MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vành đai 3: Động lực mới từ 34 ha mặt bằng

02-01-2023 - 09:08 AM | Bất động sản

Hơn 34 ha đất trong diện tích thu hồi làm dự án 1A của tuyến Vành đai 3 đoạn qua TP HCM vừa được bàn giao đã tạo nguồn động lực cho tiến độ toàn dự án

Dự án thành phần 1A thuộc tuyến Vành đai 3 nối Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ở dự án này, đoạn qua TP HCM dài khoảng 2 km thuộc địa bàn TP Thủ Đức với diện tích thu hồi khoảng 36 ha, 72 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường gần 1.600 tỉ đồng. Ngày 29-12-2022, hơn 34 ha (chiếm 96%) được TP Thủ Đức bàn giao cho chủ đầu tư.

Bài học của sự quyết tâm

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Vành đai 3, ngay từ đầu năm 2022, UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các phường liên quan triển khai nghiêm túc việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án thành phần 1A. Việc bàn giao mặt bằng đúng tiến độ là bài học của quyết tâm cao và phương pháp thực hiện đúng.

Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được cũng như bảo đảm tiến độ bồi thường, GPMB đoạn còn lại, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức khẳng định địa phương tiếp tục quan tâm, tham mưu chăm lo tốt đời sống của người dân có đất bị thu hồi, bảo đảm cuộc sống của họ bằng hoặc tốt hơn trước khi thu hồi đất.

Vành đai 3: Động lực mới từ 34 ha mặt bằng - Ảnh 1.

Lễ bàn giao hơn 34 ha mặt bằng cho dự án 1A tại TP Thủ Đức Ảnh: QUỐC ANH

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đánh giá việc TP Thủ Đức bàn giao mặt bằng cho dự án thành phần 1A là "kiểu mẫu" trong công tác này vì thời gian thực hiện rất ngắn. Điều đó cho thấy chính quyền có quyết tâm cao, nhất là trong điều kiện đô thị đông đúc như TP HCM. Đây là cột mốc quan trọng để dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho rằng trong triển khai các dự án hạ tầng thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khâu khó nhất. Lý do là ngoài phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các cấp chính quyền còn phải thực hiện song song phương án hỗ trợ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, ban hành quyết định thu hồi đất… Tuy vậy, dự án thành phần 1A có tiến độ kỷ lục về thời gian thực hiện. Qua đó tạo động lực triển khai tốt các đoạn tiếp theo.

Vành đai 3: Động lực mới từ 34 ha mặt bằng - Ảnh 2.

Lãnh đạo thành phố cùng chủ đầu tư khảo sát về công tác bàn giao ranh mốc dự án tại huyện Hóc Môn Ảnh: THU HỒNG

"Đây là dự án kỷ lục, thời gian thực hiện và chắc chắn là bài học tốt, là động lực làm tiếp các đoạn khác, đặc biệt là TP Thủ Đức đang triển khai dự án Vành đai 3 với hơn 14 km đi qua địa bàn" - ông Bùi Xuân Cường nói. Phó Chủ tịch UBND TP HCM đồng thời cho biết hiện nay, thành phố đang tập trung khảo sát, thiết kế, bồi thường toàn dự án. Theo đó, yêu cầu đến tháng 6-2023, tỉ lệ bàn giao mặt bằng các địa phương đạt 70% tiến độ. Tín hiệu vui là có địa phương đăng ký đạt 90%, thậm chí có địa phương đăng ký tháng 3-2023 bàn giao 100% mặt bằng.

Đột phá giao thông tạo đột phá kinh tế

Chia sẻ về tiến độ dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết trên cơ sở ranh GPMB được bàn giao, các địa phương cơ bản hoàn thành việc thu thập pháp lý với 1.633 trường hợp (TP Thủ Đức 556 trường hợp; các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh lần lượt là 410, 275 và 392 trường hợp).

Vành đai 3: Động lực mới từ 34 ha mặt bằng - Ảnh 3.

Hộ dân ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 tại TP Thủ Đức sẽ được bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi thu hồi đất Ảnh: QUỐC ANH

Việc đo đạc, kiểm đếm đạt tiến độ, như huyện Hóc Môn và Bình Chánh đạt 100%, TP Thủ Đức và huyện Củ Chi đạt hơn 90%. Công tác tái định cư cũng được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng.

Nhận định về đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc đầu tư xây dựng dự án này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy ở đâu có đột phá về giao thông thì chắc chắn ở đó có đột phá về kinh tế. Ngược lại, không có đột phá về hạ tầng giao thông sẽ rất khó đột phá về kinh tế - xã hội, đời sống.

Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh đây không chỉ là trục giao thông chiến lược, mà còn là vành đai phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và kết nối vùng. "Trong vòng 5 đến 15 năm tới, cùng với việc khép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường Vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 TP HCM sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế" - ông Phan Văn Mãi nói.

Ông Hồ Thanh Phong, Phó Ban bồi thường GPMB TP Thủ Đức, cho biết việc bồi thường tại dự án 1A có thuận lợi khi toàn bộ diện tích là đất nông nghiệp. Mặt khác, do giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư được địa phương tính sát giá thị trường nên tỉ lệ người dân đồng thuận giao mặt bằng cao hơn.

Các địa phương đang tăng tốc

Đường Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc khép kín, hoàn thiện tuyến giao thông có ý nghĩa lớn cho cả Vùng kinh tế phía Nam đang được gấp rút triển khai.

Tại Đồng Nai, khoảng 11,26 km đường Vành đai 3 qua địa bàn 3 xã ở huyện Nhơn Trạch là Vĩnh Thanh (2,6 km), Phú Thạnh (5,3 km) và Long Tân (3,34 km), diện tích thu hồi khoảng 65 ha, ảnh hưởng tới 500 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đang đốc thúc UBND huyện Nhơn Trạch và các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm kế hoạch đặt ra là khởi công trong tháng 6-2023.

photo-1

Tại Đồng Nai, dự án thành phần 1A đã được khởi công từ tháng 9-2022 Ảnh: THU HỒNG

Để giải quyết vướng mắc lớn nhất của dự án là việc lựa chọn phương án xây dựng hạng mục nút giao đầu tuyến với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay tỉnh đã thống nhất phương án xây dựng nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành theo đề nghị của Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ Giao thông Vận tải. Cùng với đó, tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với phương án này.

Còn tại Bình Dương, đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh này có chiều dài 26 km với tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng. Mới đây, tỉnh Bình Dương giao bổ sung 3.541 tỉ đồng cho 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 5 xây dựng đường Vành đai 3 bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương) và dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tại Long An, cơ quan chức năng cũng có những động thái phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ…

N.Tuấn - T.Nguyễn

Theo Thu Hồng - Quốc Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên