Vất vả xây dựng gia tài 17 tỷ NDT từ trang trại 300 con gà, tỷ phú Trung Quốc cuối đời phải trả giá đắt vì 1 chữ "liều"
Một quyết định bất cẩn của vị tỷ phú đã đẩy vận mệnh của một tập đoàn lớn lụi tàn trong phút chốc.
- 01-10-2022“Siêu sale” bất động sản đình đám Hong Kong: Vay tiền mua quà lấy lòng đại gia nhằm “một bước lên tiên” nhưng không ngờ cuộc đời rất thảm
- 30-09-2022Sở hữu 2 bằng cử nhân tại Úc, quán quân Olympia mùa 7 vẫn chọn về nước, trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng nổi tiếng
- 29-09-2022Vua dầu mỏ Mỹ dặn con muốn giàu có thì phải chấp nhận 1 điều không ai mong muốn này
Trương Hồng Ba sinh năm 1966, tại huyện Khánh Vân, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đối với trẻ em ở huyện miền núi xa xôi, nghèo đói - nơi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc này, nuôi gà hay làm ruộng còn thực tế hơn nhiều so với việc đi học. Dẫu vậy, Trương Hồng Ba từ bé vẫn khát khao con chữ, nỗ lực học hành.
Vào thời điểm đó, mỗi hộ gia đình ở huyện của ông sẽ nuôi một số gia cầm để ăn hoặc bán nhằm trang trải cuộc sống. Trương Hồng Ba cũng theo bà nội nuôi gà, vừa phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Cái nghèo khó đã rèn giũa tính cách chăm chỉ và ngoan cường ở người đàn ông này.
Đến lúc nghe tin ông đỗ đại học, gia đình ông vừa mừng vừa tủi. Mừng vì con trai học tốt, tủi vì sợ không có tiền cho ông tiếp tục con đường học hành. Bản thân Trương Hồng Ba cũng lo lắng đến mức không ngủ được. Cuối cùng, ông quyết định bỏ học đi làm để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gia cầm, Trương Hồng Ba đến làm việc trong một trang trại vịt ở Thiên Tân. Chỉ sau ba tháng học hỏi và làm việc, ông nghỉ việc, dùng số tiền lương ít ỏi mua 300 con gà con và trở về làng chăn nuôi. Tuy nhiên, công việc này chưa bao giờ dễ, do công nghệ phòng chống dịch bệnh chưa phù hợp, gà của Trương Hồng Ba chết hàng loạt gây ra thất thoát lớn.
Sau thất bại này, ông cho rằng nuôi gà tuy không khó nhưng vẫn cần kiến thức chuyên môn để khởi nghiệp lần nữa. Vậy là ông lại cầm sách lên và đi sâu tìm hiểu kiến thức chăn nuôi. Sau đó, Trương Hồng Ba từ bỏ phương thức ấp trứng truyền thống, thay vào đó, ông đầu tư một khoản tiền khổng lồ để mua những chiếc máy ấp trứng hiện đại và chuyên nghiệp. Nhờ vậy, việc chăn nuôi gà phát triển và mang về cho ông "hũ vàng" đầu tiên trong đời.
Năm 1998, sự nghiệp của Trương Hồng Ba có một bước ngoặt quan trọng khi ông mạnh dạn chi toàn bộ số tiền cho trang trại gà và vay ngân hàng 100.000NDT để mua lại một nhà máy chế biến thịt gà ở quê đã đóng cửa do quản lý yếu kém. Cũng từ đây, ông thành lập Công ty TNHH Công nghiệp Gia cầm Trung-Úc Đức Châu.
Vào thời điểm đó, ở Trung Quốc đang xảy ra "cơn sốt thịt vịt", thịt vịt khan hiếm. Sau khi nghiên cứu thị trường, Trương Hồng Ba nhận thấy giống vịt Cherry Valley rất được ưa chuộng, vì vậy ông đã lập tức liên hệ với công ty của Anh để giới thiệu và nhân rộng giống vịt này. Công ty ký hợp đồng với nông dân để thống nhất cung cấp giống gia cầm, thức ăn, phòng chống dịch bệnh,… Trong khi đó, nông dân phải mua giống, thức ăn và thuốc của công ty.
Dựa vào nhận định thị trường nhạy bén của Trương Hồng Ba, Trung Úc mở ra một thập kỷ hoàng kim. Từ năm 1998 đến năm 2008, ông đã đầu tư xây dựng 36 trang trại chăn nuôi, 3 nhà máy chăn nuôi vịt và dây chuyền sản xuất giết mổ 20 triệu con vịt thương phẩm mỗi năm. Từ một doanh nghiệp nhỏ, Trung Úc của Trương Hồng Ba phát triển nhanh chóng và trở thành Tập đoàn Trung - Úc vào năm 2001.
Nhờ chính sách của Trương Hồng Ba, hầu hết mọi hộ gia đình trong vùng đều có người làm việc trong Tập đoàn Trung Úc. Được sự ủng hộ của đông đảo người dân, nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra, các ngân hàng cũng giúp đỡ, đưa doanh nghiệp này bước vào giai đoạn hưng thịnh.
Tạo được sự uy tín trong công việc kinh doanh, tháng 12 năm 2008, Trương Hồng Ba được bầu làm phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại tỉnh Sơn Đông. Hai năm sau đó, Trung Úc của ông là một trong hai đơn vị xuất sắc đạt chứng chỉ "Châu Âu", tức là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tới Liên minh Châu Âu. Thị trường này có yêu cầu khắt khe về nguồn vịt, công thức thức ăn, quy trình giết mổ, an toàn vệ sinh trong khâu chế biến, đóng gói, vận chuyển.
Vào tháng 11 năm 2010, 42 tấn vịt quay không xương kiểu Âu đã được đóng gói và vận chuyển sang thị trường EU. Trong một thời gian, Tập đoàn Trung Úc trở nên nổi tiếng và được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu về công nghiệp hóa nông nghiệp cấp quốc gia. Cá nhân Trương Hồng Ba cũng đạt được mọi người tin yêu đặt cho cái tên "Vua vịt".
Báo cáo tài chính cho thấy năm 2010, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Trung Úc là 266 triệu NDT và tăng đều trong các năm sau đó. Cụ thểm, lợi nhuận ròng đạt 317 triệu NDT năm 2011, đạt 394 triệu NDT năm 2012, đạt 410 triệu NDT vào năm 2013. Đặc biệt, trong năm 2014, lợi nhuận ròng chỉ trong nửa đầu năm đạt tới 268 triệu NDT. Năm 2015, gia đình Trương Hồng Ba được xếp vào danh sách những người giàu nhất Sơn Đông với khối tài sản hơn 17 tỷ NDT.
Sự phát triển của Tập đoàn Trung Úc đang bùng nổ, ai ai cũng nghĩ rằng tập đoàn này sớm muộn cũng sẽ trở thành tập đoàn dẫn đầu toàn cầu, thế nhưng, mọi thứ đã đảo ngược sau một vài đợt kiểm tra.
Theo báo cáo của các bộ phận liên quan, công ty kế toán đã phát hiện Tập đoàn này có báo cáo tài chính sai trong quá trình kiểm toán kế toán. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, Trung Úc không có lợi nhuận cao như báo cáo, thay vào đó, tập đoàn này còn chịu thua lỗ nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2014, Trung Úc lỗ 74,94 triệu NDT. Lúc này, Trung Úc chỉ cần đi sai một bước, nguy cơ sụp đổ doanh nghiệp là rất cao.
Năm 2014, dịch cúm gia cầm quy mô lớn đã lan ra khắp cả nước, Trung Úc cũng chịu tổn thất nặng nề. Vào thời điểm đó, Tập đoàn này đang chuẩn bị dự án vịt nấu chao 24.000 tấn và đầu tư 560 triệu NDT. Do dịch bệnh bùng phát, các ngân hàng lớn đã rút các khoản vay, chuỗi vốn bị phá vỡ, nhiều nhân viên nghỉ việc.
Trước sức ép của chính sách và thị trường, Trương Hồng Ba quyết định mạo hiểm. Chỉ cần có thể hoàn thành dự án, mọi vấn đề đều có thể dễ dàng giải quyết. Sau những nỗ lực không ngừng, cuối cùng dự án đã hoàn thành. Tuy nhiên, khi số tiền thu về trên tay chưa được bao lâu thì lộ ra số nợ lớn.
Tháng 4 năm 2017, Văn phòng Công an huyện Khánh Vân nhận được tin báo về việc Tập đoàn Trung Úc bị nghi ngờ lừa đảo vay vốn ngân hàng, với số tiền liên quan là 35 triệu NDT. Cuộc điều tra của viện kiểm sát cho thấy Trương Hồng Ba đã sử dụng hơn 800 thẻ căn cước của nông dân chăn nuôi vịt để làm thẻ tín dụng, và rút tiền mặt bất hợp pháp, sử dụng chúng làm vốn lưu động không tính lãi của công ty. Trương Hồng Ba biết rõ luật và tận dụng những sơ hở của ngân hàng một cách khôn ngoan để thực hiện hành vi sai trái.
Vào ngày 4 tháng 6 năm 2017, Trương Hồng Ba bị cảnh sát bắt. Sau đó, các bộ phận liên quan đã xin điều chỉnh lại bộ máy của Tập đoàn Trung Úc. Tuy nhiên, vì những vấn đề như nợ nần chồng chất nên không có đối tác nào dám hợp tác làm ăn với công ty này nữa. Trung Úc danh tiếng một thời sụp đổ và tuyên bố phá sản.
Qua câu chuyện làm giàu của tỷ phú Trung Quốc, có thể rút ra một bài học quan trọng: Nếu bạn làm giàu một cách mù quáng, vi phạm phát luật thì cuối cùng, bạn sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Bất kể khi nào, ở đâu, và bất cứ ai làm giàu một cách phi pháp sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật trừng trị. Công lý ở đời là vậy.
(Theo Toutiao)
Nhịp sống thị trường