Vàng điện tử: Thị trường tiềm năng trong tương lai?
Ở Việt Nam, cứ 100 người thì chỉ có 10 người là không quan tâm đến thị trường, giá cả của vàng. Con số không quan tâm vàng thấp hơn nhiều so với thế giới...
- 18-07-2021Giới đầu tư và phân tích tiếp tục lạc quan với vàng, thiên về khả năng giá trở lại 1.900 - 2.000 USD trong nửa cuối năm
- 17-07-2021Nới rộng khoảng cách giá vàng SJC và thế giới
- 16-07-2021Giá vàng hôm nay 16-7: Tăng tiếp dù USD đảo chiều đi lên
Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), Việt Nam đang đứng thứ 7 trên thế giới về doanh số nhập khẩu vàng, ngoài ra, trong khối ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia có lượng xuất nhập khẩu vàng top đầu.
Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong khu vực về xuất nhập khẩu vàng và có lượng lớn nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này
Qua cuộc khảo sát tiếp cận hơn 2000 nhà đầu tư bán lẻ vàng tại Việt Nam của WGC, sự quan tâm đến vàng là rất lớn, với 81% dân số Việt Nam quan tâm đến vàng và đã từng mua trong quá khứ; 9% cân nhắc mua vàng và chỉ 10% là không cân nhắc mua vàng. Như vậy, cứ 100 người, chỉ có 10 người không quan tâm đến thị trường này, trong khi trên thế giới, số người không quan tâm đến vàng là 17% và số người chưa mua bao giờ lên đến 38%.
Các chuyên gia đánh giá sự khác nhau là do, ở nước ngoài, mua vàng miếng để tích trữ rất khó, còn ở Việt Nam thì lại dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố lịch sử tác động, do thị trường tài chính Việt Nam bị thiếu sản phẩm, mà thị trường bất động sản vẫn chưa tạo ra được nhiều nguồn cung đa dạng.
Vậy tương lai vàng vật chất của Việt Nam sẽ đi theo hướng nào?
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Quỹ đầu tư AFA chỉ ra, trong 12 tháng qua, hầu hết mọi người đã tập trung vào mua vàng lượng, vàng chỉ, vàng trang sức 24k,... và 25 % mua vàng miếng, chỉ có 1% nhà đầu tư có thể tiếp cận sản phẩm quỹ hoán đổi danh mục ETFs vàng. Trong đó, những điểm hạn chế mọi người mua vàng vật chất hiện nay đó là, không thể lưu trữ vàng an toàn, lo sợ về việc mua phải hàng giả và không biết rõ về cách mua bán.
"Chính vì vậy, xuất hiện nhu cầu lớn về việc giao dịch vàng điện tử mặc dù thị trường vàng nội địa bị kiểm soát chặt chẽ bởi Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tài chính truyền thống bị cấm tham gia vào thị trường giao dịch bằng điện tử. Tuy nhiên, có tới 48% nhà đầu tư hứng thú với việc mua bán vàng qua kênh điện tử và 76% nhà đầu tư sẵn sàng mở tài khoản giao dịch online qua ngân hàng để mua vàng vật chất", ông Tuấn nêu.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, giao dịch vàng điện tử nghĩa là chúng ta sử dụng các phương thức điện tử để mua bán vàng vật chất, chứ không phải vàng tài khoản giao dịch CFD, hay có thể vay để mua và điều đó hoàn toàn sai với các quy định của Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Quỹ đầu tư AFA
Mặt khác, theo tâm lý chung, mọi người rất ủng hộ cho thị trường vàng tự do hơn, như gửi vào ngân hàng được hưởng lãi suất, mặc dù Ngân hàng Nhà nước sẽ không đồng ý do chủ trương chống vàng hóa. Song, rất nhiều người sẵn sàng mở tài khoản giao dịch vàng qua ngân hàng và muốn mua vàng từ nhiều ngân hàng khác nhau, trong đó nhu cầu cất giữ vàng ở bên thứ ba hơn là ở nhà.
Ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính đưa ra quan điểm rằng, ông ủng hộ thị trường vàng tự do bởi hiện nay thị trường vàng Việt Nam đang bị bóp méo trên thị trường bán lẻ. "Đặc biệt là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra, là những yếu tố chịu ảnh hưởng lớn bởi thị trường có quá nhiều các quy định và bị hạn chế".
Tiếp tục phân tích thống kê của WGC, đối với nhà đầu tư cá nhân, có bốn kiểu nhà đầu tư trên thị trường bao gồm: nhà đầu tư nhanh nhẹn, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư mạo hiểm có hướng dẫn và nhà đầu tư thận trọng. Trong đó, mỗi nhà đầu tư sẽ có mục tiêu khác nhau như ngắn hạn, dài hạn, có người sẽ tập trung vào đa dạng hóa danh mục và bảo vệ tăng trưởng tài sản, còn với những nhà đầu tư mạo hiểm có hướng dẫn thì muốn tìm kiếm lợi nhuận cao, trong thời gian ngắn, dựa vào lời khuyên của người khác.
Vị CEO Quỹ đầu tư AFA cho rằng, thị trường nào cũng có phần thuận và phần nghịch, mà những rào cản ảnh hưởng đến quyết định mua vàng đến từ 3 nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, là nhận thức và khả năng chi trả, trong đó 24% những người chưa từng mua vàng họ không biết cách mua vàng hay các yếu tố ảnh hưởng đến giá; và 44% tuyên bố mua vàng là việc ngoài khả năng tài chính của họ.
Thứ hai, người mua không hiểu đặc tính của vàng như sợ mua phải hàng giả, hoặc lo sợ về việc lưu trữ an toàn tại nhà.
Thứ ba, có một số người đồng ý rằng, khai thác vàng làm tổn hại đến môi trường. Song, việc khai thác vàng ở Việt Nam rất ít, vì đa số là chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài.
Có thể thấy, vàng đóng vai trò quan trọng tạo ra sự an toàn lâu dài và là một lớp tài sản phòng vệ không mang tính tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, thị trường vàng tại Việt Nam được dự báo sẽ có triển vọng tích cực, đáng lưu ý là 76% nhà đầu tư ủng hộ việc có thể mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng, phát triển và chính thức hoá thị trường. Mặc dù chưa có tài khoản vàng kỹ thuật số chính thức, nhưng có 48% ủng hộ việc mua vàng trên nền tảng này.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc phụ trách ASEAN WGC cho biết: "Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu - đây là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng nhu cầu mua vàng tại Việt Nam vẫn còn mạnh và có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm vàng đầu tư mới, bao gồm mua vàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số hoặc mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng. Khi hệ thống tài chính của Việt Nam phát triển, sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vàng, tăng khả năng tiếp cận và tin tưởng vào vàng".
Diễn đàn doanh nghiệp