Vay nóng lãi 3%/ngày, nữ công nhân trượt dài trong nợ nần
Vay nóng 40 triệu đồng, mỗi ngày phải trả 1,2 triệu đồng tiền lãi chưa kể nợ gốc khiến gia đình nhiều người lao động lâm vào túng quẫn
Sau dịch, cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn hơn, thu nhập giảm đi nên khi xảy ra bất trắc, họ không có tích lũy, do vậy phải làm liều, vay nóng với lãi suất cao để giải quyết khó khăn, sau đó là những ngày tháng bế tắc, trượt dài trong nợ nần.
Chị Nguyễn Trần Phi Nga (ngụ tại quận 6), Công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) là một trường hợp. Mấy năm trước, chồng chị mắc căn bệnh ung thư quái ác phải chạy chữa thời gian dài, bao nhiêu tiền của tích lũy của gia đình đều cạn kiệt. Chị Nga phải chạy vạy khắp nơi để vay 70 triệu đồng giúp chồng trị bệnh nhưng anh vẫn không thể cầm cự được và ra đi cách đây một năm. Mất đi người đầu ấp tay gối, dù đau đớn nhưng chị Nga vẫn buộc phải đối mặt với hiện thực phũ phàng là một mình phải gánh vác gia đình gồm cha mẹ già và 3 con nhỏ cùng khoản nợ 70 triệu đồng với lãi suất cao.
Khoản nợ này, chị Nga vay nóng từ 3 người khác nhau với mức lãi suất từ 5-10%/tháng. Mỗi tháng chị phải trả khoảng 3,5 triệu đồng tiền lời trong khi mức thu nhập của chị chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Để có tiền lo cho con, ban ngày chị làm việc tại công ty, tối về phục vụ quán ăn, nhà hàng đến 2 giờ sáng. Mỗi ngày chỉ ngủ hơn 2 tiếng đồng hồ.
"Một năm qua, tôi đã trả hơn 30 triệu đồng tiền lãi nhưng khoản nợ không giảm chút nào. Chủ nợ đến tận nhà đòi, sợ làm phiền đến cha mẹ và ảnh hưởng đến tâm lý của các con, tôi phải vay đầu này đắp đầu kia. Tôi cũng không biết làm sao để thoát ra được nên lúc nào cũng sống trong lo lắng, bế tắc" - chị tâm sự.
Chị Sơn Thị Pha Ly Tha từng rất túng quẫn vì tín dụng đen
Một trường hợp khác cũng rơi vào bẫy tín dụng đen là chị Sơn Thị Pha Ly Tha (người dân tộc Khmer, là nhân viên bán hàng tại quận 8). Trước dịch, mẹ chị Tha bị bệnh phải nằm viện, gia đình ai cũng khó khăn không thể giúp đỡ, nên chị phải vay nóng 20 triệu đồng với lãi suất 3%/ngày (khoảng 600.000 đồng) để lo chạy chữa cho mẹ. Lúc ấy, vì cần tiền gấp nên dù biết biết chủ nợ cũng chỉ "mượn đầu heo nấu cháo" khiến tiền lãi bị đội lên rất cao, chị vẫn cắn răng ký giấy mượn nợ. Lúc ấy, cả hai vợ chồng chị đều còn khỏe và làm nhiều công việc cùng lúc nên vẫn gánh nổi khoản lãi ngày.
Thế nhưng hơn một năm trước, bất hạnh ấp đến khi chồng chị Tha lại bị tai nạn xe phải nằm viện, khi ấy trong túi không còn đồng nào, chị lại nhắm mắt vay thêm chủ nợ cũ 10 triệu đồng để lo cho chồng. Sau khi xuất viện, sức khỏe chồng chị yếu đi không thể làm việc.
Một mình chị Tha gánh vác kinh tế gia đình. Ban ngày chị đi làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng tủ nhựa trên đường Phạm Thế Hiển, tối lại đi giúp việc nhà, chạy xe ôm… Dù làm quần quật cả ngày đêm nhưng không thể nào gánh nổi khoản lãi 900.000 đồng/ngày, chưa nói đến tiền ăn uống hàng ngày, tiền học cho các con.
Chị kể: "Lúc ấy tôi chỉ nghĩ thôi tới đâu thì tới, khi nào phải đóng học cho con thì tôi khất lại không trả tiền lãi. Cũng vì vậy mà nợ đã tăng lên 40 triệu đồng, tiền lãi cũng tăng lên 1,2 triệu đồng/ngày trong khi thu nhập cứng của tôi chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/ngày khiến tôi vô cùng bế tắc, ám ảnh nợ nần, nhiều lúc nghĩ quẩn…". Chị Tha là khách hàng lâu năm của CEP, thấy hoàn cảnh chị quá túng quẫn, vừa qua, Tổ chức tài chính vi mô CEP đã quyết định hỗ trợ chị trả phần lớn khoản nợ, nhờ sự may mắn này mà chị Tha đã tìm thấy hy vọng.
nld.com.vn