MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Văn phòng gia đình – Xu hướng cho các doanh nghiệp gia đình Việt?

19-01-2022 - 16:55 PM | Doanh nghiệp

Văn phòng gia đình – Xu hướng cho các doanh nghiệp gia đình Việt?

Văn phòng gia đình (Family Office) được biết đến là một trong những công cụ hữu hiệu, hỗ trợ quá trình chuyển giao thế hệ thành công, đảm bảo việc bảo tồn và phát triển khối gia sản của các doanh nghiệp gia đình. Liệu mô hình này có phù hợp với doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam?

Hiểu về văn phòng gia đình

Trên thế giới, văn phòng gia đình ra đời vào thế kỷ 19, và trở nên phổ biến khoảng 15 năm gần đây. Hệ lụy kéo dài của đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến các doanh nghiệp gia đình thay đổi cách thức quản lý tài sản, thành lập văn phòng gia đình với giám đốc điều hành quản lý tài sản, thay vì sử dụng các nhà quản lý đầu tư bên ngoài.

Theo Campden Wealth, tổ chức toàn cầu chuyên nghiên cứu về văn phòng gia đình, số lượng văn phòng gia đình đã tăng nhanh từ khoảng 100 vào năm 2008 lên đến 7.300 vào năm 2019. Các văn phòng gia đình này quản lý 5,9 nghìn tỷ trong tổng khối tài sản ước tính 9,4 nghìn tỷ của các doanh nghiệp gia đình.

Mặc dù được gọi là văn phòng, nhưng mô hình này hoạt động như công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị ròng cực cao (Ultra High Net Worth Individual) trong các gia đình và doanh nghiệp gia đình, nhằm hỗ trợ phát triển và chuyển giao tài sản qua nhiều thế hệ một cách hiệu quả.

Mỗi văn phòng gia đình là một thực thể duy nhất và được coi như DNA của từng doanh nghiệp gia đình. Bởi lẽ, văn phòng gia đình được "đo ni đóng giày" theo nhu cầu của từng doanh nghiệp gia đình, đồng thời phù hợp các giá trị truyền thống đặc trưng của gia đình, cũng như văn hóa doanh nghiệp.

Ví dụ, Tolaram – tập đoàn đa ngành có trụ sở tại Singapore với giá trị tài sản ròng ước tính lên tới 1.8 tỷ đô la Mỹ, đã thành lập văn phòng gia đình khi doanh nghiệp mở rộng quy mô và tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng, nhằm giảm thiểu rủi ro và tạo ra nguồn tiền dự trữ giúp cho Tolaram tồn tại qua nhiều thế hệ. Những hoạt động chính của văn phòng gia đình này bao gồm: tư vấn và thực hiện kế hoạch chuyển giao, quản trị, cơ cấu đầu tư của tập đoàn và các hoạt động từ thiện của gia đình.

Hay văn phòng gia đình Alagil tại Ả Rập Xê Út đã thiết kế bộ máy quản trị nhằm phục vụ quá trình chuyển giao và duy trì giá trị gia đình qua nhiều thế hệ, bên cạnh việc hỗ trợ quản lý hiệu quả danh mục đầu tư đa dạng.

Những yếu tố cần & đủ để xây dựng văn phòng gia đình

Số lượng văn phòng gia đình đã tăng gấp hơn 70 lần trong 10 năm, kể từ năm 2008, cho thấy đây là một xu hướng của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp gia đình đăng ký thành lập văn phòng gia đình tại Châu Á – Thái Bình Dương tăng 44% so với năm trước trong năm 2019, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau các thị trường mới nổi gồm Nam Mỹ, Châu Phi và Trung Đông.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân (Deloitte Private), Deloitte Việt Nam, mặc dù khái niệm văn phòng gia đình còn khá mới tại Việt Nam, nhưng đây sẽ là một mô hình phù hợp trong thời gian tới. Để không nằm ngoài xu thế, trước hết, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên chủ động đánh giá về tham vọng phát triển và các nguồn lực sẵn có về tài chính, con người, văn hóa và xã hội. Chỉ khi doanh nghiệp hiểu rõ về tiềm lực của mình thì doanh nghiệp mới xét tiếp đến các mục tiêu của việc thành lập văn phòng gia đình và đưa ra lộ trình để hoàn thành các mục tiêu đó.

Sau khi xác định được nhu cầu và mục tiêu thành lập văn phòng gia đình, ngưỡng tài sản là tiêu chí tiếp theo. Theo khuyến nghị của Deloitte, khi tài sản đạt khoảng 250 triệu USD, các doanh nghiệp gia đình có thể cần tới đội ngũ nhân sự chuyên biệt để hỗ trợ doanh nghiệp đạt được lợi ích kinh tế trong khi có thể tối ưu hóa được nguồn lực thời gian và tài chính, giảm thiểu xung đột lợi ích và các rủi ro khác.

Tuy nhiên, ngưỡng tài sản chỉ là yếu tố cần, chứ chưa đủ để thành lập văn phòng gia đình. Các doanh nghiệp gia đình còn cần xem xét một số yếu tố định tính khác như: sự phức tạp của cấu trúc tài sản gia đình; sự tách biệt tài chính gia đình và công việc kinh doanh của gia đình; số lượng thế hệ và các thành viên gia đình được văn phòng gia đình phục vụ; mức độ kiểm soát của các thành viên trong gia đình đối với các dịch vụ của văn phòng gia đình; nhận thức của người chủ về tầm quan trọng của di sản gia đình và sự chuyển giao…

Văn phòng gia đình – Xu hướng cho các doanh nghiệp gia đình Việt? - Ảnh 1.

Những yếu tố cần cân nhắc để quyết định thành lập văn phòng gia đình - Nguồn: Phân tích Deloitte.

Trong thời đại tồn tại nhiều rủi ro phi truyền thống hiện nay: như an ninh mạng, hay tác động Covid-19 đến thị trường, chuỗi cung ứng,… văn phòng gia đình không chỉ còn gói gọn trong nội bộ các doanh nghiệp gia đình, mà cần có sự quản lý chuyên nghiệp bởi các nhóm chuyên gia, cố vấn có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực. Sự đồng hành cùng các chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp gia đình xác định xem thời điểm thành lập văn phòng gia đình, cách thức triển khai và loại hình văn phòng gia đình phù hợp.

https://cafef.vn/van-phong-gia-dinh-xu-huong-cho-cac-doanh-nghiep-gia-dinh-viet-20220119165513825.chn

Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân (Deloitte Private)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên