Vào thủ phủ các đại đô thị biển phía Nam
Năm 2017, tuyến đường ven biển từ Long hải đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu) nối thẳng đến La Gi, Mũi Né (Phan Thiết) với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng được xây dựng đã tạo ra một vệt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn, hình thành lên một thủ phủ đại đô thị biển phía Nam.
Đòn bẩy hạ tầng hình thành các đại đô thị biển
Còn nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận diễn ra ngày 19/4/2017 với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khi đó cho biết tỉnh mong muốn Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm mới tuyến đường ĐT.719B kéo dài từ TP. Phan Thiết đến Kê Gà. Đây là dự án nối với huyện Xuyên Mộc, Hồ Tràm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là công trình trọng điểm cấp bách của Bình Thuận rất cần được đầu tư xây dựng bởi các yếu tố quan trọng về an ninh quốc phòng, đảm bảo các điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế ven biển, nhất là lĩnh vực du lịch - nghỉ dưỡng.
Đường ĐT.719B Phan Thiết - Kê Gà có thiết kế chiều dài 25.423m, bề rộng 16m, dải phân cách giữa 11,5m. Kết cấu mặt đường bằng các lớp bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm. Tổng mức đầu tư 998,955 tỷ đồng. Tuyến đường trục ven biển ĐT.719B Phan Thiết - Kê Gà xây dựng sẽ kết nối quốc lộ 1A tạo động lực phát triển tứ giác du lịch TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Song song với việc tỉnh Bình Thuận xây dựng tuyến ĐT711 thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thực hiện kế hoạch đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển đi qua địa phương. Điểm nhấn đầu tiên trong xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn là công trình cải tạo - nâng cấp Tỉnh lộ 52, đoạn qua địa bàn huyện Đất Đỏ và huyện Long Điền. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của huyện, kết nối với Quốc lộ 56 và tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Hai, với lợi thế biển đẹp, lại được quy hoạch cảng sân bay của tỉnh, công thêm liên kết vùng, nhưng vì giao thông không được đầu tư đúng tầm nên làm cho khu vực này dù đầy tiềm năng vẫn bị "ngủ đông" quá lâu. Ngay sau đó, vào cuối năm 2017, tuyến đường chính thức được xây dựng. Theo đó, tuyến đường ĐT.711 là trục đường ngang quan trọng kết nối 3 trục dọc qua địa bàn tỉnh bao gồm quốc lộ 28, quốc lộ 1 và trục đường ven biển quốc gia.
Tuyến đường giữ vai trò điều tiết giao thông giữa các trục dọc các quốc lộ và vùng du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, sân bay Phan Thiết và các khu đô thị biển trong tỉnh. Tổng chiều dài tuyến 41km, mặt đường rộng 11m và lề đất rộng 1m. Riêng đoạn qua khu đô thị Long Sơn - Suối Nước dài khoảng 3,2 km mặt cắt ngang đường rộng 34,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.490,065 tỷ đồng…
Ngay sau khi các tuyến đường này đi vào hoạt động năm 2018, bám theo các tuyến đường này, hiện nay, hầu hết các dải đất ven biển của Long Hải - Bình Châu; La Gi - Kê Gà - Mũi Né đều "phủ kín" các dự án du lịch - nghỉ dưỡng. Đỉnh điểm là năm 2019 và đầu năm 2020.
Ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ năm 2015 tỉnh đã nhìn thấy điểm mạnh của việc phải phát triển du lịch ở khu vực Long Hải, Bình Châu, Hồ Tràm vì ở đây có lợi thế rất lớn về du lịch khi có eo biển được đánh giá đẹp nhất phía Nam. Để làm được điều này, tỉnh cần phải có một sự liên kết vùng với tỉnh Bình Thuận để thu hút các nhà đầu tư lớn vào phát triển dự án du lịch.
"Chúng tôi nhận thấy rằng chỉ có phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh mới có thể phát triển được tiềm năng du lịch tại nơi đây bởi nhiều năm qua, tỉnh đã cấp phép cho khá nhiều dự án bất động sản du lịch lớn nhưng các doanh nghiệp được cấp phép lại không thể phát triển dự án chỉ là giao thông kết nối không phù hợp", ông Hưng nói.
Đại đô thị biển đã hình thành
Đầu tháng 8 vừa qua, phóng viên Tạp chí Nhà Đầu tư đã có cuộc khảo sát thực tế thị trường bất động sản tại dọc tuyến đường này. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ từ năm 2019 tới nay, các dự án mở bán và xây dựng xuất hiện rất nhiều, tạo ra một đại công trường bán theo tuyến đường mới được xây dựng này.
Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các dự án như resort Lan Rừng Phước Hải Resort & Spa (chủ đầu tư là Công ty TNHH An Kim Thiện), Tropicana Beach (Tập đoàn Kim Group), Thuỳ Dương Resort (Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng), The Long Hải resort (CTCP Thương mại - Du lịch Tân Thành), Oceanami Villas & Beach Club (CTCP Beegreen và CTCP Du lịch Hoa Anh Đào), Zenna Villas (CTCP DKRA Việt Nam)… Các dự án chuẩn bị đầu tư của Novaland rộng gần 1.000ha; Khu biệt thự Lạc Việt của DRH; Dự án Hồ Tràm giai đoạn 2… đang được xây dựng. Trong đó, dự án Hồ Tràm Complex của Tập đoàn Hưng Thịnh đang được xây dựng và mở bán với 2.700 căn hộ chung cư với 7 Block cao 21 tầng. Bên cạnh đó là khu vui chơi, giải trí cao cấp.
Cách đó không xa là dự an mang tên Novaworld Hồ Tràm của Tập đoàn Novaland, dự án đang được Novaland triển khai bán từ cuối năm 2019 và đang xây dựng các phân khu. Trong đó, điểm nhấn của dự án có quy mô 100ha này được quy hoạch theo mô hình Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đa chức năng (Intergrated Resort), bao gồm các sản phẩm lưu trú (100m2 - 500m2/căn) gồm biệt thự nghỉ dưỡng, Nhà phố, Nhà phố thương mại, Căn hộ, Khách sạn, Khu du lịch, Khu tiện ích… Bên cạnh đó là công viên chủ đề, Sân golf, Vườn thú Safari, Hồ bơi, Phố ẩm thực, Vườn nướng BBQ, Khu thể dục thể thao, Khu vui chơi trẻ̉ em, các trò chơi mạo hiểm…
Tại khu La Gi (Bình Thuận), hiện đang có 50 dự án du lịch - nghỉ dưỡng đã được cấp phép đầu tư dọc bờ biển. Trong đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động hết công suất như khu Resort Ba Thật, Khách sạn Ba Thật, Khách sạn Nhật Minh, Resort Đất Lành, Resort Cam Bình (Nhà Bè), KDL Cocobeach mới, KDL 7 kỳ quan thế giới, KDL sinh thái Rừng Dầu...
Nhiều dự án còn lại đang đẩy nhanh tiến độ thi công như dự án nhà phố biển thương mại Queen Pearl Marina Complex được đầu tư rất bài bản ngay trung tâm La Gi; khu Đồi Dương, trong đó phần lớn sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm nhà phố, biệt thự hướng biển từ nay đến năm 2020.
Hay một số dự án đang tiến hành đầu tư như khu biệt thự cao cấp Thái Sơn, khu biệt thự nghỉ dưỡng Suối Nhum - Thuận Quý, khu du lịch Hòn Lan, khu biệt thự Casalavada, Aloha Beach Villge, Goldsand Hill Villa…
Trong số những nhà phát triển bất động sản lớn đang ráo riết tạo lập thị trường ở Phan Thiết phải kể tới Novaland. Chỉ trong vài tháng gần đây Novaland đã công bố tới 2 dự án BĐS du lịch quy mô lớn tại địa phương này, đó là dự án NovaHills Mũi Né và NovaWorld Phan Thiết. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, năm 2019 sẽ có 18 siêu dự án, với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ USD đổ vào Phan Thiết. Nhiều doanh nghiệp triển khai dự án nghỉ dưỡng đã vào đón sóng thị trường này….
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Vietnam, một doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu thị trường bất động sản phía Nam cho rằng các dự án này điều có diện tích rất lớn, phân khúc chủ yếu là nghỉ dưỡng biển đã tạo ra một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn mới tại phía Nam.
Theo ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Đông Nam Bộ bùng nổ mạnh mẽ nhất trong một thập niên qua. Đầu tiên là hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đua nhau lộ diện. Tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vẫn đang tiếp tục được mở rộng, nối dài thêm trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng ở các điểm đến mất vài giờ di chuyển bằng ôtô.
Mặt khác, việc sở hữu ôtô ngày nay khá dễ dàng đối với người Việt giúp thay đổi thói quen du lịch và tiếp cận các kỳ nghỉ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây là những trợ lực tích cực cho sự bùng nổ làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam. Tiếp đến, thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế.
Xu hướng du lịch và đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng của tầng lớp trung lưu và người giàu có tại phía Nam cũng có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ngày càng có nhiều thương hiệu, nhà đầu tư phân khúc khách sạn toàn cầu đang đổ vào thị trường phía Nam như một điểm nóng trong tương lai ở khu vực.
Ông Mai Trung Hưng cũng cho rằng hành lang pháp lý hứa hẹn sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian. Chắc chắn hành lang pháp lý của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, biệt thự biển, nhà phố biển...) sẽ từng bước được điều chỉnh, bổ sung, hướng tới sự hoàn chỉnh. Xét về tiềm năng lâu dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam mà đặc biệt là Đông Nam Bộ hứa hẹn đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư: dùng để nghỉ dưỡng, khai thác cho thuê và tích lũy tài sản.
Nhà đầu tư