Vẫn còn thất thu lớn từ thuế thương mại điện tử
Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đang tăng dần qua các năm, nhưng con số này vẫn còn
- 06-12-2022Chuẩn bị thanh tra đột xuất việc cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động
- 06-12-2022Giá Bitcoin hôm nay 6/12: Bitcoin tiếp đà tăng, thị trường ngập sắc xanh
- 05-12-2022Webtoon bùng nổ, giúp thúc đẩy làn sóng Hallyu trên toàn thế giới
Theo Bộ Tài chính, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018 - 2021 đạt 130%. Đặc biệt tăng cao từ năm 2021, số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.
Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có 37 nhà cung cấp nước ngoài trên khắp thế giới đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế, với số thuế đã kê khai, nộp thuế trên 3.100 tỷ đồng. Trong số đó, một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế lớn như Meta (Facebook) nộp trên 1.700 tỷ đồng, Google nộp gần 1.000 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, để quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam, cơ quan thuế đã gián tiếp thông qua các đại sứ quán nơi có các nhà cung cấp nước ngoài hiện diện, cũng như các tổ chức tư vấn kiểm toán lớn (Big Four) để thông qua đó vận động, tuyên truyền.
Trong quá trình triển khai, các nhà cung cấp nước ngoài đã rất tích cực và chủ động phối hợp với cơ quan thuế trong việc tìm hiểu chính sách, thực hiện kê khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế.
Bên cạnh việc quản lý thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoại tại Việt Nam thì quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp dịch vụ số cũng được Tổng cục Thuế đẩy mạnh. Theo đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng tăng gấp 2 lần so với số thu năm 2021.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của sàn thương mại điện tử trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mà ngành thuế phải đối mặt khi triển khai thu thuế sàn thương mại điện tử như: khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, trong việc xác định được căn cứ tính thuế.
Bên cạnh đó, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế bởi trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Khó khăn tiếp theo, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết là kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch sàn thương mại điện tử và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch sàn thương mại điện tử hoặc cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.
Ngoài ra, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã từng thẳng thắn thừa nhận thực tế "chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ". Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử; trong đó, 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn thương mại điện tử khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đầu tháng 10 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 889/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu đối với hoạt động thương mại điện tử; đồng thời áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý thuế đối với hoạt động sàn thương mại điện tử như: tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm. Đặc biệt hướng dẫn người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có thể kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế. Cùng đó, hướng dẫn người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai theo đúng quy định của pháp luật.
Ngành thuế cũng tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số; hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho hay, ngành thuế tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, Sàn thương mại điện tử,...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Báo tin tức