MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng và kim cương: Có tiền trong tay, lựa chọn thứ gì mới là thức thời?

22-12-2021 - 10:44 AM | Lifestyle

Vàng và kim cương: Có tiền trong tay, lựa chọn thứ gì mới là thức thời?

Có người tin rằng vàng là lựa chọn đầu tư khả quan nhất, bởi nó được coi là một loại tiền tệ có giá trị ổn định và ngày càng tăng. Trong khi đó, kim cương biến động hơn vàng, bởi giá trị của nó còn phụ thuộc vào trọng lượng, cách cắt và màu sắc. Giống nhiều loại đầu tư khác, vàng và kim cương cũng có rủi ro.

Trước khi đầu tư vào hai mặt hàng này, bạn cần xem xét kỹ ưu, nhược điểm của chúng.

Ưu điểm của vàng

Khả năng phục hồi và độ ổn định là những ưu điểm của vàng. Là loại tiền tệ phổ biến suốt hàng trăm năm, vàng được coi là bến đỗ an toàn khi tiền mặt và các loại đầu tư khác thất bại.

Giá trị của vàng luôn ổn định, cũng như tăng đáng kể sau vài chục năm. Dù đã trải qua nhiều cuộc lạm phát khác nhau, vàng vẫn không các loại hình đầu tư khác chiếm ngôi. Nó vẫn được xem như là một khoản đầu tư đáng giá.

Vàng từng là một vật trao đổi ngang giá khi tiền mặt mất giá trị trong các cuộc chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. Nhiều người cất giữ vàng miếng trong két sắt ngân hàng hoặc sở hữu chúng trên giấy tờ.

Kim loại quý hiếm này cũng khó để làm giả, nên nó trở nên độc đáo và quý hiếm. Nếu định đầu tư vàng miếng, bạn có thể yên tâm rằng nó đáng tiền trong bất cứ nền kinh tế nào. Bởi lẽ, giá trị của vàng rất dễ kiểm tra và được biết đến rộng rãi.

Do đó, vàng là khoản đầu tư rất đáng tiền. Thậm chí, đối với một số người, vàng còn đáng giá hơn nhiều loại đầu tư khác, chẳng hạn như kim cương.

Vàng và kim cương: Có tiền trong tay, lựa chọn thứ gì mới là thức thời? - Ảnh 1.

Nhược điểm của vàng

Khó vận chuyển và lưu trữ là nhược điểm của vàng. Bạn khó có thể lưu trữ một khối lượng lớn vàng miếng, hoặc vận chuyển chúng ngay lập tức khi cần. Trước khi giao dịch, bạn cần phải đến ngân hàng hoặc nơi trữ vàng để rút.

Đầu tư vàng đòi hỏi thời gian, tiền bạc và sự kiên nhẫn. Bạn cần biết rằng nền kinh tế chung thường tác động đến giá vàng. Khả năng ảnh hưởng của các "tay chơi" lớn có thể là một trở ngại nếu bạn không có nhiều tiền để đầu tư.

Chỉ cần bạn để ý kỹ các xu hướng kinh tế, cơ hội sẽ xuất hiện vào thời điểm thích hợp.

Vàng vẫn luôn là 1 trong những lựa chọn đầu tư an toàn nhất

Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều lựa chọn đầu tư trở thành hố đen "nuốt chửng" một lượng lớn tiền. Trong khi đó, vàng vẫn ổn định, thậm chí còn tăng giá.

Năm 2011 là thời điểm tuyệt vời cho những người đầu tư vàng, khi giá vàng đã tăng lên gấp đôi so với năm 2008.

Các quỹ và các khoản đầu tư vào thị trường có tính thanh khoản tốt, nhưng biến động mạnh và có chút bất ổn. Tiền điện tự cũng có bản chất tương tự như thị trường chứng khoán, phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các khoản đầu tư truyền thống.

Đứng vững trước thách thức từ các xu thế mới, vàng vẫn là một trong những lựa chọn đầu tư an toàn nhất. Rủi ro khi đầu tư vào vàng thường ít hơn so với các loại hình đầu tư khác.

Khi đầu tư vào vàng, bạn sẽ có thêm cơ hội để thử nghiệm các loại hình đầu tư khác mà không sợ mất "cả chì lẫn chài". Thứ duy nhất bạn phải bỏ ra là số tiền để mua vàng.

Ưu điểm của kim cương

Đẹp, bền và gọn nhẹ là những ưu điểm của kim cương. Chúng có kích thước khá nhỏ, nên dễ mang đi. Hơn nữa, kim cương cũng là loại vật liệu đắt tiền thứ ba trên thế giới, nhờ sự phổ biến qua sách báo và phim ảnh đại chúng.

Kim cương được coi là bạn thân của phụ nữ, đồng thời là lựa chọn tuyệt vời để đầu tư nhờ khả năng sinh lời của nó. Giá trị của kim cương phụ thuộc vào 4 yếu tố: trọng lượng (carat), độ trong (clarity), màu sắc (color) và cách cắt (cut). Chúng tạo thành tiêu chuẩn 4C rất quan trọng khi mua kim cương.

Nếu bạn mua đúng loại kim cương kèm theo giấy chứng nhận xác thực, giá trị của nó sẽ được bảo đảm hoặc tăng dần theo thời gian. Bạn chắc chắn sẽ thu lại được tiền khi bán nó.

Nhiều người đầu tư mua nhẫn đính hôn gắn kim cương không chỉ vì giá trị cảm xúc mà nó mang lại. Theo thời gian, chiếc nhẫn này có thể đem lại giá trị cao hơn nếu có người sẵn sàng bỏ tiền mặt ra mua lại nó.

Khi bán kim cương, bạn cần chú ý xem người mua là ai, giá cả trên thị trường ra sao. Bạn cũng cần ghi nhớ điều này khi mua kim cương, bởi lẽ trên thị trường có không ít viên kim cương với chất lượng giảm sút.

Vàng và kim cương: Có tiền trong tay, lựa chọn thứ gì mới là thức thời? - Ảnh 2.

Nhược điểm của kim cương

Nhược điểm của kim cương nằm ở giá cả và tính thanh khoản của nó. Ngoài ra, nguồn cung và cầu cũng là những yếu tố lớn tác động đến giá cả kim cương. Bởi lẽ, đây không phải là loại đá dễ tìm; việc khai thác kim cương còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ.

Khác với vàng - một thứ có giá rất rõ ràng, kim cương cần được định giá bởi chuyên gia.

Dân mua bán sành sỏi sẽ kiểm tra rất kỹ viên kim cương, xem nó có đáp ứng 4 tiêu chí quan trọng nhất về chất lượng hay không. Chỉ một điểm không hoàn hảo cũng có thể ảnh hưởng tới giá của viên kim cương.

Giờ đây, con người đã có thể chế tạo được kim cương ngay trong phòng thí nghiệm mà không cần phải khai thác từ tự nhiên. Kim cương nhân tạo tuy phổ biến nhưng lại không có giá trị cao như kim cương tự nhiên.

Do đó, việc mua bán kim cương cũng trở nên lâu và rủi ro hơn. Thông thường, không có cách nào để truy xuất nguồn gốc của một viên kim cương cụ thể. Vì thế, việc bán lại kim cương càng khó khăn hơn.

Bạn khó có thể làm giàu ngắn hạn từ việc bán kim cương. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và mua những gì mình thích. Việc mua sắm một cách vội vàng có thể khiến bạn mất cả đống tiền nếu muốn bán kim cương đi.

Vàng và kim cương - đâu mới là khoản đầu tư đáng tiền nhất?

Vàng sẽ là lựa chọn khôn ngoan nếu bạn muốn đảm bảo an toàn tài chính. Kể cả khi thị trường mất ổn định, bạn có thể an tâm rằng giá vàng sẽ không biến động quá nhiều.

Đầu tư kim cương tuy rủi ro hơn, nhưng cũng là một lựa chọn thú vị. Bạn cần có kiến thức vững vàng về kim cương để đối mặt với những thách thức khi giao dịch. Nếu biết cách mua bán, kim cương sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho bạn.

(Theo Retirement Investments)

Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên