MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vân Phong thu hút dự án tỉ đô

Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu có những nhà đầu tư quốc tế ngỏ ý đầu tư nhiều dự án lớn.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Millenium (Mỹ) về việc tập đoàn này xin đầu tư dự án điện khí hóa lỏng tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa), thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong với tổng vốn đầu tư lên đến 15 tỉ USD.

Trung tâm LNG Đông Nam Á

Theo đó, Công ty Millenium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millenium) mong muốn được tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng chứa khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Nam Vân Phong . Công ty này chuẩn bị một bộ hồ sơ, phân tích về vị trí chiến lược của Vân Phong cũng như giới thiệu về hệ thống nhà máy điện với công suất phát điện 9.600 MW. Cùng với đó là hệ thống kho cảng cấp khí cho nhà máy điện và tổng đại lý phân phối LNG cho cả khu vực Đông Nam Á.

Vân Phong thu hút dự án tỉ đô - Ảnh 1.

Một góc Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Theo ông Sam Chan, đại diện Công ty Millenium Việt Nam, địa điểm nhà đầu tư lựa chọn là khu vực thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc có thể ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Toàn bộ dự án có diện tích đề xuất khoảng 600 ha. Tập đoàn này mong muốn biến kho cảng LNG ở Nam Vân Phong thành trung tâm năng lượng của Đông Nam Á. "Millenium là tập đoàn chuyên khai thác dầu mỏ cho nên sẽ bán khí trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần thông qua các đơn vị trung gian, đây là một lợi thế" - ông Sam Chan cho biết.

Không chỉ tập đoàn này, theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, khu vực này đang có nhiều nhà đầu tư đề xuất được nghiên cứu và thành lập các dự án điện LNG tại khu vực Nam Vân Phong. Như Liên danh Tuấn Dung và các nhà đầu tư cũng đang khảo sát xin làm dự án nhà máy điện LNG tại Khu Công nghiệp Ninh Tịnh (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) với diện tích khoảng 200 ha. Bên cạnh đó, Trung tâm Điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong của Petrolimex và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang xin tái khởi động dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Dự án này sẽ xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tua-bin khí có tổng công suất 3.000 MW và kho cảng LNG Vân Phong có sức chứa 180.000 m3; giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tua-bin khí với tổng công suất tương đương các nhà máy giai đoạn 1…

Nhiều lợi thế

Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong - nhìn nhận địa điểm nhà đầu tư nhắm tới được xác định phát triển công nghiệp gắn với cảng biển và lọc hóa dầu, một phần dành cho du lịch biển. Ưu điểm của khu vực này là tập trung rất nhiều dự án lớn, cảng biển có độ sâu lý tưởng cho tàu tải trọng lớn.

Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, cần phải làm các thủ tục cần thiết để đưa dự án vào Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh quy hoạch về khí hóa lỏng và điều chỉnh về sử dụng đất. Tỉnh sẽ tạo điều kiện, phối hợp với nhà đầu tư trình trung ương giải quyết. Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ xem xét, tiến hành ký kết thỏa thuận cho phép nhà đầu tư vào Nam Vân Phong nghiên cứu đầu tư.

Về khu vực Bắc Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá khu vực này có diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền (huyện Vạn Ninh - Bắc Vân Phong và thị xã Ninh Hòa - Nam Vân Phong) và 80.000 ha mặt nước. Vịnh Vân Phong có diện tích khoảng 46.000 ha, độ sâu trung bình từ 20 - 30 m, tương đối kín và chắn gió tốt, thuận lợi để phát triển cảng biển quốc tế và các dịch vụ hậu cần cảng.

Khu vực này có vị trí gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23-9-2008 xác định sẽ xây dựng KKT Vân Phong trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, hiện khu vực này có cảng biển tổng hợp Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong có thể kết nối vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển nội địa và quốc tế; các điều kiện hạ tầng khác như cấp nước, cấp điện, viễn thông, hạ tầng khu tái định cư đã sẵn sàng. Khu vực này có nhiều đất trống chưa xây dựng nên rất thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án có quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Chi - cố vấn cấp cao cho Liên danh Tuấn Dung và các nhà đầu tư - cho rằng khu vực này rất thuận lợi để thực hiện các dự án điện LNG. Bên cạnh yếu tố về địa lý, khu vực này nước sâu, cảng có thể tiếp nhận được tàu chở khí nặng 300.000 tấn. Đây là lợi thế mà không dễ gì các nơi khác có được. Chỉ tính riêng việc làm cảng biển đã giảm chi phí hàng tỉ USD, bởi không phải nạo vét, tạo luồng như các địa phương khác.

Xem xét tiếp nhận kinh phí quy hoạch 1/2000

Về việc các nhà đầu tư đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 và 1/500 đối với một số khu vực thuộc KKT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Ban Quản lý KKT Vân Phong trả lời theo hướng tỉnh sẽ chỉ đạo sở, ban, ngành xem xét cụ thể nội dung đề xuất của nhà đầu tư sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng KKT Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch này, tuy nhiên hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc tiếp nhận kinh phí tài trợ. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng và Ban Quản lý KKT Vân Phong nghiên cứu, tham mưu.

Theo Kỳ Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên