“Vay nóng” hậu quả khó lường
Hôm 4.10 TAND Cấp cao tại TPHCM cho biết vừa có quyết định giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ và phúc thẩm vụ án “vay nóng”...
- 01-10-2018Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước
- 23-09-2018Lãnh đạo NHNN cảnh báo tín dụng đen diễn biến phức tạp gây nhiều hệ luỵ cho xã hội
- 22-09-2018Cơ quan công an đang gặp khó khăn gì khi ngăn chặn, triệt phá nạn tín dụng đen?
Diễn biến vụ án cũng là lời cảnh giác cho mọi người và đặc biệt là những doanh nghiệp khi “vay nóng” ngoài xã hội.
Bà Ngô Yến Anh (SN 1969, ngụ quận 5, TPHCM, là người đại diện pháp luật Cty TNHH Thương mại Tiền Tấn, có địa chỉ trụ sở tại số 76/14 đường 18, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM) ngày 26.9.2014 có vay tiền của một nhóm người do ông H.T.C (ngụ quận 12, TPHCM) đại diện, để đáo hạn khoản vay tại ngân hàng.
Nhóm ông C yêu cầu bà Yến Anh viết giấy bán nhà cho nhóm ông C theo mẫu có sẵn. Bà Yến Anh nhận đủ số tiền đặt cọc bán nhà bằng với khoản tiền vay, kèm theo CMND, Giấy chứng nhận ĐKKD của Cty Tiền Tấn, con dấu, séc rút tiền mặt ghi sẵn số tiền (tất cả đều phải bản chính), đưa cho nhóm ông C giữ, lãi suất 0,5%/ ngày. Phải trả tối thiểu 1 lần là 0,5%/ngày x 3 ngày = 1,5% trên tổng số tiền mượn dù thời gian đáo hạn là 2 hay 3 ngày, hơn 3 ngày thì sẽ tính mỗi ngày thêm 0,5%.
Khi ngân hàng giải ngân, tiền vào tài khoản Cty Tiền Tấn thì ông C dùng séc tự đi rút tiền, sau khi nhận đủ số tiền gốc, lãi, ông C trả lại giấy bán nhà, CMND, con dấu, giấy phép kinh doanh Cty, giấy nhận nợ.
Sau một thời gian làm việc với nhau, bà Yến Anh và nhóm ông C thân quen và tin tưởng, nên mỗi lần bà Yến Anh cần vay tiền thì chỉ cần ký khống các mẫu “Giấy nhận nợ” mà không cần phải điền bất cứ thông tin nào trong phần nội dung giấy nhận nợ, rồi giao giấy ĐKKD Cty, con dấu...
Ngày 13.10.2016, Cty Tiền Tấn bất ngờ nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản của Cty tại ngân hàng với lý do có đơn khởi kiện của ông C kiện Cty đang nợ 2 khoản tiền gồm: Giấy nhận tiền và cam kết ngày 24.10.2015. Giấy nhận nợ ngày 14.12.2015. Với số tiền là 4.372.241.000 đồng, trong đó tiền nợ gốc 3.700.000.000 đồng, tiền lãi 672.241.000 đồng.
Sự việc quá bất ngờ, bà Yến Anh cho rằng từ lâu đã không còn vay mượn tiền bên ngoài hay của nhóm ông C nữa. Trong 2 ngày 24.10.2015 và 14.12.2015, bà không mượn tiền của ông C.
Theo bà Yến Anh trình bày với toà án, toàn bộ chữ viết và nội dung ghi trong giấy nhận nợ là giả mạo, không phải chữ viết của bà. Cty của bà hiện vẫn hoạt động bình thường.
Một bất thường là “Giấy nhận tiền và cam kết ngày 24.10.2015 ghi thời hạn mượn là đến 31.12.2016”. Trong khi đó, ông C lại đề đơn khởi kiện lên TAND quận 2 lại là ngày 13.10.2016. Nghĩa là vào thời điểm ông C nộp đơn khởi kiện ra toà án thì vẫn chưa đến hạn phải trả.
Kết quả giám định số 2300/C54B ngày 18.8.2017 của Viện khoa học hình sự tại TPHCM thuộc Bộ Công an đã xác định “chữ viết phần nội dung giấy nhận nợ không phải chữ viết của bà Ngô Yến Anh”.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm số 45/2017/DS-ST ngày 20.9.2017 của TAND quận 2 và bản án Phúc thẩm số 99/2018/DS-PT, ngày 22.1.2018 của TAND TPHCM đều tuyên Cty Tiền Tấn phải hoàn trả cho ông C với số tiền nêu trên.
Ngày 24.7.2018, TAND Cấp cao tại TPHCM đã ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 208/2018/KN – DS quyết định: “Tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 99/2018/DS-PT, Yêu cầu hủy bản án sơ thẩm số 45/2017/DS-ST ngày 20.9.2017 của TAND quận 2 và bản án Phúc thẩm số 99/2018/DS-PT, ngày 22.1.2018 của TAND TPHCM chờ Quyết định Giám đốc thẩm”.
Và mới đây, Quyết định Giám đốc thẩm số 246/2018/DS-GĐT, ngày 23.8.2018: Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 2 xét xử sơ thẩm lại đúng quy định pháp luật.
Lao động