MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vào vùng dịch tả heo châu Phi

09-03-2019 - 11:22 AM | Thị trường

Tỉnh Thanh Hóa vừa xuất hiện thêm 1 ổ dịch tả heo châu Phi mới khiến phương án ngăn chặn dịch lây lan đang rất căng thẳng.

Sáng 8-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã vào vùng dịch tả heo châu Phi tại thôn 1, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa. Đây là ổ dịch thứ 2 được phát hiện ở Thanh Hóa chỉ 11 ngày sau khi ghi nhận ổ dịch đầu tiên ở xã Định Long, huyện Yên Định.

Chôn heo mắc bệnh trong vườn

Ngay từ đường đê dẫn vào xã Thiệu Phúc, nhiều chốt kiểm soát đã được dựng lên để kiểm soát các phương tiện ra vào nhằm hạn chế việc lây lan bệnh dịch. Tại thôn 1, vôi bột rải khắp đường làng và vào đến tận ngõ các hộ gia đình.

Nhà ông Nguyễn Khắc Hùng nằm sâu trong khu dân cư thôn 1. Chiều 5-3, thấy 4 con heo lăn ra chết, gia đình đã báo chính quyền địa phương. Trạm Thú y huyện Thiệu Hóa và Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho mổ 3 con heo đang còn sống để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Đến 22 giờ cùng ngày, gia đình nhận được kết quả đàn heo dương tính với dịch tả heo châu Phi.

 Vào vùng dịch tả heo châu Phi  - Ảnh 1.

Chốt kiểm dịch được đặt tại thôn 1, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ngoài đàn heo 10 con nặng gần 900 kg mà lực lượng chức năng tiêu hủy, gia đình ông Hùng cũng đã tự nguyên tiêu hủy 9 con gà và 441 con chim bồ câu. Cơ quan chức năng cho biết chỉ hỗ trợ tiền 10 con heo, còn số gà và chim bồ câu không thấy đề cập.

10 con heo mắc bệnh được chôn ở góc vườn, cách ngôi nhà chính 4-5 m nhưng lại nằm sát tường nhà 2 hộ bên cạnh. "Tôi nghe nói số lượng heo ít nên chôn tại vườn nhưng gia đình cũng lo lắng vì đang dùng nguồn nước ngầm, hố chôn heo chết lại ngay trong vườn, sợ sau này sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước" - ông Hùng lo ngại.

Ngay sáng 6-3, huyện Thiệu Hóa đã công bố dịch, đồng thời cấm người dân giết mổ, buôn bán thịt heo trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm thông báo dịch.

Theo ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Phúc, xã này hiện có tổng đàn heo khoảng 550 con, nuôi trong khu dân cư. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xã đã thông báo các hộ có heo nhanh chóng tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột trong và ngoài chuồng trại. Nếu phát hiện đàn heo có triệu chứng bất thường, phải báo ngay cho lực lượng chức năng.

Người nuôi heo lo sốt vó

13 ngày trôi qua, tại thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long - nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên, chốt kiểm dịch vẫn dựng 24/24 giờ ngay lối ra vào thôn để ngăn chặn, khống chế dịch tả heo. Ngoài hộ gia đình ông Lê Văn Thanh có 226 con heo đã bị tiêu hủy, hiện vẫn còn nhiều trang trại khác chăn nuôi với số lượng heo lên tới cả ngàn con.

Bà Lê Thị Hạnh, chủ một trại heo trong thôn Tân Ngữ 2, tỏ ra lo lắng vì hơn 400 con của gia đình không thể xuất bán. "Chúng tôi đứng ngồi không yên vì dù heo của trang trại không mắc bệnh, nhiều đàn heo đã đến thời điểm xuất bán nhưng nằm trong vùng có dịch nên gia đình phải tuân thủ quy định. Chúng tôi cũng tiêu tốn khá nhiều tiền để mua thức ăn cho heo và các thiết bị, hóa chất để tiêu độc, vệ sinh chuồng trại" - bà Hạnh cho hay.

Hộ gia đình ông Lê Văn Thanh và ông Nguyễn Khắc Hùng đã nghe thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng giá hỗ trợ heo nhằm giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất khi dịch đi qua. Thế nhưng, 2 gia đình này cũng lo lắng vì toàn bộ nguồn thu đều trông chờ vào chăn nuôi, giờ heo mắc bệnh tiêu hủy hết, tiền hỗ trợ vẫn chưa có.

"Gia đình có heo mắc bệnh phải tiêu hủy đã là thiệt hại lắm rồi. Sau khi dịch đi qua, để chăn nuôi lại ngay là không thể mà phải mất cả năm. Bên cạnh đó, giá hỗ trợ thiệt hại vẫn còn thấp so với giá thị trường, đặc biệt là giá mua heo giống và heo sinh sản, nên chúng tôi mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho từng loại heo khác nhau theo giá thị trường, để người dân bớt thiệt thòi" - ông Hùng bày tỏ.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 500 trang trại, 2.300 gia trại và 190.000 hộ chăn nuôi với tổng đàn heo khoảng 1,2 triệu con. Dịch tả heo châu Phi xuất hiện khiến người nuôi heo không chỉ những huyện có dịch mà cả tỉnh Thanh Hóa lao đao vì đến nay, dịch tả heo vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và không có thuốc điều trị.

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, khẳng định đến nay đã lấy hơn 200 mẫu bệnh phẩm ở heo tại nhiều địa phương và mới phát hiện 2 ổ dịch. Đến ngày 8-3, tỉnh chưa phát hiện thêm ổ dịch mới.

Theo ông Giang, Thanh Hóa vẫn áp dụng hỗ trợ theo Quyết định 02 là 38.000 đồng/kg. Khi nào có văn bản cụ thể về mức hỗ trợ theo chính sách mới thì địa phương sẽ điều chỉnh.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ở trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn. Ngoài 2 chốt kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1 tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hóa còn thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời, hoạt động đến ngày 31-3, thực hiện 24/24 giờ trong ngày.

Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết những chốt này từ ngày 8-3 sẽ có cán bộ của Bộ NN-PTNT tăng cường. Đến nay, sở đã cấp phát gần 32.000 lít hóa chất cho các địa phương tiêu độc khử trùng.

Đưa tin thất thiệt có thể bị xử lý

Cục Thú y - Bộ NN-PTNT cho biết từ ngày 1-2 đến 8-3, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 560 hộ của 10 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ngày 8-3, Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả heo châu Phi. Trước đó, nhiều trang fanpage, trang Facebook cá nhân như: Đầm Bầu Thời Trang Mami, Trang Thao Mandy... đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán heo nhiễm dịch tả heo châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt heo vì có thể lây sang người. Thậm chí, trang Facebook Trang Thao Mandy còn đưa hình ảnh 2 bệnh nhân bị xuất huyết dưới da và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt heo vì đã có người tử vong vì dịch tả heo châu Phi.

Qua xác minh, hình ảnh đó lấy trên một số báo điện tử về bệnh sán dây ở heo xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11-2018; còn bệnh nhân xuất huyết dưới da là biểu hiện của bệnh liên cầu khuẩn do ăn thịt heo sống, tiết canh. Theo các nhà khoa học, dịch tả heo châu Phi không lây sang người. Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ TT-TT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm người đăng tải những thông tin sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Mới đây, một trường mầm non tư thục ở TP HCM (cơ sở tại quận Tân Phú và Bình Tân) đã thông báo hạn chế sử dụng thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo; thay thế bằng các thực phẩm khác như: gà, tôm, cá, trứng, nấm, đậu hũ... trong thực đơn của các bé trong thời gian dịch tả bùng phát. Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, bệnh tả heo châu Phi không lây sang người, người dân không nên lo lắng. Tuy nhiên, khi mua thịt heo, nên chọn nơi bán có nguồn gốc rõ ràng, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng về dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Thịt heo cần được nấu chín kỹ trước khi dùng; tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh... vì ngoài bệnh tả heo châu Phi, thịt heo không rõ nguồn gốc còn mang bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng,…

V.Duẩn - A.Ngọc


Đồng Nai đề nghị đốt heo bệnh

Ngày 8-3, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất kiến nghị trình Thủ tướng, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Nai xung quanh việc phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Theo đó, hiệp hội kiến nghị tạm ngừng vận chuyển heo từ Bắc vào Nam (tính từ đèo Hải Vân) trong thời gian có dịch và chính quyền Đồng Nai lập thêm chốt kiểm dịch từ các cửa ngõ tỉnh.

Đáng lưu ý, hiệp hội đề nghị chọn phương pháp đốt heo bệnh thay vì chôn như hiện nay. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, chôn heo tốn ít chi phí trước mắt nhưng chứa đựng nhiều rủi ro, ảnh hưởng lâu dài đến nguồn nước ngầm và tái đàn vì mầm bệnh tồn tại lâu trong đất. Trong khi đó, đốt heo sẽ xử lý triệt để mầm bệnh nhưng chi phí cao, hiện tại từ 14.000-16.000 đồng/kg (tùy công ty). Về hỗ trợ khi xảy ra dịch, ông Công kiến nghị hỗ trợ theo con vì dễ kiểm soát hơn so với cách cân heo như hiện nay (heo con 1 triệu đồng/con, heo choai 2 triệu đồng/con, heo thịt 4 triệu đồng/con, heo nái 6 triệu đồng/con).

Trong khi đó, rạng sáng 8-3, Đội Quản lý an toàn thực phẩm chợ đầu mối Bình Điền (thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM) đã chặn được lô heo gần 1,2 tấn của ông Bùi Văn Thoản có dấu hiệu mắc bệnh lở mồm long móng. Lô heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch này đã bị tiêu hủy, chủ hàng bị phạt 47 triệu đồng.

N.Ánh - N.Thạnh

Theo Thanh Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên