MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn tồn cỡ 800.000 tấn gạo trong doanh nghiệp

16-12-2017 - 09:00 AM | Thị trường

Báo cáo của Hiệp Hội Lương thực Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 11/2017, cả nước vẫn tồn 811.547 tấn gạo trong kho của doanh nghiệp.

Hiệp Hội Lương thực Việt Nam trong báo cáo gửi Bộ Công thương cho hay tính đến ngày 30/11/2017, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam tồn kho 216.953 tấn gạo, còn Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cũng còn tồn 85.000 tấn gạo; các doanh nghiệp hội viên khác còn tồn 509.594 tấn gạo trong kho.

Như thế, tổng cộng cả nước tồn kho 811.547 tấn gạo.

Về tình hình xuất khẩu gạo, trong tháng 11/2017, lượng gạo xuất khẩu là 371.218 tấn, với trị giá khoảng gần 180 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đã giảm 0,59% về số lượng và tăng khoảng 7%-9% về trị giá.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2017, tổng lượng gạo đã xuất khẩu được là 5,196 triệu tấn với trị giá khoảng 2,3 tỷ USD.

Trong khi đó, số liệu được Bộ Công Thương công bố lại cho thấy luỹ kế 11 tháng năm 2017, cả nước đã xuất khẩu được 5,52 triệu tấn gạo với trị giá 2,49 tỷ USD. Con số này tăng 24,9% về trị giá và 24,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới 132 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất.

Theo dự báo, trong tháng cuối cùng của năm 2017, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đạt khoảng 400-450 nghìn tấn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2017 lên mức 5,9-6 triệu tấn, tăng 1,1-1,2 triệu tấn so với năm 2016.

Năm 2018, nhiều dự báo cho thấy thị trường gạo thế giới sẽ sôi động hơn.

Theo báo cáo tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2018, thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1% và đạt 42,3 triệu tấn.

Nếu đúng như dự báo của USDA thì đây là lượng gạo giao dịch cao thứ ba trong lịch sử thương mại gạo thế giới, và 2018 là năm thứ hai liên tiếp mà giao dịch gạo toàn cầu có mức tăng trưởng dương.

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 có thể tăng thêm 400.000 tấn so năm 2017.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên chủ yếu nhờ nhu cầu ở Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.

Theo Hoài Phương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên