Vẫn một mớ bòng bong trong xử lý nợ xấu
Nợ xấu là “lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng” lại được nhắc tới khi phối hợp giữa “anh” với “tôi” để cùng tạo ra “chúng ta”.
- 23-10-2020Ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%?
- 23-10-2020Các ngân hàng kỳ vọng tín dụng cả năm nay tăng 11,4%
- 18-10-2020Hạng rủi ro tín dụng khác với nhóm nợ xấu
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ngoài báo cáo của Chính phủ, và báo cáo các bộ, ngành, UBND tỉnh và thành phố, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Ủy ban Kinh tế còn còn xem xét tình hình 41 tổ chức tín dụng (TCTD) khi đánh giá vấn đề này.
Điểm nổi lên qua báo cáo của Ủy ban Kinh tế là vẫn còn một mớ bòng bong trong phối hợp trách nhiệm giữa các bên, trong thực thi các quy định, trong thứ tự ưu tiên luật dù có quy định rõ, và ngay cả chính sự tuân thủ của các TCTD.
Và thậm chí, nợ xấu là "lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng" vẫn được nêu ra thay vì trách nhiệm chung, nguyên do chung và lợi ích chung.
KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, THIẾU ĐỒNG BỘ
Theo báo cáo, một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 42 là tỷ lệ khách hàng tự trả nợ tăng mạnh, sự hợp tác của khách hàng trong việc xử lý nợ xấu đã có chuyển biến tích cực. Khách hàng đã chủ động thanh toán các khoản nợ với các TCTD hoặc bàn giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) để các TCTD xử lý, thu hồi nợ, giúp cho đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng.
Kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý, so với tỷ lệ trung bình năm giai đoạn 2012 - 2017 là 22,8%.
Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, hiện còn nhiều TCTD phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, như việc thu giữ TSBĐ, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự, áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp tại tòa án...
Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 làm cho quá trình xử lý nợ xấu trở nên khó khăn hơn.
Ủy ban Kinh tế cũng nêu cụ thể một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ.
Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết 42 quy định việc ưu tiên áp dụng Nghị quyết 42 trong trường hợp có quy định khác nhau giữa nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD, nhưng thực tế triển khai, một số cơ quan lại hướng dẫn ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, như về điều kiện chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản vẫn áp dụng quy định tại Luật Đất đai.
Việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, cũng chưa triệt để.
Về thủ tục rút gọn tại tòa án: Hầu hết các khoản nợ khó đáp ứng đầy đủ điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018. Mặt khác, bên nợ, bên bảo đảm thường cố tình tạo ra các tình tiết mới để không đủ điều kiện áp dụng theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, kéo dài thời gian giải quyết. Do đó, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xem xét, một số trường hợp đã giải quyết nhưng chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường.
Đến nay, mới chỉ ghi nhận 2 hồ sơ được tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn.
Vướng mắc khác là hướng dẫn hồ sơ khi thực hiện đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hiện được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên thành phần hồ sơ không có biên bản thu giữ TSBĐ như quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 42 nên một số Văn phòng đăng ký đất đai từ chối việc đăng ký biến động cho người mua tài sản là khoản nợ xấu thu giữ theo Nghị quyết 42.
LĨNH VỰC RIÊNG CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG?
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, sự phối hợp của các cơ quan liên quan còn thiếu quyết liệt cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm phối hợp trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ TSBĐ, vì cho rằng việc xử lý nợ xấu là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng.
Thực tế, việc hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình thu giữ TSBĐ còn hạn chế, mới chỉ tham gia vào quá trình chứng kiến và ký tên vào biên bản làm việc hoặc công an xã chỉ tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh trật tự và an toàn trong quá trình thu giữ, không thực hiện cưỡng chế khi khách hàng chống đối.
Trong khi đó, chính bản thân một số TCTD chưa chủ động, thiếu trách nhiệm và chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Kinh tế cho biết, kết quả kiểm toán chuyên đề việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 42 ngày 25/12/2019 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số TTCD còn chưa tuân thủ đúng quy định tại Nghị quyết 42.
Cụ thể như: quá trình thực hiện thu giữ TSBĐ không gửi thông báo cho UBND và công an cấp xã, không thực hiện đăng tải thông tin lên website theo quy định; một số hồ sơ đủ điều kiện thực hiện khởi kiện theo thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến TSBĐ nhưng TCTD chưa thực hiện; quá trình thực hiện xác định giá trị TSBĐ để cấn trừ nợ chưa cung cấp được chi tiết cơ sở thuyết minh xác định giá bán bảo đảm tính "công khai, minh bạch" theo quy định tại Nghị quyết...
Bên cạnh đó, một số TCTD không cung cấp giấy tờ, tài liệu liên quan cho việc xử lý tài sản dù cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản đề nghị; không thông báo kịp thời về khoản nợ xấu cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS) theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết 42, dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS trong việc kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 Luật THADS.
Nhịp sống doanh nghiệp