MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh thép cần "sân chơi" lành mạnh

31-05-2013 - 11:11 AM |

Để đảm bảo hài hòa giữa các DN, sáng nay Hiệp hội Thép Việt Nam đã triệu tập các thành viên của Hiệp hội cùng nhau đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn chung.

Do thị trường bất động sản "đóng băng", nên giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh thép cạnh tranh khốc liệt. Để đảm bảo hài hòa giữa các DN, sáng nay Hiệp hội Thép Việt Nam đã triệu tập các thành viên của Hiệp hội cùng nhau đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn chung.

Được biết, hiện nay nước ta có gần 30 đơn vị sản xuất thép, với các loại hình DN cả trong và ngoài nước. Mỗi đơn vị có lĩnh vực hoạt động khác nhau, như có đơn vị nhập thép phế liệu, đơn vị thì nhập phôi, đơn vị lại áp dụng công nghệ cao, có đơn vị còn áp dụng công nghệ lạc hậu… dẫn tới giá thành rất khác nhau.

Từ việc sản xuất theo điều kiện của mỗi đơn đã vị khác nhau, dẫn tới giá thành khác nhau, nhất là trong điều kiện thị trường hiện nay khó khăn, tiêu thụ thép chậm, vì thế dễ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay, có tình trạng DN vẫn dùng lò nung phôi trung tần, phôi sản xuất từ loại lò này cho ra sản phẩm chất lượng thép rất kém, giá thành rẻ. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là sản phẩm kém chất lượng vì thế họ vẫn bán được.

Trong khi, đối với những DN làm ăn chân chính, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đương nhiên giá thành cao hơn, thì lại khó tiêu thụ, còn bán bằng giá sản phẩm có chất lượng thấp sẽ thua lỗ. Vì thế Hiệp hội Thép cho rằng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ chất lượng, giá cả trước khi mua hàng, bởi “tiền nào của nấy”.

Mặt khác, khi bán hàng, các DN không nên bảo lãnh giá, nếu một DN bảo lãnh giá thì sẽ ảnh hưởng tới việc hoạt động của DN khác và chung của ngành thép.

Cùng với đó, sức ép thép cuộn có chứa hàm lượng Bo của Trung Quốc nhập với giá rẻ tràn vào Việt Nam dưới dạng các loại thép hợp kim và được bán với giá rất rẻ lại thêm lo. Tính đến nay, lượng thép cuộn nhập khẩu khoảng 54 ngàn tấn, bằng 68% so với 5 tháng 2012. Tuy lượng thép nhập khẩu có giảm, nhưng hiện sản xuất thép của các DN Việt Nam cũng giảm tới 14% so với cùng kỳ thì lượng thép này nhập vào ảnh hưởng chung đến thị trường.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc thép cây nhập khẩu vào Việt Nam không mấy ảnh hưởng, vì thép cây có gắn nhãn mác nên người tiêu dùng dễ phân biệt, vì thế chỉ có tiêu thụ thép cuộn giảm vì chịu ảnh hưởng bởi thép cuộn có chứa hàm lượng Bo nhập từ Trung Quốc.

Hơn nữa, thời điểm này giá thép của Trung Quốc giảm sâu nhất trong 9 tháng gần đây, vì thế nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam là rất gần.

Từ ý kiến của các DN, ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam- cho rằng, xuất phát từ những khó khăn hiện nay nên cầu về các sản phẩm đều giảm, trong đó sản phẩm thép tiêu thụ rất khó khăn nên các DN cần giữ vững thị trường hiện tại, không giảm giá bán để cạnh tranh không lành mạnh, chiếm thị phần lẫn nhau làm ảnh hưởng tới thị trường chung.

Bên cạnh đó, các DN tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu để rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm áp dụng QCVN: 07 về thép cốt bê tông, từ đó mới có điều kiện dẹp bỏ tiêu chuẩn kém trong sản xuất kinh doanh thép.

Theo ý kiến các DN thép, với thực tế khó khăn do thị trường, để tạo đà cho DN sản xuất và kinh doanh thép, Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu thụ thép như: giảm thuế VAT xuống dưới 5%, thay vì 10% như hiện nay, cùng với đó, Nhà nước cần triển khai các dự án đã giải ngân, các dự án ODA và các sự án Nhà nước đã cấp vốn, cùng với đó, lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm.

Theo Kim Tuyến

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên