Thép không gỉ NK vào Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá
Mức thuế cho vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam thấp nhất là 3,07% và cao nhất là 37,29%.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, có mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Theo Quyết định này, doanh nghiệp của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29% và 13,79% đối với Yieh United Steel Corporation và các nhà sản xuất khác.
Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá 6,87% sẽ áp dụng cho Fujian Southeast Stainless Steel Co., Ltd; mức 4,64% áp cho Lianzhong Stainless Steel Corporation và mức 6,58% áp cho các công ty khác.
Đối với Indonesia, mức thuế 3,07% áp cho PT Jindal Stainless Indonesia và các nhà sản xuất khác. Đối với Malaysia, mức thuế 10,71% dành cho Bahru Stainless Sdn. Bhd và các nhà sản xuất khác của Malaysia.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Trước đó, hồi đầu tháng 12-2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố kết luận điều tra của mình trong giai đoạn điều tra theo đề nghị của 2 doanh nghiệp trong nước là Posco VST và Inox Hòa Bình về áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm trên nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Kết luận của cơ quan này là có hiện tượng chống bán phá giá, và đề nghị áp dụng mức thuế tạm trong thời gian 120 ngày, với mức thuế thấp nhất từ 6,45% đến cao nhất là 30,73%.
Ngày 13-8-2014, Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá đã họp biểu quyết và nhất trí về các nội dung liên quan đến vụ việc: Có tình trạng bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; có trình trạng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Như vậy, mức thuế áp dụng cho vụ kiện này còn cao hơn so với mức thuế đề xuất tạm thời.
Lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ
Theo Phan Thu