Vàng trang sức không còn hấp dẫn
Chưa bao giờ thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ tại TP HCM lại đìu hiu như thời điểm này.
- 15-05-2020Giá vàng tăng 3 phiên liên tiếp, lên 48,7 triệu đồng/lượng
- 14-05-2020Giá vàng bất thường khiến ngân hàng HSBC mất 200 triệu USD chỉ trong 1 ngày
- 14-05-2020Giá vàng bất ngờ bật tăng trở lại
Những ngày qua, tại nhiều tiệm vàng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng ở TP HCM dù không còn giãn cách xã hội nhưng không khí vẫn rất yên ắng. Trưa 15-5, quan sát tại khu vực chợ Tân Định (quận 1) với cả chục tiệm vàng nằm sát nhau ở đường Nguyễn Hữu Cầu - Hai Bà Trưng, phóng viên ghi nhận khách đến giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, thừa nhận trong mấy chục năm làm nghề kim hoàn, chưa bao giờ ông thấy thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ èo uột và DN khó khăn như hiện nay.
Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, có khoảng 6-7 DN đã trả lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nâng tổng số DN hoàn trả giấy này từ năm 2012 (thời điểm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực) đến nay lên 75 đơn vị.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP, lý giải những DN hoàn trả giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn là do không có nhu cầu sản xuất. Hiện TP chỉ còn 480 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp vàng trả giấy phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho thấy lĩnh vực kinh doanh này ngày càng kém hấp dẫn Ảnh: TẤN THẠNH
Do đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, theo quy định phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nên những đơn vị đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận phải báo cáo thường xuyên cho cơ quan quản lý về doanh số sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động... Ngoài ra, để đủ điều kiện cấp phép giấy chứng nhận này không dễ nhưng nhiều đơn vị vẫn quyết định trả lại.
"Rất khó để xin được giấy chứng nhận trên, bởi các DN phải đáp ứng yêu cầu về mặt bằng sản xuất, diện tích và môi trường nơi sản xuất, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy… Thủ tục không đơn giản nhưng vẫn có tới 75 DN hoàn trả, phản ánh bức tranh khó khăn của thị trường này" - ông Nguyễn Văn Dưng nhận xét.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khoảng 2 tháng hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình đốn vì dịch Covid-19, đến giờ các tiệm vàng và DN sản xuất, kinh doanh vàng các loại đã hoạt động trở lại nhưng lực lượng lao động chỉ duy trì khoảng 30%, không có việc làm. Số lượng hội viên của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM chỉ còn khoảng 1.700 DN, trong khi thời điểm sôi động nhất trước đây là trên 3.000 DN. Số lượng tiệm vàng trên địa bàn TP cũng giảm mạnh thời gian qua.
Một DN vàng cho biết công ty có 4 chi nhánh nhưng đến giờ đã phải đóng cửa một nửa, số còn lại cũng chỉ sản xuất, kinh doanh cầm cự.
Theo các DN, không chỉ thị trường vàng ế ẩm, nhu cầu thấp mà việc tìm kiếm nguyên liệu cũng rất khó khăn. Nhiều năm qua, chưa DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, các DN phần lớn mua nguyên liệu đầu vào trôi nổi trên thị trường với giá cả biến động mạnh. "Yếu tố quan trọng là giá vàng đã tăng rất mạnh. Trong vòng 1 năm qua, giá vàng tăng từ 36 triệu đồng lên mức 47-48 triệu đồng/lượng hiện giờ. Giá vàng quá cao khiến chi phí mua vàng trang sức để làm đẹp, tích trữ của người dân cũng giảm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 càng khiến thu nhập của nhiều người giảm sút, không còn quan tâm tới vàng" - ông Nguyễn Văn Dưng nói.
Tính đến cuối ngày 15-5, giá vàng miếng SJC được các DN niêm yết phổ biến quanh mức 48,3 triệu đồng/lượng mua vào, 48,67 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 220.000 đồng/lượng so với hôm trước. Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch ở mức 47,34 triệu đồng/lượng mua vào, 48,1 triệu đồng/lượng bán ra.
Người lao động