Vàng tăng phi mã, đến nửa chỉ cũng không mua nổi: Nhiều người ngậm ngùi rút lại lời hứa "cưới bạn tôi tặng chỉ vàng"
Giá vàng tăng cao khiến nhiều người không thể mua được món quà đặc biệt này để dành tặng cho người thân.
- 29-05-2024Chợ bán vàng "bình dân" nhất Sài Gòn: Giá vàng tăng cao nhưng cuối tuần vẫn hút khách ghé mua trang sức
- 24-05-2024Giá vàng đang "nhảy múa" mà vợ khoe đã đổi được 12 lượng vàng miếng, sau khi tra hỏi chồng ngã quỵ khi biết cách thức vợ làm
- 12-05-2024Giá vàng tăng điên loạn, nữ đại gia quận 7 đem 100 lượng đi bán?
Vàng cưới được xem là món quà truyền thống mà người thân, bạn bè dành tặng cô dâu chú rể, nhằm gửi gắm lời chúc phúc và một chút vốn liếng nhỏ cho cặp đôi trước hành trình mới. Tuy nhiên, chứng kiến giá vàng tăng phi mã, không ít khách mời cảm thấy áp lực khi phải đứng giữa lựa chọn: Có nên bỏ tiền mua vàng cưới?
Nếu tăng vàng thì ví tiền không kham nổi trước cơn tăng của giá trong khi kinh tế đi xuống, còn nếu chọn không tặng thì lại sợ... mất lòng bạn bè, người thân. Sau cùng, nhiều người đã phải thay thế vàng cưới bằng món quà khác ý nghĩa hơn, để vừa đẹp lòng bạn mà cũng hợp với túi tiền của mình.
"Phá lệ" tặng tiền vì giá vàng cao chót vót
Đầu năm 2024, Thu Hạnh (25 tuổi, TP.HCM) đi ăn cưới bạn đúng thời điểm giá vàng chạm đỉnh, khoảng 7,4 - 8 triệu đồng/chỉ. Trước đó, cô nàng và bạn từng nhiều lần nói đùa sẽ tặng nhau vàng trong đám cưới. Tuy nhiên, một sự kiện xuất hiện khiến Hạnh không thực hiện được lời hứa. Đó là cô nàng bị công ty sa thải chỉ cách thời điểm hôn lễ của bạn được tổ chức khoảng 1 tháng.
Thu Hạnh chia sẻ, tình hình tài chính lúc đó khó khăn đến mức cô thấy mua nửa chỉ cũng khó khăn, chưa nói đến tặng cả chỉ vàng. Cũng vì thế, Thu Hạnh đã chọn mừng bạn phong bì 2 triệu đồng cùng với lời thông báo cho bạn.
Thu Hạnh chia sẻ: "Tài chính sau sa thải quả thật không đủ để mình mua đủ chỉ vàng. Do đó, mình dựa theo phong bì của các bạn, cùng với tính chất cỗ ở quê để mừng cưới.
Khi đưa phong bì gửi bạn, mình cũng nói ái ngại vì không thực hiện được lời hứa ít nhất tặng nhau nửa phân vàng trong ngày kết hôn. May mắn là bạn mình cũng thông cảm vì hiểu năm nay kinh tế khó khăn".
Cùng chung nỗi niềm là Đức Tuấn (27 tuổi, Hà Nội). Trong đám cưới em họ vào cuối tháng 11 năm ngoái, Tuấn tặng em phong bì 3 triệu đồng, thay vì một chỉ vàng nhẫn như dự tính ban đầu.
Đức Tuấn chia sẻ: "Vì anh em thân thiết với nhau nên ban đầu mình tính tặng em một chỉ vàng, hoặc một bộ trang sức nào đó. Nhưng giá vàng tăng cao quá nên mình đành gửi phong bì thôi. Tặng tiền vừa nhanh gọn mà còn đỡ phải canh giá vàng tăng giảm thế nào".
Đức Tuấn nói thêm, hôn lễ của em họ được tổ chức vào đúng mùa cưới. Chỉ trước đó, anh chàng đã phải tiêu đến 5 triệu đồng để đi dự 8 đám cưới chỉ trong 1 tháng. Cũng vì thế, ngân sách của anh chàng dành riêng cho ăn cưới đã phần nào cạn kiệt.
"Về phía em mình nghĩ sao về món quá thì thú thật phong bì 3 triệu đồng cũng thể hiện được tình cảm của mình rồi. Tất nhiên nếu tặng 1 chỉ vàng thì món quà sẽ càng ý nghĩa và chân tình hơn. Nhưng thời điểm kinh tế khó khăn thì đến quà cưới cũng cần cắt giảm thôi" Đức Tuấn ngậm ngùi.
Trong đám cưới không tặng vàng và phong bì thì tặng gì?
Chứng kiến đợt tăng giá của vàng, nhiều người trẻ chọn bỏ tăng vàng trong đám cưới không chỉ vì tài chính eo hẹp, mà còn e ngại tại hôn lễ sau này của mình, cô dâu chú rể sẽ phải mang áp lực trả nợ. Quỳnh Chi (25 tuổi, Hà Nội) là một trong số đó.
Quỳnh Chi chia sẻ, trong đám cưới của bạn vào tháng 4/2023, cô chi hơn 3,5 triệu đồng để mua đồ gia dụng và tặng phong bì nhỏ cho bạn. So với mức giá của một chỉ vàng thì số tiền này nhỏ hơn khá nhiều và giúp hầu bao của chính chủ dễ thở hơn.
Cô chia sẻ quan điểm chọn quà mừng cưới của mình: "Chỉ với bạn bè và người quen rất thân thì mình mới mua vàng. Còn lại, mình thường linh hoạt giữa tặng phong bì hay đồ gia dụng, vật trang trí trong nhà,...
Sở dĩ mình thường ưu tiên không tặng vàng, không chỉ vì giá mua đắt mà còn ngại tạo áp lực cho bạn. Mình theo đuổi chủ nghĩa kết hôn muộn, nên sẽ khoảng 5-7 năm nữa mới tổ chức đám cưới. Sau tầm đó thời gian, nếu giá vàng tiếp tục phi mã thì có thể tạo áp lực cho người được tặng. Mình mong món quà bản thân tặng họ chỉ đơn thuần là quà vật chất, chứ không muốn khiến ai đó cảm thấy mắc nợ mình, hay lo lắng sau khi nhận quà".
Một trường hợp khác, Thảo Đoàn (28 tuổi, TP. HCM) kết hôn cách đây 4 năm. Cô nàng cho hay, từ trải nghiệm cá nhân, cô ủng hộ mọi người có thể "phá lễ" không tặng vàng cưới cho cô dâu, chú rể. Thay vào đó, bạn có thể chúc phúc bằng những món quà khác vẫn ý nghĩa nhưng không còn quá nặng nề về vật chất, chẳng hạn đồ gia dụng trong nhà,...
Thảo Đoàn chia sẻ: “Trong đám cưới của mình, mình đã khuyên một vài người bạn thay vì tặng vàng cưới thì có thể đổi tặng quà. Chẳng hạn với em gái, mới ra trường, chưa kiếm được nhiều tiền nên mình gợi ý em không tặng vàng cưới. Thay vào đó, mình nói nhà còn thiếu bếp nướng và thảm ngồi, tổng giá trị khoảng 1.5 triệu đồng. Sau khi nhận được món quà này, mình vẫn rất ưng ý vì đó là quà vừa phù hợp nhu cầu của mình, còn vừa túi tiền của em".
Nhịp sống thị trường