MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Vắng mợ chợ vẫn đông”: Dầu Nga ế ở châu Âu nhưng lại có "khách sộp" ở nơi khác

12-12-2022 - 21:48 PM | Tài chính quốc tế

“Vắng mợ chợ vẫn đông”: Dầu Nga ế ở châu Âu nhưng lại có "khách sộp" ở nơi khác

Gần 90% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga hướng tới châu Á trong tuần tính đến ngày 9/12.

Những gì đang xảy ra?

Nga gần như đã không còn là nhà cung cấp dầu thô cho châu Âu. Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển mà EU áp đặt hôm 5/12 đã khiến họ “đứt đoạn” với thị trường dầu mỏ gần nhất với họ về mặt địa lý. Ngoại trừ một lượng nhỏ dầu được giao tới Bulgaria, các luồng dầu của Nga tới khối này đều đã ngừng lại.

Ngay lập tức, dầu thô Nga chuyển hướng sang châu Á. Đội tàu chở dầu chạy vòng quanh lục địa, qua kênh đào Suez để chuyển hàng tới Ấn Độ và Trung Quốc. Dòng chảy này đã tăng thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tuần tính tới 9/12, chiếm 89% tổng lượng dầu thô được Nga vận chuyển bằng đường biển trong cùng giai đoạn.

Hơn một nửa số dầu thô được vận chuyển từ các cảng ở Baltic, Biển Đen và Bắc Cực đang hướng tới kênh đào Suez trên những con tàu không đăng ký điểm đến cuối cùng. Không rõ liệu số dầu này đã được mua hết hay chúng đang hướng tới khu vực với hy vọng có thể tìm thấy khách hàng mới trước khi tới nơi.

“Vắng mợ chợ vẫn đông”: Dầu Nga ế ở châu Âu nhưng lại có khách sộp ở nơi khác - Ảnh 1.

Phân bổ dầu Nga theo từng tuần.

Ở thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa trả đũa lệnh áp giá trần mà châu Âu thực hiện với dầu thô nước này. Trước đó, Moscow tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần, một điều vốn không thực sự có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách xa lánh dầu Nga.

Tuy nhiên, Nga có thể lựa chọn ngừng cung cấp dầu cho châu Âu thông qua các đường ống, gây thiệt hại cho các nước như Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc. Trong khi đó, các khách hàng khác trên đường ống này, bao gồm Đức và Ba Lan, có thể sẽ không chịu thiệt hại khi họ đang tìm cách cố gắng ngừng nhập khẩu dầu Nga.

Hiện tại, chưa xác định được ai sẽ mua dầu trên các tàu đang hướng tới Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia mua lượng lớn dầu của Nga sau khi Moscow và phương Tây mâu thuẫn. Ngoài ra, những chuyến hàng tới Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đang tăng lên. Người ta cho rằng nhà xuất khẩu dầu sẽ mua dầu Nga, vốn có giá rẻ hơn, để phục vụ nhu cầu năng lượng trong khi dùng dầu của mình để xuất khẩu.

Dầu Nga gần như biến mất khỏi châu Âu

Trong tuần đầu tiên kể từ khi EU áp giá trần, tổng lượng dầu của Nga đã tăng 468.000 thùng/ngày lên tới 3,45 triệu thùng. Tuy nhiên, số chuyến hàng tới châu Âu tụt xuống mức thấp chưa từng có nhưng số chuyến hàng đến châu Á lại lập đỉnh mới.

Cụ thể, lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển của Nga sang các nước châu Âu đã giảm xuống còn 215.000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến 9/12. Bulgaria trở thành nơi duy nhất ở châu Âu còn nhập khẩu dầu Nga trong 3 tuần cuối cùng của gia đoạn này. Số liệu không tính dầu được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.

“Vắng mợ chợ vẫn đông”: Dầu Nga ế ở châu Âu nhưng lại có khách sộp ở nơi khác - Ảnh 2.

Dầu Nga vắng bóng ở châu Âu trong những tuần gần đây.

Khối lượng vận chuyển từ Nga đến các nước Bắc Âu trung bình giảm xuống còn 48.000 thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 9/12. Tuy nhiên, số này chỉ tới trong tuần đầu tiên. Không có thùng dầu nào từ Nga được vận chuyển đến khu vực này trong 3 tuần gần nhất.

Xuất khẩu sang các nước Địa Trung Hải trung bình giảm xuống còn 162.000 thùng/ngày trong trung bình 4 tuần tính đến 9/12, mức thấp nhất trong năm nay. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là đích đến duy nhất còn tồn tại của dầu thô Nga vào khu vực này. Đây dự kiến vẫn là khách hàng quan trọng với dầu thô của Nga trong tương lai.

Các chuyến hàng đến Italy đã giảm xuống bằng 0. Điều này khiến nhà máy lọc dầu lớn nhất của đất nước ở Sicily, thuộc sở hữu của Lukoil PJSC, đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung. Khi phần lớn dầu thô của Nga không còn nữa, nơi đây gặp khó khăn.

Bộ trưởng Công nghiệp Italy Adolfo Urso cho biết nhà máy lọc dầu này có thể sẽ do Chính phủ quản lý tạm thời nhằm đảm bảo vận hành liên tục. Tuy nhiên, nó sẽ không bị quốc hữu hóa. Trong khi đó, đại diện nhà máy cho biết họ có thể vẫn tiếp tục hoạt động được trong vài tháng tới nhờ lượng dầu dự trữ để tìm nguồn cung thay thế ngoài Nga.

Khách sộp ở châu Á

Trái ngược với sự sụt giảm ở châu Âu, những chuyến hàng của Nga đến châu Á cộng với hàng trên các con tàu chưa xác định điểm đến cuối cùng (nhưng thường sẽ kết thúc ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc) đã tăng vọt lên 2,5 triệu thùng mỗi ngày. Khối lượng các tàu không xác định điểm đến cũng có thể kết thúc ở Địa Trung Hải.

“Vắng mợ chợ vẫn đông”: Dầu Nga ế ở châu Âu nhưng lại có khách sộp ở nơi khác - Ảnh 3.

Châu Á trở thành khách sộp của dầu Nga.

Cùng với việc xuất khẩu mạnh mẽ, số tiền thuế mà Nga thu về từ xuất khẩu dầu cũng tăng rất cao, lên tới 143 triệu USD trong tuần tính đến 9/12. Trung bình 4 tuần cũng đã tăng lên 123 triệu USD, con số cao nhất trong 5 năm qua. Nga tính thuế 5,91 USD cho mỗi thùng dầu xuất khẩu.

Chỉ trong tuần tính đến 9/12, tổng cộng 32 tàu chở dầu đã nạp 24,2 triệu thùng dầu thô của Nga. Con số này tăng 3,26 triệu thùng, tương đương 16% so với tuần trước. Nhiều tàu chở dầu trong số này thay đổi điểm đến so với lịch trình ban đầu.

Trong khi đó, số tàu chở dầu từ Nga đi qua Thái Bình Dương cũng đã tăng trở lại sau khi chạm đáy 12 tuần. Chúng hướng tới Hàn Quốc nhưng có khả năng, việc sang, chiết dầu sẽ được tiến hành ngoài biển.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên