Vang xa, vươn xa, Việt Nam
Chờ đợi gần 10 năm, Hiệp định EVFTA, EVIPA được đặt trên bàn Quốc hội trong niềm hứng khởi. Giữa bóng đen u ám của đại dịch COVID- 19 bao phủ toàn cầu, vẫn thấy được vị trí số 1 của Việt Nam trong ASEAN về hội nhập kinh tế quốc tế.
- 07-06-2020Bloomberg: Du lịch Việt Nam hậu Covid-19 có thể bền vững hơn vì điều này
- 06-06-2020Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Việt Nam đang làm rất tốt trong phản ứng COVID-19 cũng như việc cung cấp khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho nhiều quốc gia trên thế giới
- 06-06-2020Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì?
Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ký được Hiệp định thương mại tự do với EU. Có được sự "đầu tiên" này là bởi Việt Nam thể hiện được nhiều tham vọng nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về thương mại và phát triển bền vững.
Lãnh đạo đất nước trong các chuyến công du châu Âu, đều đã thành công khi chứng minh cho bạn bè quốc tế tin vào tầm nhìn, năng lực, quyết tâm của Việt Nam.
Đó cũng là lý do để EVFTA vượt lên "số phận", đến được tay đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9. Hiếm có Hiệp định nào phải trải qua nhiều thời khắc gay cấn đến "nghẹt thở" vì đứng bên bờ vực của đổ vỡ như EVFTA.
"Đèn xanh" cho EVFTA chính thức được bật để Hiệp định này tiến thẳng đến Nghị viện Châu Âu vào dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du Châu Âu mùa thu năm 2018. Nhưng ngay cả khi đèn xanh EVFTA đã bật, thì vẫn có các luồng dư luận cả trong nước và quốc tế cho rằng tương lai đến đích còn ở một chân trời xa thẳm, khó đoán định.
Bởi thời điểm đó, EU dành ưu tiên cao nhất cho việc tập trung hoàn thành gấp các thủ tục nội bộ đối với Thỏa thuận Brexit (về việc Anh rời EU) với nhiều biến động ngoài dự kiến; cùng lúc, có trên 30 văn bản phải kết thúc thủ tục nội bộ để Nghị viện châu Âu thông qua trước kỳ bầu cử tháng 5/2019 trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2014 - 2019.
Đó là còn chưa kể, EU là Liên minh của 28 nước, thủ tục nội bộ, pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh và đơn giản như đối với một quốc gia. Ủy ban châu Âu, với 28 Cao ủy, phải thông qua và trình Hiệp định lên Hội đồng EU…
Đón trước khó khăn, Việt Nam dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với 2 Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Công tác vận động được tiến hành đồng bộ tại Hà Nội, tại thủ đô các nước thành viên EU, tại các Hội nghị quốc tế, ở tất cả các cấp, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ cấp cao.
Liên tục có các chuyến bay không ngừng nghỉ đến Châu Âu, các lãnh đạo của Việt Nam mang theo sự chân thành, nhiệt tình, nồng hậu cùng nỗ lực kiên trì đến cùng đưa hai Hiệp định về đích.
Tháng 10 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức tới Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch và Liên minh châu Âu, nội dung nổi bật xuyên suốt chuyến đi là hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà hiệp định này mang lại cho cả hai bên.
Ngay trong chuyến thăm này của Thủ tướng, Ủy ban Châu Âu thông qua quyết định trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức. Công tác dịch từ tiếng Anh ra ngôn ngữ 28 nước EU kết thúc tháng 12/2018.
Sau đó, cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc tại Pháp và Nghị viện châu Âu (EP). Nối vào chuyến công du tới Châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech, hai quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, trong đó, Romania đang là Chủ tịch luân phiên EU.
Trong các chuyến thăm, ở vị thế của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân luôn thể hiện một tinh thần cầu thị rất cao. Bà khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng đón Ủy ban Thương mại quốc tế và các cơ quan của EP sang làm việc, đối thoại để rút ngắn khoảng cách của sự khác biệt và đi đến nhận thức chung. Mọi vấn đề cụ thể, việc lớn, việc nhỏ nếu còn có quan điểm khác nhau thì Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp thông tin và đối thoại…
Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện Pháp, Bỉ, Chủ tịch EP, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu… đều bảy tỏ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam. Chủ tịch EP Antonio Tajani chia sẻ ông đã làm tất cả những gì có thể cho tiến trình phê chuẩn và ký kết.
Chủ tịch EC, ông Jean - Claude Juncker nói rằng cá nhân ông luôn yêu mến Việt Nam. Khi còn trẻ, lần đầu tiên ông xuống đường biểu tình chính là để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thấu hiểu việc Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, Chủ tịch EC đánh giá rất cao hành trình xây dựng và phát triển đất nước đầy ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua…
Tương tự, tại các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Romania đều cam kết hết sức nỗ lực để EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực hiện.
Không nói suông, hứa suông, ngày 25/6/2019, tại cuộc họp Hội đồng, các nước EU đã chính thức thông qua cả EVFTA và EVIPA.
Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký hai Hiệp định này giữa Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Chứng kiến lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, "hai Hiệp định quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam".
Đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến đầu năm 2020, tưởng như lại mang đến "vận đen" cho tương lai EVFTA. Nhưng không, giữa thời điểm Châu Âu nghiêng ngả vì dịch bệnh, ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu (EC) quyết định thông qua EVFTA sau khi Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020.
Cùng với CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn các Hiệp định gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo của Việt Nam. Giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn, mang theo khát vọng về tự do giao thương, hòa bình, hợp tác cùng đi tới thịnh vượng.
Dũng cảm đi trong gió ngược, Việt Nam sẽ thu được quả ngọt xứng đáng. Như với EVFTA, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57-5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó; có thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỉ lệ nghèo 0,7%...
Trước Quốc hội ngay trong phiên khai mạc Kỳ 9, 20/5/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết các đại biểu khẳng định EVFTA, EVIPA đến đích nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, sự chỉ đạo, phối hợp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành liên quan.
Hiện, Chính phủ đã sẵn sàng bản dự thảo kế hoạch hành động để sau khi Quốc hội phê chuẩn hai Hiệp định thì các bộ, ngành sẽ bắt tay vào thực hiện ngay những nhiệm vụ được phân công, thúc cả cộng đồng doanh nghiệp tiến về phía trước.
Con đường đến thị trường hơn 500 triệu dân của các nền kinh tế thuộc loại giàu có nhất trên thế giới đã rộng mở. Sự kiện này ví như tiếng sấm đến đúng lúc trưởng thành của cánh đồng lúa chiêm trong ca dao xưa, "lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên".
Vang xa, vươn xa hơn nữa hai tiếng "Việt Nam".
Chinhphu.vn