MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng giảm hấp dẫn - vì sao?

01-02-2017 - 07:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, với các giải pháp NHNN đã triển khai trong năm 2016, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định.

Dù chịu những tác động mạnh từ các sự kiện chính trị - kinh tế trên thế giới khiến vàng đã có những ngày biến động mạnh cuối năm 2016, nhưng cụm từ “giá vàng” đã rời top 10 được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Điều này phần nào cho thấy chính sách chống “vàng hóa” của NHNN đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Khi giá vàng rời top…

Google vừa công bố danh sách những chủ đề tìm kiếm được người dùng Internet trên toàn cầu và mỗi quốc gia quan tâm nhất trong năm 2016. Đáng chú ý là trong danh sách top tìm kiếm của người Việt Nam cụm từ "giá vàng" đã không còn hot hay sốt như những năm trước. Dẫu biết vàng không còn “lấp lánh” nhưng kết quả này cũng là điều khá bất ngờ khi mà năm 2013, từ khóa giá vàng từng đứng đầu nhóm từ tìm kiếm phổ biến nhất tại Việt Nam.

Vì sao có sự thay đổi đáng chú ý như vậy? Nhìn ở góc độ diễn biến thị trường cho thấy, nửa đầu năm 2016, các cửa hàng kinh doanh vàng luôn ở cảnh đìu hiu, vắng khách, một vài thời điểm đông khách nhưng không tạo nên bầu không khí mua bán sôi động như từng có trước đây. Những thay đổi này được xem là kết quả của sự kiên định trong thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Với các biện pháp quyết liệt từ khi triển khai Nghị định 24 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được duy trì, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được đảm bảo.

Sau bốn năm triển khai chính sách, vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển sang quan hệ mua, bán vàng. Tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Đặc biệt, sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm đáng kể. Cung - cầu vàng miếng chuyển dịch từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng. Một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền.

Theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, sau một thời gian thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ - CP thị trường đã dần đi vào nề nếp. Người dân mua vàng chủ yếu tích trữ với mong muốn làm của để dành phòng khi “trái gió trở trời”, giữ vàng để bảo đảm tài sản là chính. Ông Long cũng cho rằng, đôi khi giá vàng biến động, số ít người có “máu” kinh doanh cũng hy vọng kiếm được chênh lệch qua lướt sóng, khiến thị trường có xao động ở vài thời điểm nhưng về cơ bản người dân đang thấy rõ sự rủi ro khi đầu tư vàng.

Từ chính trường tới… thị trường

“Thủ phạm” khiến diễn biến thị trường vàng thế giới năm 2016 sôi động hơn chính là những sự kiện kinh tế và chính trị thế giới. Đầu tiên là sự kiện Brexit diễn ra cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2016 đã khiến giá vàng thế giới tăng và tác động tới giá vàng trong nước. Thị trường thế giới đã chứng kiến một tuần biến động kỷ lục của giá vàng: Tại phiên giao dịch ngày 4/7, giá vàng thế giới ở mức 1.357,8 USD/oz, tăng gần 15 USD/oz. Cùng ngày, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức mua vào 36,03 triệu đồng/lượng, bán ra 36,61 triệu đồng/lượng; tăng tiếp lên xấp xỉ 40 triệu đồng/lượng vào ngày 6/7. Nhưng sau đó vài ngày giá vàng chỉ còn 36,55 triệu đồng/lượng.

Sự kiện ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng đã đẩy giá vàng thế giới tăng cao. Ngày 9/11/2016, sau khi Tổng thống Mỹ thứ 45, xuất thân là một nhà kinh doanh nổi tiếng được xướng danh, giá vàng thế giới có lúc tăng 27 USD/phiên giao dịch, lên mức 1.335 USD/oz. Giá vàng trong nước tăng tương ứng, lên 36,80 – 37,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Nhưng khi những thông tin sốt dẻo về Tổng thống Donal Trump thưa dần thì giá vàng cũng “bốc hơi” theo.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ giá vàng thay đổi do những lo ngại khi ông Donald Trump vào nhà Trắng sẽ có những xáo trộn về mặt quyết sách. Nhiều người cũng lo ngại việc ông Donald Trump sẽ xây dựng bộ máy mới, những con đường mới nhưng không chắc chắn cho nước Mỹ đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán và tìm đến vàng như nơi trú ẩn để tránh rủi ro, khiến giá vàng tăng trong khi giá đô la Mỹ giảm.

Trong năm 2016, một sự kiện nữa cũng tác động mạnh tới thị trường vàng thế giới là quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 14/12. Cơ quan này tăng 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất các kỳ hạn ngắn của Mỹ lên 0,5 - 0,75%/năm. Bên cạnh đó, FED còn hé lộ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2017. Thông tin này đã khiến giá vàng càng rơi nhanh, từ vùng 1.160 USD/oz xuống 1.135 USD/oz.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt của những đợt tăng, giảm giá vàng là dù chịu tác động mạnh của biến động trên thế giới nhưng ngay sau những tuyên bố cứng rắn kịp thời của NHNN thị trường vàng trong nước đã trở lại ổn định.

Vẫn cần tăng cường quản lý thị trường vàng

Vàng miếng không còn được người dân quan tâm nhiều nhưng làm thế nào để huy động vàng trong dân vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ. Đã có những ý kiến cho rằng, cần phải lập sàn giao dịch vàng quốc gia, sàn giao dịch vàng vật chất nhưng NHNN vẫn chưa tính đến giải pháp này và đang tiếp tục tăng cường quản lý thị trường theo Nghị định 24. Theo giới kinh doanh vàng, thị trường vàng vẫn có thể tác động tới kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ nên việc cơ quan quản lý tăng cường quản lý thị trường là đúng đắn.

Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, với các giải pháp NHNN đã triển khai trong năm 2016, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định, đã hạn chế tác động bất lợi của giá vàng trong nước đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và nền kinh tế vĩ mô. Sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế.

Từ tháng 2/2016 đến nay, giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế, có nhiều thời điểm ngang bằng hoặc thấp hơn giá vàng quốc tế. Nhu cầu mua, nắm giữ vàng miếng ngày càng suy giảm. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.

Từ năm 2014 đến nay, NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng. Đồng thời, thị trường vàng nguyên liệu cũng tự điều tiết tốt, NHNN chưa cấp phép cho doanh nghiệp trong nước nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhờ đó, nền kinh tế đã tiết kiệm được một lượng ngoại tệ lớn.

Vàng miếng không còn hấp dẫn, vàng trang sức lên ngôi thì vàng trong dân sẽ dần “chuyển hóa” thành nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế… Việc này đòi hỏi phải có quá trình, có thời gian. Vì thế, để kiểm soát tốt thị trường, duy trì những hiệu quả trong quản lý vàng, NHNN đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường vàng trong nước và quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết: năm 2017, tiếp tục sắp xếp lại thị trường vàng miếng thông qua việc rà soát và kiện toàn mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Nghiên cứu, xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp quản lý thị trường để triển khai trong điều kiện cần thiết.

Đồng thời, NHNN phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan để quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, để giữ ổn định thị trường vàng, NHNN tăng cường công tác truyền thông để tạo được sự đồng thuận của dư luận đối với các chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước...

Theo Chí Kiên

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên