Vay ngoại tệ ngày càng khó
10, các ngân hàng thương mại đã dừng cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
- 01-10-2019Chính thức chấm dứt cho vay ngoại tệ: “Đáng ra phải làm sớm hơn”
- 30-09-2019Chấm dứt cho vay ngoại tệ trung dài hạn để nhập khẩu hàng hóa từ ngày mai (1/10)
Đây là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô-la hóa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định tại Thông tư 42/2018, và từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Thu hẹp đối tượng được vay USD
Cụ thể, theo Thông tư 42/2018, sau ngày 30-9, các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, từ ngày 1-4, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã không được vay vốn bằng ngoại tệ cho các nhu cầu ngắn hạn.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, các NH thương mại đều nghiêm túc áp dụng quy định này từ ngày 1-10. Đại diện NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết cả NH và khách hàng DN đều không bất ngờ vì quy định này đã được thực hiện theo lộ trình từ cuối năm ngoái đến nay. Trước đó, NH đã có thông báo cũng như tư vấn cho khách hàng phương án chuyển sang vay vốn bằng VNĐ hoặc vay ngắn hạn bằng ngoại tệ.
Đối tượng được vay ngoại tệ hiện thu hẹp chỉ còn 4 nhóm doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đánh giá việc ngừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn từ ngày 1-10 có ảnh hưởng nhưng không lớn vì khách hàng đã được thông báo, tính toán trước kế hoạch đầu tư sản xuất từ vốn vay bằng ngoại tệ. Dù mặt bằng lãi suất có sự chênh lệch giữa VNĐ và USD nhưng thực tế thời gian qua, các đối tượng DN được vay USD đã giảm dần theo lộ trình của NHNN. Bản thân các NH khi dừng cho vay ngoại tệ cũng có sự cân nhắc, giảm dần huy động USD đầu vào…
Như vậy, theo quy định tại Thông tư 42/2018, hiện các đối tượng được vay ngoại tệ thu hẹp chỉ còn 4 nhóm DN gồm cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ, đồng thời khách hàng phải bán ngoại tệ thu về cho NH thương mại…
Cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm. Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Tiến tới "mua đứt - bán đoạn" ngoại tệ
Tại buổi họp báo quý III/2019 của NHNN ở Hà Nội ngày 1-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết chủ trương hạn chế đô-la hóa nền kinh tế đã có từ lâu và từ 5 - 7 năm qua, NHNN đã đưa ra chủ trương phải dần tiến tới hạn chế việc vay mượn bằng ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Nền kinh tế đang ổn định, dự trữ ngoại tệ mạnh lên và cân đối được trạng thái ngoại tệ là điều kiện thuận lợi để tiến tới hạn chế cho vay.
"Đây cũng là chủ trương Chính phủ phê duyệt trong đề án về chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2025 và 2030, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, trước mắt là ngắn hạn, sau đến trung và dài hạn, đã có lộ trình và đáng lẽ ra phải làm sớm hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, do tạo điều kiện cho DN, nhất là những DN có tính chất đặc thù nên NHNN đã giãn, lùi thời hạn thực hiện. Đây không phải là chính sách đột ngột đối với DN mà hầu hết các DN đều tiếp nhận những chính sách này một cách hết sức chủ động nên không ảnh hưởng đến kế hoạch vay ngoại tệ của DN" - ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Về chính sách hỗ trợ cho DN khi không vay ngoại tệ, hiện nay, NHNN đã cấp phép cho nhiều tổ chức tín dụng để được phép kinh doanh ngoại hối, để được phép mua bán ngoại tệ, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối hiện nay khoảng 70 tỉ USD. Điều này cho phép triển khai chính sách kết thúc cho vay bằng ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua bán là hợp lý và nó sẽ rất tích cực trong chủ trương hạn chế đô-la hóa nền kinh tế.
Lãnh đạo NHNN cho biết hiện lãi suất VNĐ hợp lý và tỉ giá được giữ ổn định sẽ giúp các DN xuất nhập khẩu thuận lợi hơn trong việc mua bán ngoại tệ. Hiện trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế bảo đảm cân đối, các NH thương mại sẵn sàng mua ngoại tệ của DN và bán ngoại tệ cho DN khi cần thiết.
Không có chuyện đổ xô vay USD
Trước một số ý kiến cho rằng có hay không việc các DN đổ xô vay USD trước thời điểm 1-10 nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cuối năm, lãnh đạo một số NH khẳng định "rất khó". Bởi phương án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh trung, dài hạn của DN được NH thương mại thẩm định kỹ. Hơn nữa, thực tế cho thấy tín dụng ngoại tệ tại các NH cũng không tăng đột biến gần đây.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết trong 8 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ trên địa bàn tăng 7,8% so với đầu năm và tỉ trọng dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 8% trên tổng dư nợ tín dụng.