'Vàng đen' đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu số 1 thế giới suốt 22 năm: Riêng 2023 thu gần 1 tỷ USD
Loại 'vàng đen' này là một trong những động lực khiến nhà hàng hải người Ý Columbus băng qua Đại Tây Dương tìm kiếm...
- 11-04-2024Từ chuyện Elon Musk thẳng tay sa thải nữ trợ lý gắn bó 12 năm vì đòi tăng lương: Bài học thấm thía từ vị tỷ phú U60!
- 11-04-2024Tinh thần thép Nhật Bản: Chuỗi siêu thị đồng giá quyết hy sinh lợi nhuận vì thương hiệu và lợi ích khách hàng, bất chấp đồng Yên đi xuống còn lạm phát tăng cao
- 11-04-2024Ông Donald Trump trả lời rõ ràng với tổng thống Ukraine
"Vàng đen" đó chính là hạt tiêu - Gia vị phổ biến nhất thế giới ngày nay.
Mặc dù Ấn Độ là quê hương của hạt tiêu - nơi trồng và sản xuất gia vị này từ hàng ngàn năm trước - nhưng Việt Nam mới là nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Và Việt Nam liên tục giữ "ngôi vương" đó trong 22 năm.
Vào thế kỷ 17, hạt tiêu được người Pháp du nhập vào Việt Nam. Từ đó đến nay, cây hạt tiêu được trồng chủ yếu tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai...
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, bắt đầu từ năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt 56.506 tấn, chiếm 28% tổng xuất khẩu hạt tiêu của thế giới. Việt Nam giữ vững vị trí nhà xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới trong suốt 22 năm. Các loại tiêu Việt Nam xuất khẩu là hạt tiêu đen, hạt tiêu đen xay, hạt tiêu trắng, hạt tiêu trắng xay. Trong số đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu đen.
Tính đến năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đen sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khách hàng lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines…
Theo thống kế sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 267.000 tấn hạt tiêu, giá trị ước đạt 912 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 184,81 nghìn tấn, tăng 14,4% về lượng so với năm 2022. Bước sang năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam riêng tháng 1/2024 đạt 20.000 tấn, trị giá 79 triệu USD. So với tháng 1/2023 tăng 60,2% về lượng và tăng 83,9% về trị giá.
1. Hạt tiêu được giới quý tộc ví như "vàng đen", giá trị ngang vàng
Trong cuốn sách "Spices, scents and silk: Catalysts of world trade" (tạm dịch: Gia vị, hương liệu và tơ lụa: Ba chất xúc tác của thương mại toàn cầu" của Giáo sư danh dự James F. Hancock thuộc Đại học bang Michigan (Mỹ) có đoạn:
Gia vị, hương liệu và lụa là trung tâm của thương mại toàn cầu trong nhiều thiên niên kỷ. Những thứ xa xỉ kỳ lạ như hạt tiêu, quế, nghệ tây, đinh hương, trầm hương và mộc dược đã thúc đẩy con người khám phá rồi sau đó du hành đến những nơi xa xôi trên Trái đất để tìm kiếm và thiết lập mạng lưới giao thương.
Trong số đó, hạt tiêu (hồ tiêu) luôn là loại gia vị quan trọng nhất trên thế giới. Gia vị cay nồng và cực kỳ đắt đỏ này đóng một vai trò trung tâm trong các loại dược phẩm của Ấn Độ và Trung Quốc thời cổ đại, trở thành một thành phần quan trọng trong ẩm thực thời Đế chế La Mã và vẫn là trung tâm trong ẩm thực của châu Âu thời Trung cổ.
Không chỉ dùng cho ẩm thực, hạt tiêu còn được cho là có tác dụng chữa bệnh. Có rất nhiều ghi chép về việc sử dụng hạt tiêu trong y học ở Ấn Độ. Các cuốn sách y học bằng tiếng Phạn có niên đại hơn 3.000 năm đã viết về tác dụng chữa bệnh của hạt tiêu. Nó là thành phần quan trọng trong hệ thống y học Ayurvedic cổ đại của người Ấn.
Ở Trung Quốc, hạt tiêu cũng được nhắc đến trong lịch sử thời nhà Hán và trong một tài liệu thời nhà Đường. Về sau, hạt tiêu trở thành gia vị quan trọng trong ẩm thực nước này. Khi Marco Polo (1254-1324) đến Trung Quốc năm 1271, ông nhận thấy hạt tiêu là thành phần chính trong cách nấu ăn của người Trung Quốc và việc buôn bán hạt tiêu đã trở thành một động lực kinh tế lớn. Chỉ riêng thành phố Hàng Châu đã tiêu thụ 43 xe hàng mỗi ngày, mỗi xe chở 101 kg hạt tiêu.
Sự phổ biến của hạt tiêu trong cả ẩm thực và y học đã đạt đến đỉnh cao lịch sử vào thời Trung Cổ ở châu Âu. Vào thế kỷ thứ V, hạt tiêu có giá trị cao đến mức nó được dùng để đóng thuế và các khoản thu thay cho tiền tệ. Ở thời điểm có giá trị nhất, hạt tiêu có giá trị bằng vàng.
Ước mơ mua lại nó đã đưa nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco da Gama (1469-1524) đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi đến Ấn Độ Dương; và khiến nhà hàng hải người Ý Christopher Columbus (1451-1506) băng qua Đại Tây Dương tìm kiếm rồi vô tình tìm ra Tân Thế giới.
Hạt tiêu được thèm muốn đến mức thương gia và quý tộc thời này gọi nó là "vàng đen".
Ngày nay, hạt tiêu vẫn giữ vững vị thế là gia vị phổ biến nhất thế giới, đóng vai trò lớn trong ẩm thực hiện đại.
2. Những loại hạt tiêu chính trên thế giới
Theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, hạt tiêu (hồ tiêu) là loại cây thuộc họ Piperaceae. Họ này bao gồm khoảng 5 chi, trong đó chi Piper (khoảng 2.000 loài) và chi Peperomia (khoảng 1.600 loài) là hai chi quan trọng nhất, có giá trị thương mại cao.
Cây hạt tiêu phát triển dưới dạng thảo mộc, dây leo, cây bụi và cây gỗ và phân bố rộng rãi khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Worldhistory cho biết, cụm từ "hạt tiêu" được sử dụng để mô tả hàng chục loại và giống khác nhau có nhiều màu sắc, nhiều cấp độ và nhiều phẩm chất khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là hạt tiêu đen.
Hạt tiêu đen (danh pháp khoa học: Piper nigrum) có nguồn gốc từ Bờ biển Malabar của Ấn Độ và là một trong những loại gia vị sớm nhất được biết đến trong lịch sử nhân loại.
Bên cạnh đó, còn có một số loại tiêu phổ biến khác như hạt tiêu trắng, hạt tiêu xanh, hạt tiêu sọ, hạt tiêu khối, hạt tiêu dài, hạt tiêu hồng, hạt tiêu Tứ Xuyên...
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu thậm chí còn lớn hơn thời xưa. Loại gia vị độc đáo này chiếm khoảng 1/5 tổng lượng buôn bán gia vị của thế giới ngày nay.
Hương vị cay nồng, quyện mùi của đất, nóng, mùi gỗ cùng mùi thơm đặc trưng của hạt tiêu bằng cách nào đó kết hợp rất hài hòa với nhiều món ăn mặn và ngọt. Sự xuất hiện của hạt tiêu mang lại hương vị đậm đà cho món ăn, khiến rất nhiều đầu bếp và thực khách năm châu yêu mến.
Tham khảo: Worldhistory, Báo Công thương, Britannica
Đời Sống Pháp Luật