thủ". Trong đó, bạn có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào thông tin đầu tiên mà bạn đọc được.

Và tệ hơn nữa nếu như bạn nhận được sự ủng hộ của một số người xung quanh cũng có lập luận giống mình, bạn có thể mắc vào "False consensus effect", hay "Hiệu ứng đồng thuận giả". Trong đó, các nhóm có xu hướng gần gũi với nhau thường đồng ý với quan điểm của nhau một cách "nể nang". Tuy nhiên, sự đồng tình này đã bị bạn đánh giá quá cao và cho rằng đó là do lập luận của mình quá xác đáng.

Tất cả các loại "cognitive biases" kể trên đều có thể ảnh hưởng đến cách ra quyết định của chúng ta. Và trong nhiều trường hợp, nó có thể khiến chúng ta ra các quyết định sai, chẳng hạn như tâm lý nghi ngại, không tiêm vắc-xin vì lo lắng về tác dụng phụ của nó.

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm - Ảnh 2.

Làm sao để nhận thức đúng về tỷ lệ rủi ro khi tiêm vắc-xin COVID-19?

Có phải bạn đang lo ngại nguy cơ tử vong vì đông máu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca? Sau đây sẽ là những dữ liệu khách quan, được thể hiện bằng cả các con số và hình ảnh để bạn có thể nhận thức đúng về nó, tránh các thành kiến chủ quan.

Đầu tiên, bạn phải biết nguy cơ tử vong khi mắc phải cục máu đông. Các thống kê ban đầu khiến chúng ta nghĩ khoảng 25% số người có cục máu đông liên quan đến vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca sẽ chết. Nhưng nếu chúng ta nhận biết sớm và điều trị được những cục máu đông hiếm gặp này, nguy cơ tử vong sẽ giảm xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 4%.

Vì vậy, bản thân tỷ lệ gặp biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 đã thấp, tỷ lệ tử vong của nó thậm chí còn thấp hơn rất nhiều. Hãy lấy dẫn chứng từ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca tại Úc.

Sau khi tiêm xong 3,8 triệu liều vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, Úc chỉ ghi nhận 2 ca tử vong liên quan đến cục máu đông. Nghĩa là tỷ lệ tử vong chỉ là 0,5 trên 1 triệu. Nếu bạn thích số nguyên, nó là khoảng 1/2.000.000.

Để giúp bạn hình dung con số này, chúng tôi sẽ cho bạn xem một infographic. Hãy sẵn sàng cuộn chuột hoặc vuốt màn hình:

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm - Ảnh 3.

Như bạn có thể thấy, rủi ro tử vong vì biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca là rất nhỏ. Bây giờ, hãy thử so sánh nó với các nguy cơ khác mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Ví dụ như khi chơi các môn thể thao mạo hiểm:

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm - Ảnh 4.

Nếu vẫn chưa thuyết phục, bạn có thể nghĩ rằng mình có bao giờ trượt tuyết hay leo núi đâu. Vậy thì hãy xem xét thêm những rủi ro phổ biến hơn mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống hàng ngày của mình, nhưng vì các thiên kiến nhận thức mà não bộ chúng ta hiếm khi chú ý đến.

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm - Ảnh 5.

Vậy là bạn có thể thấy, nguy cơ tử vong sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca chỉ bằng nguy cơ tử vong do sét đánh trong vòng 1 năm ở Úc. Và nó hoàn toàn trở nên nhạt nhòa khi so sánh với những rủi ro khác, ví dụ như nguy cơ tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi.

Qua những hình ảnh trực quan này, hi vọng bạn đã có thể loại bỏ một số thành kiến trong nhận thức của mình. Quan trọng hơn, bạn cần biết vắc-xin COVID-19 không những có tác dụng bảo vệ bản thân bạn, nó còn giúp bảo vệ những người thân xung quanh bạn, một số người chưa được tiêm vắc-xin.

Ngay cả khi vắc-xin thất bại trong việc khiến bạn miễn nhiễm với COVID-19, nó cũng phòng ngừa các ca bệnh nặng và khiến bạn không cần phải dùng đến máy thở hoặc nằm trong phòng ICU. Các nghiên cứu cũng gợi ý khả năng lây bệnh cho người khác thấp hơn ở những bệnh nhân COVID-19 đã tiêm vắc-xin, vì nồng độ virus trong cơ thể họ thấp hơn.

Bởi vậy, chỉ khi đưa tất cả các thông tin này lên bàn cân, bạn mới có thể ra được quyết định chính xác trước lựa chọn tiêm vắc-xin để bảo vệ bản thân, những người xung quanh mình và toàn thể xã hội.

Vẫn còn nghi ngờ về rủi ro của vắc-xin COVID-19? Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thật kỹ trước khi tiêm - Ảnh 6.

Tham khảo Theconversation, Verywellmind

Theo Thanh Long

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên