MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay tiêu dùng ngày càng thoáng

24-07-2024 - 08:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Quy định các khoản vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi được kỳ vọng sẽ đẩy lùi tín dụng đen.

Vừa qua, Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Thông tư 12/2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay được kỳ vọng tạo đột phá trong phân khúc cho vay tiêu dùng.

Đơn giản thủ tục vay vốn

Thông tư 12/2024 quy định các khoản cho vay của tổ chức tín dụng có mức giá trị nhỏ, không vượt quá 100 triệu đồng không cần phương án sử dụng vốn khả thi. NH thương mại sẽ có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.

"Quy định này nhằm phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế tín dụng đen" - bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, nhìn nhận.

Chị Ngọc Hạnh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết thỉnh thoảng có nhu cầu vay tiêu dùng cho việc mua sắm đồ đạc có giá trị lớn trong gia đình. Nếu có thể vay vốn NH cho nhu cầu cấp bách rồi hoàn trả vài tháng sau đó thì quá thuận lợi. "Trước đây, NH đều yêu cầu xây dựng phương án sử dụng vốn khả thi nên ngại vay, dù thu nhập hằng tháng của tôi đủ khả năng trả nợ. Nay với quy định mới đơn giản, thông thoáng hơn, tôi sẽ mạnh dạn vay chính thống từ NH" - chị Hạnh chia sẻ.

Khách hàng có thể vay tiêu dùng tại các ngân hàng mà không cần phương án sử dụng vốn với khoản vay không quá 100 triệu đồngẢnh: BÌNH AN

Khách hàng có thể vay tiêu dùng tại các ngân hàng mà không cần phương án sử dụng vốn với khoản vay không quá 100 triệu đồngẢnh: BÌNH AN

Dùng công nghệ tăng cho vay

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết trên cơ sở Thông tư 12 của NH Nhà nước, Vietcombank đã có văn bản nội bộ triển khai quy định này theo hướng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. Khách hàng không bắt buộc chứng minh phải có phương án sử dụng vốn khả thi, chỉ cần tối thiểu các thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính...

"Các điều chỉnh này có tác động tích cực đến việc cho vay tiêu dùng của NH, cũng như là cơ sở để phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng triển khai trên kênh số" - ông Tùng nhận định.

Theo đại diện lãnh đạo NH Phương Đông (OCB), nhu cầu vốn vay nhỏ cho mục đích tiêu dùng ngắn hạn ngày càng lớn. "Việc không cần áp dụng phương án sử dụng vốn đối với các khoản vay này sẽ rút ngắn thời gian duyệt vay cho khách hàng, giải ngân nhanh chóng. Các NH cũng áp dụng công nghệ, phương thức điện tử để đẩy mạnh cung ứng sản phẩm vay nhỏ, ngắn hạn cho khách hàng một cách chủ động hơn" - đại diện OCB nói.

Thống kê của NH An Bình (ABBANK) cho thấy tại thời điểm ngày 30-6, tỉ trọng khoản vay dưới 100 triệu đồng chiếm khoảng 18%-19% tổng dư nợ ở NH này. Với quy định mới tại Thông tư 12, bà Đỗ Mỹ Hạnh, Giám đốc cao cấp giải pháp sản phẩm - ABBANK, cho rằng khách hàng hoàn toàn có thể tiếp cận vốn qua công nghệ, không cần cung cấp bất kỳ hồ sơ giấy nào. Bản thân NH cũng số hóa để giảm chi phí.

Bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Khối Cá nhân - NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thông tin từ tháng 5-2024, Sacombank đã triển khai sản phẩm vay tiêu dùng trực tuyến thông qua lương có kết nối dữ liệu CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia). Người vay có thể được nhận giải ngân nhanh từ Sacombank đối với các khoản vay nhỏ.

"Thông tư 12 góp phần giúp người dân có tâm lý cởi mở hơn khi tiếp cận các sản phẩm vay tại NH với lãi suất thấp" - bà Huyền nhận xét.

Đẩy lùi tín dụng đen

Số liệu của NH Nhà nước cho thấy đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng trên cả nước vào khoảng 2,9 - 3 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, cho vay tiêu dùng với những món nhỏ, không quá 100 triệu đồng ngày càng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy khách hàng tiêu dùng, mua sắm…

Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú phân tích là vào 5-7 năm trước, cho vay tiêu dùng để sinh hoạt hằng ngày, đáp ứng các nhu cầu chữa bệnh, cưới xin, đóng học phí… chiếm tỉ lệ rất nhỏ ở các tổ chức tín dụng, nhất là NH thương mại. Hiện tại, cơ chế, chính sách khuyến khích NH thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng rất rộng mở. Hàng loạt công ty tài chính, trong đó có cả công ty tài chính của các NH thương mại cũng được thành lập và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

NH Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống NH đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng, hạn chế những mặt trái tại một số công ty tài chính như lãi suất quá cao, hoạt động thu hồi nợ chưa phù hợp... 

Chú trọng kiểm soát rủi ro

Một vấn đề đặt ra khi áp dụng quy định mới là không cần phương án sử dụng vốn hiệu quả nhưng NH cho vay vẫn phải bảo đảm thu hồi vốn, giảm rủi ro nợ xấu.

Theo đại diện lãnh đạo OCB, việc thiết lập kiểm soát rủi ro của các khoản vay dưới 100 triệu đồng là cần thiết, khách hàng phải sử dụng vốn đúng như thỏa thuận với NH.

Nhiều NH khác cũng cho hay sự tiện lợi trong cho vay và giải ngân vốn phải đi cùng với việc kiểm soát dòng vốn đúng mục đích, tránh phát sinh nợ xấu.

Theo đó, các NH cho biết sẽ có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng. Việc này giúp bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc, lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận...


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên