MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vấn đề lớn nhất của chúng ta: Làm việc còn phải xem tâm trạng, nếu tâm tư không tốt, cơ thể mệt mỏi là không muốn làm gì. Bảo sao bạn mãi chưa thành công

12-11-2018 - 09:42 AM | Sống

Nỗ lực hay không còn phải xem tâm trạng? Vậy bạn chơi Call of Duty, lướt shopee, tiki có cần phải xem tâm trạng không?

- 01 -

Tôi có quen một anh bạn hơn 40 tuổi, là một người khá thú vị.

Lúc trước anh ấy làm cho một công ty thương mại điện tử, sau này tách ra tự lập công ty, cũng đã trải qua 2 lần lập nghiệp. Bất kể là làm giám đốc quản lý hay là làm ông chủ, anh ấy đều duy trì thói quen mỗi tuần làm việc trên 100 tiếng đồng hồ.

Một lần khi cùng anh ấy uống rượu, tôi phát hiện ra một chuyện khá thú vị: làm việc với một cường độ lớn như vậy mà anh ấy lại chưa bao giờ cảm thấy "mệt mỏi, khó chịu hay ca thán". Con đường lập nghiệp vô vàn khó khăn, nhưng anh ấy luôn tin rằng: "Đời người chính là sự tổng hòa của niềm vui và cả những sự không vui".

Sự nghiệp của anh ấy không hề nhỏ, nhưng cái tôi ngưỡng mộ và bị thu hút không phải là cơ ngơi của anh ấy mà là cách anh ấy "bình thường hóa sự nỗ lực".

Thực ra, tôi cũng thấy không ít người có cùng phẩm chất này giống anh ấy.

Có người năm 2 đại học, vừa ngủ dậy liền ngồi vào bàn học viết phương án.

Có người bữa tiệc cuối năm vừa kết thúc liền về phòng làm việc sửa hợp đồng.

Hay trên xe, ở sân bay đều dùng điện thoại đánh văn bản, trả lời email.

Bọn họ không cảm thấy những việc trên có gì to tát, cũng không vì "1 lần thức đêm" để làm việc mà cảm động đến rơi nước mắt, và cũng chẳng đi bình luận hay nói với mọi người rằng "tôi cũng đang làm việc rất chăm chỉ".

Những nỗ lực này từ bao giờ đã trở thành thói quen của họ.

Trong mắt tôi, những nỗ lực từng chút từng chút một, những nỗ lực mà có thể chẳng ai biết này mới là những nỗ lực đích thực.

Vấn đề lớn nhất của chúng ta: Làm việc còn phải xem tâm trạng, nếu tâm tư không tốt, cơ thể mệt mỏi là không muốn làm gì. Bảo sao bạn mãi chưa thành công - Ảnh 1.


- 02 -

Đối lập với nỗ lực bình thường hóa là những nỗ lực ngắt quãng.

Tôi trước đó làm một chiếc thẻ tập gym, hạ quyết tâm chăm sóc cho cơ thể và sức khỏe, bắt đầu từ 1/1 đến 31/12, kết quả trong khoảng thời gian đó chỉ đi có 2 lần.

Tôi mua một quyển từ sổ từ vựng tiếng anh, quyết tâm phải học hết tất cả từ vựng trong đó, kết quả ngoài từ "abandon" là bỏ rơi, ruồng bỏ ra tôi chẳng nhớ từ nào hết.

Bạn sáng 8h đi làm, 5h chiều tan làm, sống như một con robot cho qua ngày. Bạn cảm thấy buồn chán, vô vị. Bạn hạ quyết tâm mỗi ngày sau khi tan làm về nhà sẽ dành ra khoảng 2h đồng hồ để "sạc lại pin" và học tập… Nhưng khoảnh khắc bước về đến cửa nhà, mọi thứ bỗng chốc tan biến, bật ti vi lên, bộ phim kia hay quá, vậy là lại thoải mái nằm trên ghế xem như chưa từng có bất cứ sự quyết tâm nào.

Cuộc sống của bạn vô cùng giống với cuốn sổ từ vựng tiếng anh kia: mấy trang đầu giở nhiều đến mép sổ cũng bị quăn, nhưng những nội dung phía sau thì lại hoàn toàn như mới.

Chuyện này những tưởng chỉ là chuyện nhỏ nhưng nó lại liên quan rất lớn đến sự thành bại của bạn. Những chi tiết nhỏ nhặt đó chính là một biểu hiện của sự nỗ lực.

Phần lớn mọi người đều lưỡng lự, chần chừ giữa nhiệt huyết và sa ngã: một khoảng thời gian tỏ ra vô cùng quyết tâm, bị chính mình làm cảm động đến rơi nước mắt; nhưng mấy hôm sau lại lười biếng, buông thả, giá áo túi cơm.

Tôi tin rằng chúng ta ai cũng đã từng nỗ lực, đều có lúc nhiệt huyết sục sôi, quyết tâm thề thốt, nhiệt tình đi làm một việc gì đó. Tuy nhiên thì giữa những người tầm thường và những người kiệt xuất có sự phân biệt rất rõ ràng là bởi sự nỗ lực của những người tầm thường thường bị ngắt quãng, không thành một hệ thống, đi rồi lại dừng, dừng rồi lại đi, cứ lặp lại như vậy.

Đôi khi chúng ta sẽ nghĩ "Tôi cũng đã từng nỗ lực nhưng tại sao may mắn vẫn không tìm tới tôi?" Trên thực tế, nỗ lực không phải là trọng điểm, bình thường hóa sự nỗ lực đó mới là quan trọng. Những nỗ lực kiểu cưỡi ngựa xem hoa đều không phải là nỗ lực thực sự.

Vấn đề lớn nhất của chúng ta: Làm việc còn phải xem tâm trạng, nếu tâm tư không tốt, cơ thể mệt mỏi là không muốn làm gì. Bảo sao bạn mãi chưa thành công - Ảnh 2.


- 03 -

Lúc học cấp 3, quan hệ giữa tôi và bạn cùng bàn có thể lấy mối quan hệ giữa Real Madrid và Barcelona ra để hình dung.

Cậu ta là người khiến tôi khiếp sợ và cũng phục nhất: buổi chiều vừa kết thúc bài thi cuối kỳ, buổi tối lại lặng lẽ ngồi tự học. Đáng sợ ở chỗ cậu ta lúc nào nhìn cũng trông cũng rất bĩnh tĩnh, trầm lặng, mọi việc cậu ta làm đều rất tự nhiên, không cần phải tự thuyết phục bản thân, cũng không cần phải xây dựng tâm lý… Còn tôi thì… Tôi còn có thể làm sao? Tôi cũng tuyệt vọng lắm chứ.

Những người xem nỗ lực như một thói quen đáng sợ ở chỗ: đối với họ mà nói, nỗ lực, chăm chỉ không phải là một công việc cần được sắp xếp, chỉ định mà nó là chuyện xảy ra hết sức tự nhiên. Bất kể là tâm trạng có ra sao, vui hay buồn họ vẫn có thể nhập vai vào bất cứ lúc nào, lúc nào cũng có thể tìm được cảm hứng và sự vui vẻ.

Còn vấn đề lớn nhất của người bình thường đó là: làm việc còn phải xem tâm trạng. Tâm tư không tốt, cơ thể mệt mỏi là không muốn làm gì hết? Cứ nuông chiều bản thân như vậy thì đến bao giờ mới làm được việc lớn. Bạn chơi Call of Duty, lướt shopee, tiki có cần phải xem tâm trạng không?

Thực tế, đối với phần lớn các nhà lập nghiệp mà nói, không trải qua 5 đến 8 năm, mỗi tuần 7×12 tiếng đồng hồ phấn đấu, chăm chỉ thì rất khó có thể đạt được thành công.

5×8 tiếng đồng hồ thời gian biểu thực ra mà nói không đủ để để bạn trở nên nổi trội. Gia cảnh bình thường, trí tuệ phổ thông, làm việc hời hợt mà muốn thành công ư, bạn dựa vào đâu? Tôi không nghĩ may mắn trong số bao nhiêu người như vậy lại rơi trúng vào đầu bạn đâu.

Nỗ lực không phải ngày một ngày hai, cũng không phải 1,2 tháng, thậm chí cần đến 1,2 năm mới có thể nhìn thấy một chút ánh sáng. Chỉ tiếc rằng một vài người khi sắp gặt được quả rồi lại buông tay từ bỏ. Nỗ lực một chút là sẽ có được hồi đáp? Trên đời làm gì có chuyện tốt đến như vậy. Sinh con cũng cần đến 9 tháng 10 ngày cơ mà.

Thời gian chỉ là tượng trưng, bản chất của nó là cách bạn bình thường hóa sự chăm chỉ của bạn. Nó không đảm bảo bạn sẽ 100% thành công nhưng nó tạo ra được cái gốc, cái rễ vững chắc cho bạn. Nó cần bạn phải kiên trì không ngừng nghỉ, cần bạn làm nó mỗi ngày, cần sự nhẫn nại của bạn.

Sự kiên trì nói lên tham vọng của bạn. Kiên trì có lớn thì mới xứng đáng với những tham vọng tầm cơ.

Khi nỗ lực về cơ bản không còn là yêu cầu đối với bạn nữa mà trở thành một trong những thói quen hàng ngày của bạn thì tôi tin rằng đó là lúc bạn sẽ nhìn thấy một thế giới, một con người mới ở bạn.

Theo Như Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên