Vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác: Khi bán bảo hiểm, bất động sản trở thành nỗi ám ảnh, nghe câu "Bên em đang có dự án..." là muốn cụp máy, vừa bực vừa thương
Dù đang ăn cơm hay ngủ say, tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn không ngừng tấn công người dùng, khiến số lạ trở thành nỗi ám ảnh. Chỉ cần nghe thấy câu "Anh chị là... phải không. Em là nhân viên của dự án A. Bên em đang có..." thì số ít lịch sự đáp: "Anh chị không có nhu cầu". Còn số đông sẽ bực bội mà cụp máy.
- 09-09-2019Những bức ảnh đời thường của vợ chồng Obama ngày xưa: Đôi giày rách gắn bó một thời với cựu Tổng thống Mỹ hóa ra có ý nghĩa đặc biệt
- 09-09-2019Mỗi năm có 40.000 người Việt tự tử vì trầm cảm: 9 dấu hiệu cảnh báo bệnh mà bạn cũng không thể ngờ tới
- 09-09-2019Lời nhắn của người giàu: "Tôi không thể kiếm tiền trên giường bệnh được" và 8 bí mật "đáng tiền" của họ
Đặt xong vé máy bay từ Hà Nội đi TP. HCM để thăm họ hàng, anh Vũ Minh Quân (Bách Khoa, Hai Bà Trưng) lên giường đi ngủ. Chưa kịp ngả lưng, điện thoại liên tục báo hiệu có tin nhắn đến. Sợ nửa đêm có người nhắn việc quan trọng, anh vội vàng dậy xem nhưng chỉ thấy một loạt tin nhắn mời chào dịch vụ thuê xe đưa đón ra sân bay Nội Bài.
Đó chỉ là một trong hàng trăm nghìn ví dụ về tin nhắn, cuộc gọi "rác" mà mỗi chúng ta đang đón nhận một cách bất đắc dĩ mỗi ngày.
Bị "khủng bố" cả ngày lẫn đêm
Nhiều năm nay, tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền người dùng diễn ra phổ biến. Mỗi ngày, người dân phải chịu đựng ít nhất 2-3 cuộc gọi hoặc tin nhắn rác, bất kể là sáng sớm hay đêm khuya.
Anh Quân cho biết, không phải đến lúc đặt vé anh mới nhận được tin nhắn rác. Ngày nào hộp thư đến của anh cũng đầy ắp các tin nhắn rác đến từ các công ty nhà đất, du học, bảo hiểm,...
"Cả hộp thư có 10 tin nhắn thì đến 7-8 cái là từ sim rác, nên tôi mất dần thói quen kiểm tra hộp thư điện thoại ngay. Có lần, tôi bỏ sót tin nhắn của gia đình cũng vì lẽ đó. Bực bội nhưng chẳng biết làm thế nào, vì đâu phải lúc nào mình cũng rảnh để kiểm tra từng tin nhắn một", anh nói.
Ảnh minh họa.
Chung số phận với anh Quân, chị Nguyễn Hà Anh (Kim Giang, Hoàng Mai) hôm nào cũng nhận được tin nhắn quảng cáo, nhưng là từ các cửa hàng quần áo, ngân hàng, siêu thị, quán đồ uống,... mà mình từng sử dụng dịch vụ.
"Muốn làm thẻ thành viên thì phải cung cấp số điện thoại. Nhưng họ nhắn tin liên tục, cả vào giờ họp hành, ăn cơm thì sống sao được", chị bức xúc.
Cách đây 4-5 năm, tin nhắn quảng cáo thường được gửi đến từ đầu số lạ nên người dùng có thể phân biệt mà tránh. Tuy nhiên, giờ đây, các công ty hay cá nhân sẵn sàng mua cả đầu số dịch vụ giả danh nhà mạng như 9016, 9525, 9286, 1900xxxx… để nhắn tin làm phiền người dùng. Thật ra, các nhà mạng cũng khó giải quyết vấn đề này, khi mà chính họ cũng tham gia vào "bãi rác tin nhắn". Người dùng liên tục bị tấn công bởi những lời mời mua game, ứng dụng, nhạc chuông, gói cước 3G/4G,...
Mỗi ngày khách hàng phải nhận đến 4-5 tin nhắn quảng cáo từ nhà mạng. Ảnh chụp màn hình.
Hết nhắn tin, các công ty và dịch vụ sẽ chuyển sang gọi điện. Trong một lần đi rút tiền tại chi nhánh, anh Quân được nhân viên mời mua bảo hiểm, do ngân hàng đang có liên kết với hãng. Vì không có nhu cầu nên anh lịch sự từ chối.
Dù vậy, suốt 1 tuần tiếp theo, cứ đúng 8h30 sáng, anh Quân lại bị nhân viên gọi điện chèo kéo mua bảo hiểm. Dùng lý do gì để khước từ cũng không xong, anh bực mình chặn luôn số và quyết không bao giờ bước vào chi nhánh đó nữa.
Nhưng tránh được bảo hiểm, ngân hàng thì vẫn còn bất động sản. Các bạn telesale "kiên trì" gọi điện chào mời dự án dù anh đã nhiều lần khẳng định bản thân không có nhu cầu. Cực chẳng đã, cứ có cuộc gọi từ số lạ, anh sẽ nghe trong tư thế phòng thủ. Chỉ cần giới thiệu là telesale, anh sẽ dập bụp máy. Lâu dần, số lượng cuộc gọi cũng giảm dần.
"Chắc tôi được vào danh sách blacklist vì phản ứng dữ dội. Nhưng thôi, cũng nhờ vậy mà bớt bị làm phiền".
Ai làm nghề Telesales ắt sẽ biết cảm giác có những ngày thực sự thấy tồi tệ, bức bối vì những lời từ chối của khách hàng: “Anh không cần", "Sao em gọi lắm thế", "Em dừng ngay việc làm phiền người khác lại được không". Hay thậm tệ hơn là "Beep beep beep beep beep beep!". Hiểu được nỗi khổ đó
Hiểu được điều này nên chị Hà Anh cũng rất thông cảm với telesale. Dù cảm thấy khó chịu xong chị vẫn nhẫn nại nghe hết lời giới thiệu bên kia đầu dây, sau đó từ chối nhẹ nhàng.
"Vừa bực vừa thương nhưng âu cũng là một đặc thù của nghề. Em gái tôi cũng làm telesale nên tôi hết sức thông cảm".
Giải pháp nào để người dân không còn chật vật với tin nhắn rác?
Anh Quân hay chị Hà Anh chỉ là 2 trong số hàng chục triệu người dùng di động đang phải đối mặt với số lượng quảng cáo rác khổng lồ tại Việt Nam. Ban đầu, họ chọn giải pháp bỏ qua, nhưng rồi các cuộc gọi và tin nhắn ồ ạt kéo tới bất kể giờ giấc khiến họ không thể im lặng được nữa.
"Tôi từng năm lần bảy lượt gọi lên tổng đài Vinaphone nhờ hỗ trợ, nhưng họ chỉ xin lỗi và chặn đúng số mình cung cấp. Đến hôm sau, lại thấy quảng cáo rác từ những đầu số mới toanh", anh Quân chia sẻ.
Chị Hà Anh lại quyết định sử dụng các ứng dụng sàng lọc tin nhắn, cuộc gọi rác để tránh phiền phức. Tuy nhiên, không ai có thể biết hết các đầu số dịch vụ mà chặn. Được vài tháng, các tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn nườm nượp xuất hiện như cũ.
Ảnh minh họa.
Bị quấy rầy đã là một chuyện, nhưng điều làm anh Quân và chị Hà Anh lo lắng hơn cả là nguy cơ bị ăn cắp thông tin cá nhân. Dù anh Quân chỉ cung cấp số điện thoại cho hãng bán vé máy bay, bằng cách nào đó mà cánh tài xế vẫn "đánh hơi" được khách hàng tiềm năng để mời chào. Đó là chưa kể khả năng bị lừa đảo qua tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo, nhẹ thì mất thời gian, nặng thì mất tiền. Đã có không ít trường hợp bị tính phí rất cao khi gọi lại cho số lạ, hoặc bị lừa đến cả triệu đồng.
Hiện nay, nhiều nhà mạng di động lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone,... đang chung tay chặn tin nhắn, cuộc gọi rác nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các nhà mạng này cũng liên tục đổi mới hệ thống, áp dụng cả kỹ thuật học máy (machine learning) và phân tích dữ liệu lớn (big data) để cập nhật kịp thời các cách chống tin nhắn rác hiệu quả. Bên cạnh đó, việc khóa dịch vụ, thu hồi các loại sim rác cũng cần được các nhà mạng lưu tâm hơn.
Gần đây, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đưa ra Dự thảo Nghị định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua việc gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện.
Trong đó, điều 10 của Dự thảo quy định: "Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện quảng cáo tới danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo."
Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng đối với người dân, cho họ cơ hội hy vọng về một tương lai không còn phải sống chung trong sự bực bội với quảng cáo rác nữa.