MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Văn hóa Apple thời Tim Cook: Giảm sáng tạo, tăng lợi nhuận, ai không hợp thì đuổi!

02-02-2018 - 15:23 PM | Tài chính quốc tế

7 năm sau ngày Steve Jobs mất, Apple cho ra một loạt iPhone chỉ khác nhau về kích cỡ, một iPad dần đánh mất thị trường và một Apple Watch sống ngắc ngoải không dám công bố kết quả kinh doanh.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Steve Jobs từng gây chấn động cả thế giới với những sản phẩm làm nên lịch sử như iMac, iPod, iPhone và cả iPad. Sau khi Tim Cook tiếp quản, lợi nhuận Apple liên tục tăng cao nhưng đây liệu còn là một tên tuổi gây chấn động?

7 năm sau ngày Steve Jobs mất, Apple cho ra một loạt iPhone chỉ khác nhau về kích cỡ, một iPad dần đánh mất thị trường và một Apple Watch sống ngắc ngoải không dám công bố kết quả kinh doanh.

Văn hóa Apple thời Tim Cook: Giảm sáng tạo, tăng lợi nhuận, ai không hợp thì đuổi! - Ảnh 1.

Steve Jobs: Cứ tranh cãi đi!

Tim Cook: Im lặng và lo làm việc của mình đi!

2017 là một năm chạy đua công nghệ quyết liệt của các tập đoàn lớn, Amazon có một loạt thành công với Echo, sản phẩm loa thông minh bán chạy nhất hiện nay. Microsoft Surface ngày càng thu hút các tín đồ công nghệ cao, những người xưa kia chỉ biết đến Mac. Và Samsung đã vượt qua khủng hoảng khi cho ra lò Galaxy S8, một sản phẩm tối ưu hơn iPhone cả về pin lẫn công nghệ màn hình.

Cả tín đồ Apple và những nhà phân tích thị trường tự hỏi rằng liệu Apple có còn giữ được sự sáng tạo của mình? Tất cả các sản phẩm "biểu tượng" nhất của Apple đều đã có mặt từ thời Steve Jobs, từ iMac, iPod, iPhone cho đến iPad. Không ít các cựu nhân viên Apple cho rằng Apple đã dần dần thay đổi văn hóa của mình kể từ khi Steve Jobs mất vào năm 2011.

Một trong những cựu nhân viên đó là Bob Burrough, một nhà quản lý phần mềm đóng vai trò chính trong sự ra đời của iPhone, Bob chia sẻ rằng, dưới thời của Steve Jobs, tất cả mọi nhân viên đều được khuyến khích đưa ra ý kiến cá nhân để góp phần phát triển sản phẩm.

Văn hóa Apple thời Tim Cook: Giảm sáng tạo, tăng lợi nhuận, ai không hợp thì đuổi! - Ảnh 2.

"Chúng tôi luôn có chung một mục tiêu," Bob nói. "Tất cả nhân viên đều tập trung vào một sản phẩm, và nếu bạn nghĩ rằng sản phẩm đó có gì chưa tốt, bạn có quyền chen vào và tranh cãi để nhận được sự tán thành của Steve Jobs."

Chẳng hạn như trong dự án iPod nano. Trước khi xuất kho lô sản phẩm đầu tiên, Bob phát hiện gần 2.000 máy chưa được tắt và phần trăm pin còn lại rất thấp.

Tôi ngay lập tức nói chuyện với quản lý kho: "Nghe này, các anh cần ngay lập thức tháo 2.000 máy này ra khỏi vỏ, tắt máy và sạc pin đầy trước khi gửi tới khách hàng."

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ khi Tim Cook trở thành CEO của Apple. Nhân viên Apple ngày nay được lệnh chỉ nên chăm chỉ làm việc của mình. "Tôi được "sếp" mong đợi là hãy ngậm miệng lại và tập trung vào việc của mình, mặc kệ các nhân viên khác đang làm gì."

Cảm thấy quá khó chịu với cách quản lý này, Bob Burrough đã rời khỏi Apple vào năm 2014, ông luôn cho rằng sự thay đổi văn hóa của Tim Cook đã khiến nhân viên Apple đánh mất đi khả năng sáng tạo của mình.

Bryson Gardner, một nhân viên phát triển sản phẩm đã góp công vào hai dự án iPod và iPhone cũng có cảm giác tương tự. Bryson cho rằng Steve Jobs luôn khuyến khích nhân viên tranh luận với nhau để khiến sản phẩm trở nên tốt hơn, và phong cách của Steve Jobs là luôn lắng nghe trước khi đưa ra quyết định.

"Tầm nhìn của Steve luôn đi trước thời đại," Gardner cho biết. "Steve luôn khiến công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn."

"Nhưng Tim Cook lại là một CEO mang phong cách truyền thống", Bryson cho hay, Tim Cook không thích quá nhiều sự tranh cãi diễn ra trong nội bộ công ty, thay vào đó, ông chỉ tập hợp những quản lý cấp cao nhất và thống nhất hướng đi cho cả công ty.

Apple đã có một "phát minh" dưới thời Tim Cook là Apple Watch. Nhưng sản phẩm hứa hẹn sẽ đem đến một cuộc "cách mạng" này đã ra đời quá trễ so với hàng tá đối thủ khác, chưa kể là Apple vẫn đang giữ kín doanh thu có phần không mấy khả quan của sản phẩm này. Apple còn tham gia vào công nghệ thanh toán đám mây với Apple Pay và công nghệ bảo mật vân tay, nhưng những "đột phá" này vẫn không có gì nổi bật và mất hút trong những sự kiện công nghệ đình đám khác.

Văn hóa Apple thời Tim Cook: Giảm sáng tạo, tăng lợi nhuận, ai không hợp thì đuổi! - Ảnh 3.

Bryson cho rằng Apple đang dần trở thành nạn nhân của chính hào quang của mình. Hiện tại Apple đã quá phụ thuộc vào sự thành công của iPhone, sản phẩm đem lại tới 70% doanh thu của Apple.

"Apple trong quá khứ từng có nhiều sản phẩm chủ đạo để đa dạng hóa doanh thu," Bryson nói. Nhưng hiện tại thì, "tất cả chúng tôi phải tập trung vào nâng cấp và tích hợp tất cả công nghệ mới nhất vào một chiếc iPhone."

Theo James McQuivey, nhà phân tích tại Forrester Research: "Apple đang có nguy cơ đi theo lối mòn của Sony, công ty từng đứng đầu về giá trị cũng như công nghệ tối ưu của mình. Sony cũng từng chiếm lĩnh thị trường âm nhạc chỉ với một dòng sản phẩm: Sony Walkman.

"Vào năm 2000, mọi người vẫn còn trầm trồ và công nhận sự thành công và sáng tạo của Walkman," James cho hay. "Nhưng hiện giờ không còn ai nhớ đến Walkman nữa."


Không hợp với văn hóa công ty? Sa thải ngay!

CEO Tim Cook đã chứng minh tầm quan trọng của văn hóa Apple bằng cách sa thải John Browett - trưởng ban bán lẻ khu vực chỉ sau 1 tháng nhậm chức.

Theo những nhân viên Apple khác thì John Browett không phù hợp với văn hóa tại đây, ông thường xuyên gây hiềm khích với các nhân viên bằng cách thay đổi lịch làm việc của họ liên tục. Sau khi bị sa thải một cách quá đột ngột, Browett bày tỏ sự thất vọng tột độ khi bị đuổi chỉ vì không hợp văn hóa, ông luôn tự tin rằng mình có đủ kinh nghiệm và kiến thức để hoàn thành tốt công việc.

Nhưng văn hóa không phải là lý do duy nhất để bị sa thải tại Apple. Tim Cook đã thẳng tay sa thải những nhân sự cấp cao khi họ phạm phải sai lầm. Khi Apple Maps gặp quá nhiều sự cố và thất bại, Tim Cook đã ngay lập tức sa thải Scott Forstall, trưởng ban ứng dụng di động của Apple.

Không sáng tạo, môi trường khắc nghiệt, nhưng hiện nay iPhone vẫn là sản phẩm được nhiều người khao khát và cũng là đầu tàu để kéo cả thương hiệu Apple trở nên có giá trị nhất thế giới.

Nhưng đâu mới là văn hóa đảm bảo một tương lai bền vững của Apple? "Chỉ tập trung vào những gì Apple làm tốt nhất" của Tim Cook hay "Cạnh tranh để sáng tạo" của Steve Jobs? Chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết được câu trả lời.

Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

Trở lên trên