Vay nợ để bán hàng vỉa hè, từng bước kiếm lợi nhuận và bí quyết đằng sau
Ngày càng nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh xe đẩy bán đồ ăn, thức uống. Song không phải ai cũng dễ dàng kiếm sống tốt bằng nghề này.
- 09-09-2023Hội độc thân hạn chế vay nợ, gom toàn bộ tiết kiệm mua nhà
- 04-07-2023Bài học khi hết tiền vì mua sắm quá tay, vay nợ mua nhà vẫn chi tiêu bạt mạng
- 21-06-2023Căn nhà đầu tiên của vợ chồng trẻ: Không ngại vay nợ lấy động lực, không gian thể hiện cá tính
Chọn mở xe đẩy bán đồ ăn, thức uống dạo
Đó là câu chuyện của Anh Khoa (25 tuổi, Đắk Nông) và Toàn Trung (26 tuổi, TPHCM). Cả hai chàng trai đều chấp nhận vay mượn tiền từ người thân, bạn bè để khởi nghiệp bằng mô hình bán đồ ăn và thức uống vỉa hè.
Toàn Trung chia sẻ, cách đây 1 năm anh còn làm nhân viên bất động sản. Đang trên đà sự nghiệp ổn định, Trung quyết định nghỉ việc, dồn hết tiền đầu tư sức khỏe cho bản thân. Đầu năm nay Trung bắt đầu quay lại "thị trường lao động". Ban đầu Trung ứng tuyển công việc văn phòng nhưng không gắn bó lâu mà "nhảy sang" bán xe đẩy trà trái cây vỉa hè.
Trung chia sẻ, một phần nguyên nhân nghỉ việc bởi anh đánh giá tình hình kinh tế đang suy thoái nên nếu tiếp tục gắn bó với công ty cũ sẽ không có nhiều cơ hội phát triển lên cao. Lý do quan trọng hơn là Trung muốn theo đuổi đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống.
Để chuẩn bị khởi nghiệp, Trung tự học cách pha chế đồ uống trên mạng, sau đó mời bạn bè và người thân dùng thử để đánh giá sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung còn mua số lượng lớn trà trái cây từ các cửa hàng để tự mình rút ra kinh nghiệm pha chế.
Xe đẩy bán trà trái cây vỉa hè của Toàn Trung
Chọn khởi nghiệp khi hai bàn tay trắng, Trung quyết định vay bạn bè và người thân 20 triệu đồng để mở quán bán nước. Về sản phẩm, Trung chọn bán xe trà trái cây bình dân, giá thành khoảng 20 - 30 ngàn đồng/cốc. Trong tháng đầu khai trương, Trung chi hết số tiền vay mượn để mua nguyên vật liệu pha chế, thuê mặt bằng, mua ghế ngồi cho khách và một số chi phí phát sinh khác.
Theo Trung, khi chọn bán trà trái cây vỉa hè, bạn phải chấp nhận công việc gắn liền với ba từ "không ổn định". Trung giải thích: "Đầu tiên là vấn đề thời tiết, chẳng hạn như những ngày mưa gió, quán rất khó bán.
Thứ hai đến từ mặt bằng quán. Dù mình đã nói chuyện với chủ nhà, mình cũng chịu nhiều rủi ro, vì quyền quyết định phần lớn ở phía đối phương. Đơn cử như ngày đầu mở bán, mình có thuê mặt bằng ở một bên khác, nhưng sau đó họ quyết định lấy lại mặt bằng và cho người quen thuê. Mình đành chuyển đến địa điểm hiện tại và bắt tay làm mọi thứ từ đầu".
Giống như Toàn Trung, Anh Khoa chọn khởi nghiệp bằng mô hình xe đẩy bán đồ ăn dạo với hai số không: Không tiền - Không kinh nghiệm. Trước khi mở quán, chàng trai mang theo một đống nợ đằng sau. "Khoảng thời gian tệ nhất có lẽ là mình bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải làm gì tiếp theo. Khi mà công việc không có, tiền bạc cũng không", Khoa nhớ lại.
Anh Khoa chọn bán đồ ăn dạo khi đang mang món nợ lớn
Tất cả số vốn để sắm sửa nguyên vật liệu đều được Khoa vay mượn. Thời gian sau, chàng trai còn phải bán nốt chiếc xe máy để lấy vốn duy trì kinh doanh.
Sản phẩm Khoa chọn là đậu hũ hấp muối tiêu chanh. Lý do chọn món này để khởi nghiệp đến từ một lần Khoa được trải nghiệm món ăn và cảm thấy vô cùng ấn tượng. Sau đó, anh chàng cất công tìm tòi, khảo sát nhu cầu của thị trường và nhận ra cũng có nhiều người trẻ tò mò với món ăn này. Xe đẩy bán đậu hũ ra đời từ đó, với mức giá bán khoảng 14k/miếng.
"Hồi đầu, khi mới tập tành ra đường đứng bán, rồi mời chào từng khách một,... Mình ngại vô cùng! Nhưng thời gian qua đi, mình cũng nhận ra được một điều rằng: Dù có làm gì đi chăng nữa, cũng chỉ là đang kiếm những đồng tiền bằng chính mồ hôi và công sức", Khoa tâm sự.
Nhận được gì từ xe đẩy bán đồ ăn, thức uống?
Thời gian đầu kinh doanh còn nhiều khó khăn, tuy nhiên chỉ sau 2 tháng chăm chỉ đăng tải clip trên nền tảng mạng xã hội và nhận được nhiều quan tâm, doanh số bán đậu hũ của Anh Khoa đã tăng lên theo từng ngày. Hiện, chàng trai có thể bán tới 400 miếng đậu chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Hiện tại, lợi nhuận thu về của một miếng đậu hũ theo như Anh Khoa chia sẻ vào khoảng 3.5 - 5.000 đồng. Số lượng trung bình một ngày anh bán dao động từ 250 - 300 miếng. Nếu trừ hết các chi phí mặt bằng, nhân viên,... thì cũng kiếm về được hơn 1 triệu/ngày. Số tiền kiếm được từ việc bán đồ ăn dạo khiến Anh Khoa chi trả được mức sống 7-8 triệu/tháng ở TPHCM. Thậm chí còn có dư để dành cho những dự định sắp tới.
Còn phía Toàn Trung, sau gần nửa năm kinh doanh và vẫn đang học hỏi thêm kinh nghiệm, may mắn là cửa hàng đang đi theo đúng định hướng của chàng trai. Anh tâm sự, mỗi tháng thu nhập từ quán đủ để xoay vòng kinh doanh (khoảng 5 triệu đồng), thuê thêm một bạn nhân viên part-time và trang trải chi tiêu hàng ngày.
Ngoài ra, từ việc làm "ông chủ", Trung đã thu được nhiều kinh nghiệm bán hàng cho mình.
- Về mặt bằng: Bản thân Trung từng trải nghiệm bị chủ nhà đòi lại mặt bằng khi kinh doanh vừa khởi sắc. Do đó, Trung gửi lời khuyên mọi người nên đàm phán kỹ hợp đồng với chủ nhà, trước khi bắt đầu bày gian hàng để tránh sự cố đã có lượng khách quen, nhưng phải rời quán đến nơi khác.
- Về cách tiếp cận khách hàng mới: Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình dịch vụ của xe bán trà trái cây vỉa hè, Trung nghĩ nền tảng mạng xã hội cũng là một công cụ tốt để thu hút khách hàng mới và truyền thông cho sản phẩm.
"Mình dùng mạng xã hội để chia sẻ suy nghĩ cá nhân, công việc và góc nhìn của bản thân, từ đó thu hút thêm khách. Ngoài kênh cá nhân, mình còn nhận được phản hồi tốt từ một vài bạn reviewer, nhờ đó lượng khách hàng biết tới quán nhiều hơn, cũng như thúc đẩy doanh thu tăng lên", Trung kể.
- Về thời tiết: Do mô hình quán bán trà trái cây vỉa hè nên chịu tác động lớn của thời tiết. Hiện tại, Trung vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để khi bán hàng gặp trời mưa.
Trước đó, Trung từng nghĩ đến lắp đặt mái hiên cho cửa hàng. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, chủ nhà không đồng ý lắp đặt mái hiên trước cửa nhà. Cũng vì thế, trong tương lai anh muốn tự mở một cửa hàng, để ổn định công việc kinh doanh.
Với những người trẻ có dự định khởi nghiệp cùng mô hình bán đồ ăn, thức uống vỉa hè, Trung tâm sự: "Mình nghĩ dù làm gì, bạn cũng cần chuẩn bị tốt về mặt tài chính và tâm lý. Bởi vài tháng đầu, khả năng bạn phải chịu lỗ từ công việc kinh doanh khá cao, khách hàng cũng ít. Từ đó, mình dễ bị nản và chịu nhiều khó khăn từ yếu tố bên ngoài. Mình nghĩ nếu có thêm một người đồng hành, mọi thứ có thể sẽ suôn sẻ hơn".
Phụ nữ Việt Nam