Vay trực tuyến bị "chém" đẹp: Tín dụng đen thời @
Cho vay trực tuyến là một hình thức tín dụng đen. Bên cho vay thường đặt ra nhiều loại phí dịch vụ nhằm né các quy định về lãi suất.
- 29-08-2018Cho vay nặng lãi “cắt cổ” công nhân nghèo - bài cuối: Giải pháp tài chính để không vướng vào tín dụng đen
- 27-08-2018Tín dụng tiêu dùng- trợ lực đẩy lùi tín dụng đen
- 22-08-2018Quan điểm trái chiều về tín dụng đen
Anh T. (quận Phú Nhuận, TP HCM) - người vừa vay trực tuyến từ Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài chính LGC (tạm gọi là Doctor Đồng) - cho biết đơn vị này cung cấp 3 hợp đồng (cung cấp dịch vụ, vay cầm cố, gửi giữ tài sản) nhưng không hợp đồng nào tính lãi theo lãi suất đã công bố.
Thu phí khoản vay
Theo hợp đồng cung cấp dịch vụ, Doctor Đồng là đơn vị thu phí dịch vụ 27.000 đồng/ngày. Với hợp đồng vay cầm cố, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Vạn An Phát (Công ty Vạn An Phát) là bên cho vay, lãi suất 19,9%/năm, phí quản lý khoản vay 30.000 đồng/ngày, tài sản cầm cố là điện thoại di động nhãn hiệu Samsung… Riêng hợp đồng gửi giữ tài sản thể hiện Công ty Vạn An Phát là bên giữ tài sản nhưng giao đứt cho bên vay giữ.
Các mẫu hợp đồng cho vay của Công ty Doctor Đồng
Anh T. thắc mắc các vấn đề này thì được giải thích Doctor Đồng chỉ là đơn vị trung gian kết nối bên cho vay là Công ty Vạn An Phát và bên vay, đồng thời không thu phí dịch vụ người vay tiền trực tuyến. Công ty Vạn An Phát không tính lãi theo lãi suất như đã thể hiện trong hợp đồng vay cầm cố mà chỉ thu phí quản lý khoản vay 2%/ngày. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là điện thoại Samsung mà anh T. đang sử dụng. Số tiền vay sẽ được chuyển đến tài khoản anh cung cấp cho Doctor Đồng.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, bản chất cho vay trực tuyến là loại hình cho vay ngang hàng Peer to Peer (Lending), vốn phổ biến tại một số quốc gia phát triển. Về nguyên tắc, loại hình này luôn có một doanh nghiệp (DN) làm trung gian cung cấp công nghệ kết nối người cho vay và người vay. Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, DN trung gian chỉ thu phí dịch vụ.
Tuy nhiên, loại hình này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên bên cho vay đã biến tướng lãi suất bằng nhiều loại phí dịch vụ nhằm lách các quy định về lãi suất. Cụ thể, Công ty Vạn An Phát không tính lãi theo lãi suất công bố là 19,9%/năm mà chỉ thu phí quản lý khoản vay 2%/ngày (60%/tháng). Như vậy, DN này đã né quy định của Luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay không quá 20%/năm và quy định lãi suất không quá 100%/năm của Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong khi đó, Công ty SHA Toàn Cầu (SHA) tính lãi bằng lãi suất cộng với phí dịch vụ. Tuy nhiên, do chỉ đưa ra lãi suất 8%-20%/năm nên SHA đã né được quy định của Luật Dân sự 2015. Nếu tính lãi suất cộng với phí dịch vụ 4%-12% thì người vay chịu chi phí vay vốn (có thể gọi là lãi suất cho vay) chưa tới 100%/năm. Từ đó, SHA thoát được quy định về lãi suất của Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Có thể đẩy chi phí vay lên 100%/năm
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cho vay trực tuyến nằm ngoài khuôn khổ của Luật Các tổ chức tín dụng. Vì thế, bên cho vay luôn tính lãi theo dư nợ ban đầu, đặt ra nhiều loại phí liên quan đến khoản vay. Đặc biệt, trong hợp đồng vay tiền thường "cài" câu chữ cho thấy bên cho vay có quyền tăng lãi suất, phí dịch vụ…, có thể đẩy chi phí vay vốn lên 100%. Nếu người vay không chấp nhận, bên cho vay sẽ áp dụng thêm mức phạt thanh toán trễ hạn và thuê xã hội đen đòi nợ.
"Với các chiêu thức trên, nếu có tranh chấp giữa bên cho vay và bên vay thì các cơ quan chức năng rất khó phân xử vì thiếu cơ sở pháp lý" - ông Hiếu nhận định. Tuy vậy, luật sư - TS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng người vay có thể cung cấp thông tin vay tiền trực tuyến cho công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để các cơ quan này phối hợp điều tra về hành vi cho vay nặng lãi nhằm xử lý theo quy định pháp luật.
Thực tế gần đây, Công an TP Cần Thơ đã xác định trên địa bàn TP có 6 công ty núp bóng DN hoạt động cho vay nặng lãi, 16 nhóm hoạt động cho vay với lãi suất cao. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan công an trên địa bàn TP này đã xử lý 47 vụ, 113 đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ, xiết nợ; khởi tố 6 vụ, 16 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi, làm nhục người khác… và đang hoàn tất hồ sơ khởi tố 3 vụ, 3 đối tượng liên quan đến cho vay nặng lãi.
Mạo danh ngân hàng để chuyển tiền?
Anh M., một khách hàng của Doctor Đồng, cho biết ngày 7-9, khi bên cho vay chuyển tiền vào tài khoản của anh tại Eximbank Chi nhánh Tân Định thì anh nhận được tin nhắn có nội dung Eximbank quận 3 giải ngân 1,5 triệu đồng. Eximbank Chi nhánh Tân Định thông báo số tiền này được chuyển từ tài khoản Công ty Vạn An Phát mở tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, đồng thời cho biết nếu người chuyển tiền giao dịch bằng Internet Banking thì họ có thể mạo danh người khác khi ghi nội dung chuyển tiền.
Đến ngày 12-9, một người tự xưng là nhân viên của Doctor Đồng gọi điện yêu cầu anh M. đến các điểm giao dịch của Viettel (Doctor Đồng tự quảng bá Viettel là đối tác chiến lược) để thanh toán vốn và lãi vào ngày 17-9. Khi anh M. hỏi thanh toán trễ hạn có bị phạt không, người này có lời lẽ thô bạo rồi thông báo phí phạt 300.000 đồng/ngày.
Người Lao động