MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vấn đề nguồn cung khí đốt Nga-châu Âu không ngừng căng thẳng, Mỹ bất ngờ hưởng lợi lớn

30-07-2022 - 08:13 AM | Thị trường

Vấn đề nguồn cung khí đốt Nga-châu Âu không ngừng căng thẳng, Mỹ bất ngờ hưởng lợi lớn

Mỹ trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới khi châu Âu đang trong cơn khát năng lượng.

Dữ liệu của EIA cho thấy lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã tăng 12% trong 6 tháng đầu năm nay, so với 6 tháng cuối năm 2021. Bình quân, nước này xuất khẩu hơn 317 triệu mét khối LNG mỗi ngày.

Trong 5 tháng đầu năm, ít nhất 71% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ được chuyển tới Liên minh châu Âu (EU) và Anh khi căng thẳng năng lượng giữa Nga và khu vực này leo thang.

Vào tháng 3, Tổng thống Joe Biden từng hứa sẽ giúp châu Âu đảm bảo nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) thay thế cho khí đốt của Nga. Tuyên bố của ông được đón nhận với đầy sự hoài nghi.

Trên thực tế, ngành khí hóa lỏng của Mỹ đã chạm tới giới hạn. Đồng thời, thị trường toàn cầu đa phần bị chi phối bởi các hợp đồng dài hạn, quyết định khí đốt sẽ được xuất đi đâu trong trong vòng 20 năm tới.

Vấn đề nguồn cung khí đốt Nga-châu Âu không ngừng căng thẳng, Mỹ bất ngờ hưởng lợi lớn - Ảnh 1.

Các nước xuất khẩu LNG năm 2021.Mỹ vượt mặt Quatar và Úc để trở thành nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới.

Theo phân tích của Reuters, Mỹ đang trên đà vượt qua cam kết hồi tháng 3 của ông Biden về việc cung cấp thêm 15 tỷ mét khối (bcm) LNG cho châu Âu trong năm nay. Thậm chí, con số thực tế còn có thể gấp ba lần cam kết, tức khoảng 45 tỷ mét khối khí đốt.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhà sản xuất khí đốt số 1 đã trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trong nửa đầu năm 2022. Sự gia tăng này là một tin tốt đối với Tổng thống Biden, người đang tìm cách tăng cường quan hệ năng lượng với châu Âu.

Nhưng do nhu cầu về khí đốt toàn cầu quá lớn, những đơn hàng sang châu Âu nhiều hơn đồng nghĩa với các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ có thể phải đối mặt với khủng hoảng năng lương hoặc tìm đến Nga.

Tốc độ xuất khẩu cũng đã chậm lại vào tháng 6 sau vụ hỏa hoạn làm đóng cửa cơ sở nén khí Freeport LNG, nơi xử lý khoảng 20% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Cơ sở này dự kiến sẽ không hoạt động hết công suất cho đến cuối năm.

Các nhà phân tích cho biết một thách thức khác có thể là mùa bão Đại Tây Dương cao hơn mức trung bình.

Cho đến năm 2021, theo dữ liệu năng lượng của Mỹ, hầu hết xuất khẩu LNG của Mỹ đến châu Á với khoảng 13% đến Hàn Quốc, 13% đến Trung Quốc và 10% đến Nhật Bản. Đó cũng là ba điểm đến hàng đầu vào năm 2020 khi 13% LNG của Mỹ đến Hàn Quốc, 12% đến Nhật Bản và 9% đến Trung Quốc.

Vào tháng 5, Bộ Năng lượng Nga cho biết LNG của Mỹ đắt hơn ít nhất 30-40% so với khí đốt qua đường ống của Nga.

Xuất khẩu LNG đã tăng đáng kể trong vài năm qua khi các quốc gia trên toàn thế giới tìm cách đa dạng hóa năng lượng khỏi các nhà máy điện than. Tuy nhiên, phải mất vài năm để xây dựng các cơ sở mới và Mỹ dự kiến ​​sẽ không tăng thêm công suất mới đáng kể cho đến ít nhất năm 2024.

Năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng thêm khoảng 54 triệu mét khối mỗi ngày kể từ tháng 11.2021, bao gồm các chuyến tàu mới tại Sabine Pass của Cheniere Energy và Calcasieu Pass của Venture Global. Ngoài ra, năng lực sản xuất LNG cũng cao hơn tại các cơ sở Sabine Pass và Corpus Christi.

Châu Âu vẫn đang vật lộn với nguồn cung khí đốt

Bất chấp nguồn cung vượt kế hoạch từ Mỹ, EU cảm thấy bấp bênh khi bước vào mùa đông do Moscow vẫn đe dọa tiếp tục cắt thêm nguồn cung khí đốt.

Vào giữa tháng 6, Nga đã giảm 60% công suất qua đường ống Nord Stream 1. Đến hôm 27/7, Gazprom dự kiến sẽ giảm công suất đường ống thêm 20% nữa với lý do turbine bị hỏng.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là đầu tàu tăng trưởng kinh tế truyền thống của khu vực, có lý do để lo ngại hơn cả. Đức phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt Nga và nước này đang ngấp nghé bờ vực suy thoái kinh tế. Chính phủ Đức đặc biệt lo ngại về việc làm thế nào để có đủ khí đốt trong mùa đông năm nay. Hôm thứ Hai (25/7), Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói trên sóng phát thanh rằng “chúng ta đang ở trong một tình huống nghiêm trọng. Giờ là lúc tất cả chúng ta cần hiểu điều đó”.

Vấn đề nguồn cung khí đốt Nga-châu Âu không ngừng căng thẳng, Mỹ bất ngờ hưởng lợi lớn - Ảnh 2.

Hôm thứ Ba (26/7), các nước châu Âu đã nhất trí sẽ chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông năm nay để ứng phó với sự suy giảm của nguồn cung khí đốt Nga. Bộ trưởng bộ năng lượng các nước thành viên EU đã phê chuẩn một kế hoạch nhằm cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ mùa thu năm nay tới mùa xuân 2023.

Tuy nhiên, liệu châu Âu có đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt nói trên hay không là câu hỏi mà chỉ thời gian mới có thể trả lời. Ngoài ra, nhiều nước thành viên EU cũng tỏ quan điểm bất mãn về chia khẩu phần khí đốt.

Khả năng suy thoái kinh tế châu Âu giờ đây đã rất rõ ràng - một báo cáo của Citi hôm thứ Ba tuần này nhận định, cho rằng việc Nga một lần nữa giảm cung khí đốt có thể sẽ "gây ra hệ quả là đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái sâu hơn".

"Với kế hoạch chia khẩu phần năng lượng trong mùa đông năm nay đã được nhất trí, chúng tôi cho rằng các điều kiện tài chính thắt lại ở châu Âu sẽ dẫn tới phản ứng tồi tệ hơn nhiều trong nền kinh tế thực, xét tới mức độ tiết kiệm và vay nợ của các hộ gia đình cũng như bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp. Mùa đông đang gõ cửa châu Âu rồi", Citi kết luận.

https://cafef.vn/van-de-nguon-cung-khi-dot-nga-chau-au-khong-ngung-cang-thang-my-bat-ngo-huong-loi-lon-20220729010512458.chn

Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên