MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận mệnh của Thủ tướng Malaysia có thể nằm trong tay những người chỉ kiếm được vài USD mỗi ngày?

07-08-2017 - 12:42 PM | Tài chính quốc tế

Kuala Lumpur chính là vùng có chênh lệch giàu nghèo tồi tệ nhất ở Malaysia.

Ở thủ đô phồn hoa của Malaysia, 1 người bán chuối chiên đang cài quai mũ bảo hiểm cho 2 đứa con trước khi chở chúng đến trường học bằng xe máy. Đứa còn lại đứng chờ ở bên ngoài căn hộ, sẵn sàng với cặp xách đeo trên vai để chờ bố quay về đón.

Đều đặn mỗi ngày, Mohd Ezam Mohd Said (55 tuổi) phải mất tới 4 lượt đưa đi đón về. Có 1 chiếc ô tô thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhưng anh cho biết mình không có đủ khả năng. Thậm chí với mức thu nhập 20 ringgit (tương đương 4,65 USD) mỗi ngày, gia đình Ezam chỉ có thể ăn thịt gà 1 lần mỗi tuần.

Ở phía xa, những khung cửa sổ của tòa tháp đôi Petronas cao 452m sáng choang. Trong đó là những cửa hiệu sang trọng, đối lập với khu nhà ở chật chội cũ kỹ dành riêng cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 2.500 ringgit mỗi tháng mà gia đình Ezam được Chính phủ cho thuê.

Kuala Lumpur chính là vùng có chênh lệch giàu nghèo tồi tệ nhất ở Malaysia.


Mohd Ezam Mohd Said và các con. Ảnh: Bloomberg.

Mohd Ezam Mohd Said và các con. Ảnh: Bloomberg.

Có thể giải quyết vấn đề rất thân thuộc với cuộc sống thường ngày này hay không là câu hỏi có ý nghĩa quyết định đối với Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù đảng cầm quyền Tổ chức Thống nhất Dân tộc Malaysia (UMNO) của ông Najib nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái và hưởng lợi từ chuyện đảng đối lập đang đấu đá nội bộ, chi phí cuộc sống tăng cao có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng dành cho ông.

Kể từ năm 2010 đến nay, Chính phủ Malaysia đã dành hơn 1,9 tỷ ringgit hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Tỷ lệ nhóm nghèo và rất nghèo (kiếm được chưa đến 460 ringgit mỗi tháng) trong dân số đã giảm từ 3,8% trong năm 2009 xuống còn 0,6% trong năm 2014. Khoảng cách thu nhập giữa các hộ gia đình ở nông thôn và thành thị cũng đã thu hẹp.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy cuộc sống không được đảm bảo, bên cạnh đó là thái độ bất mãn với chính sách thuế được đưa ra 2 năm trước. Niềm tin người tiêu dùng hiện ở dưới mức trung bình.

Hiện đảng cầm quyền đang tăng chi tiêu cho người nghèo. Wan Saiful Wan Jan, CEO của Viện các vấn đề Dân chủ và Kinh tế Malaysia, nhận định trong quá khứ những chiến lược tương tự đã giúp ích cho UMNO trong quá khứ. Nhiều người đang phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ và lo sợ họ sẽ bị cắt tiền hỗ trợ nếu như thay đổi người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy như vậy.

Tài xế taxi Isa Ismail (61 tuổi) cho biết sẽ không ủng hộ ông Najib nữa. Thu nhập của ông đã giảm 70% do bị các công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe lấy mất khách. Làm việc 10 giờ mỗi ngày nhưng ông chỉ kiếm được khoảng 70 ringgit (tương đương 16 USD).

Hệ số Gini đo mức độ chênh lệch giàu nghèo của Kuala Lumpur hiện ở mức 0,407, cao hơn mức trung bình cả nước trong năm 2014, mặc dù khoảng cách đã được thu hẹp kể từ năm 2012 đến nay.

Chính phủ Malaysia hướng tới mục tiêu đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau. Việc này được thực hiện bằng cách cung cấp việc làm, giáo dục và các chính sách giúp mọi người dân được tiếp cận với những thứ cơ bản.

Trong khi đó, liên minh đối lập Pakatan Harapan đang xoáy sâu vào những vấn đề sát sườn, theo Rafizi Ramli, phó Chủ tịch của đảng People’s Justice. Rafizi, người đang sống ở Kuala Lumpur, cho biết cam kết tranh cử của đảng đối lập sẽ là thay thế hệ thống thuế tiến bộ hơn và tiếp tục trợ cấp cho người nghèo.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên