Văn phòng Co-working bùng nổ tại Việt Nam, đại gia ngoại đổ bộ
Theo báo cáo của Savills, từ 2018 đến 2019, nguồn cung mặt bằng văn phòng chia sẻ (co-working) đã tăng lên 64%
Từ một thị trường nhỏ, phát triển manh mún, lần đầu xuất hiện khái niệm co - working tại Việt Nam vào năm 2012, mô hình này đã nhanh chóng phát triển và lan rộng khắp cả nước, nhất là những thành phố lớn có nhu cầu cao như Hà Nội, TP.HCM...
Theo báo cáo của Savills, từ 2018 đến 2019, nguồn cung mặt bằng co-working đã tăng lên 64%. Trong cùng giai đoạn đó, 57% của tổng quy mô giao dịch văn phòng đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, 85% trong đó đến từ mặt bằng co-working.
Sự gia tăng số lượng cơ sở không gian làm việc chung đến từ sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp và nhu cầu tìm kiếm không gian làm việc với chi phí hiệu quả. Với hoạt động mở rộng mạnh mẽ của cả đơn vị vận hành trong nước và quốc tế, co-working dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm tới.
Các đơn vị cung cấp mặt bằng co-working hiện có tại Việt Nam như Toong, Cogo, Dreamplex, Up và Regus với thương hiệu co-working Spaces đã có kế hoạch mở thêm các cơ sở mới nhằm đạt được kinh tế quy mô, thiết lập mạng lưới và chiếm thị phần.
Wework hồi đầu năm 2019 cũng đã tấn công vào thị trường Việt Nam. Không gian làm việc chung đầu tiên của họ bao gồm bốn tầng trong tòa nhà E.town Central (quận 4). WeWork nhắm tới mở thêm nhiều địa điểm khác tại TP.HCM và ở các thành phố khác, trong bối cảnh thị trường văn phòng tại hai thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội đang khan hiếm mặt bằng cho thuê.
Tuy nhiên, start - up được xem là thành công nhất thế giới này, có giá trị vốn hóa được cho là lên tới 47 tỷ USD hiện lại đang gặp rất nhiều khó khăn với tình hình kinh doanh bết bát. Mới đây tập đoàn này đã phải hoãn kế hoạch IPO, giá trị vốn hóa cũng đã bốc hơi hàng chục tỷ đô la. Tình hình kinh doanh năm 2019 không có gì khả quan hơn. Trong 6 tháng đầu năm, WeWork lỗ khoảng 1,3 tỷ USD với doanh thu 1,5 tỷ USD.
Sự tham gia của các đơn vị vận hành quốc tế vào thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn củng cố sự phát triển của thị trường co-working với nhiều thỏa thuận hợp tác, một xu hướng đã xuất hiện tại các thị trường khác trên khắp châu Á Thái Bình Dương.
Savills cũng vừa chính thức ra mắt Workthere – nền tảng công nghệ & dịch vụ tư vấn tìm mặt bằng văn phòng linh hoạt tại Việt Nam. Đây là một nền tảng niêm yết mặt bằng văn phòng linh hoạt trên website và cung cấp dịch vụ tư vấn giúp các doanh nghiệp tìm kiếm không gian làm việc chung (co-working), văn phòng dịch vụ và văn phòng linh hoạt. Workthere ra đời vào năm 2017, đến nay đã mở rộng tới 8 quốc gia với đội ngũ tư vấn viên tại Singapore, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ireland, Hà Lan, Mỹ và hiện giờ là Việt Nam.
Yann Deschamps, lãnh đạo Workthere Châu Á Thái Bình Dương, nhận định: "Nhu cầu mặt bằng văn phòng linh hoạt tại Việt Nam sẽ tiếp tục đến từ những lao động tư do, các công ty khởi nghiệp trong nước và quốc tế, và các doanh nghiệp nhỏ. Các công ty khởi nghiệp quốc tế, dân công nghệ nay đây mai đó và các lao động tự do nước ngoài đang tìm kiếm không gian làm việc với chi phí phải chăng cũng có thể cân nhắc việc chuyển đến Việt Nam để phát triển kinh doanh. Nguồn cầu ngày càng lớn từ khách thuê trong và ngoài nước đòi hỏi một giải pháp tiên tiến hơn so với dịch vụ cho thuê truyền thống. Đó là lý do Workthere đến với Việt Nam."
Theo chia sẻ của người sáng lập Workthere Cal Lee, khu vực châu Á Thái Bình Dương có thị trường co-working đang phát triển nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của phân khúc không gian làm việc linh hoạt, với nhiều cơ sở mới ra mắt thị trường.
Đồng thời, nhu cầu cho sản phẩm này tiếp tục tăng khi nhiều doanh nghiệp, bao gồm các start-up, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thậm chí cả các công ty lớn, đang ghi nhận những lợi ích của không gian làm việc linh hoạt hơn mô hình văn phòng cho thuê truyền thống.