MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vấn nạn hàng nhái đến đánh giá 5 sao giả trên sàn thương mại điện tử

03-05-2019 - 15:33 PM | Thị trường

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng trầm trọng trên các trang thương mại điện tử (TMĐT). Tệ trạng này đã được nhà sáng lập website TMĐT hàng đầu thế giới Alibaba là Jack Ma ví như “căn bệnh ung thư của thương mại điện tử”.

Vấn nạn hàng nhái, giả từ đại gia đến tiểu chủ…

Oái oăm là chính Alibaba của Jack Ma chứ không phải nơi nào khác được ví là nơi bán hàng giả, hàng nhái lớn nhất thế giới. Với doanh số đạt trên dưới 400 tỉ USD mỗi năm, doanh số bán hàng giả, hàng nhái trên Alibaba cũng ở mức “khủng”.

Việc các trang con của tập đoàn này như AliExpress, Taobao tràn ngập hàng giả, hàng nhái từng khiến cho Liên minh Quốc tế chống hàng giả (IACC) đình chỉ tư cách hội viên của Alibaba.

Theo một con số được chia sẻ, sàn TMĐT này từng loại bỏ 380 triệu sản phẩm và dẹp hơn 180.000 cửa hàng sai phạm về hàng giả, hàng nhái. Thế nhưng, Taobao hiện vẫn tràn ngập hàng nhái, hàng giả.

Trên thực tế, các cảnh báo về hàng giả, hàng nhái cũng đề cập đến cả Amazon và eBay.

Tại Việt Nam, trên sàn TMĐT được Alibaba mua lại là Lazada không khó để tìm thấy những mặt hàng tương tự nhau từ chủng loại, kiểu dáng đến chất liệu.

Chỉ khác là sản phẩm có thương hiệu thì giá đắt hơn, hàng không thương hiệu thường được cho là “nguồn gốc OEM” có giá thấp hơn rất nhiều. Phổ biến nhất vẫn là hàng nhái chủng loại và mẫu mã.

Trên mạng xã hội, hiện hàng giả, hàng nhái tràn ngập và vô phương kiểm soát. Những chiếc iPhone mới 100% mà giá chỉ có 2-3 triệu đồng; các loại quần áo, giày dép, ví, dây nịt.v.v… mang thương hiệu hạng sang giá chỉ vài chục ngàn đến hơn 100.000 đồng…

Biết hàng nhái vẫn mua, hàng giả bán vẫn chạy

Cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng đã đồng loạt ra quân kiểm tra 5 điểm bán hàng và kho chứa của hai website TMĐT là menshop79.com và menshopfashion.com. Gần 2.000 sản phẩm thời trang và phụ kiện mang nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry… bị cho là hàng giả được thu giữ. Hai website này có doanh số lên đến hơn 20 tỉ đồng.

Trên thực tế, không ít người tiêu dùng chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái thương hiệu “tiền nào của nấy” với giá rẻ để mang mặc như một thứ thời trang, trang sức một lần rồi bỏ.

Phát biểu tại hội thảo, tập huấn “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” mới đây, đại diện Cục Quản lí thị trường nhận định rằng sự bùng nổ của Internet, di động và mạng xã hội cũng khiến cho gian thương bán hàng giả, hàng nhái từ các cửa hàng trước đây tìm cách tiêu thụ trên online một cách hiệu quả hơn.

Một kết quả nghiên cứu mới đây được công bố cũng cho thấy: Bán hàng qua mạng xã hội dù nhiều hàng giả và hàng nhái nhưng vẫn đạt hiệu quả đến 45%, trong khi với website TMĐT là 32% và ứng dụng di động chỉ đạt 22%.

Năm 2018 vừa qua, tại TP.HCM, cơ quan quản lí thị trường đã xử lí tổng cộng khoảng 350 vụ vi phạm về hàng giả trên TMĐT với số tiền phạt 7 tỉ đồng, trong khi ở Hà Nội số tiền phạt chỉ có nửa tỉ đồng.

Vấn nạn hàng nhái đến đánh giá 5 sao giả trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Đã xuất hiện tình trạng đánh giá 5 sao giả trên Amazon (ảnh minh họa).

Phát sinh mới nhất trên lĩnh vực TMĐT là tình trạng đánh giá tốt, đánh giá 5 sao giả (fake) đối với các hàng hóa bán trên mạng đang rộ lên qua thủ thuật seeding tự thực hiện hoặc được cung cấp từ bên thứ ba nhằm câu kéo, chiêu dụ người mua.

Những đánh giá giả này khiến người tiêu dùng cả tin dễ bị lừa. Theo nghiên cứu, 97% người mua hàng tham khảo các đánh giá trực tuyến, và các đánh giá trực tuyến tích cực có thể giúp nâng tỉ lệ bán hàng lên tới 380%. Tuy nhiên, vấn nạn này trên Amazon mới đây đã bị các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lật tẩy.

Theo Thế Lâm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên