VCBS: Chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam tác động tích cực đến ngành cảng biển
Lượng hàng hóa lưu thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu 2019 và năm 2018 tăng trưởng. Có sự lệch pha giữa tăng trưởng chung của ngành và các doanh nghiệp niêm yết. Lợi nhuận của các công ty phân hóa do tình hình cạnh tranh thay đổi giữa các khu vực trên cả nước.
Theo báo cáo ngành cảng biển của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), 6 tháng đầu năm lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng hóa container đạt hơn 9,1 triệu TEU.
Doanh thu tại các doanh nghiệp cảng biển niêm yết tăng chậm hơn so với tăng trưởng sản lượng của ngành, ở mức 5,8%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tương đối phân hóa giữa các doanh nghiệp do tình hình cạnh tranh thay đổi giữa các khu vực trên cả nước.
Diễn biến cổ phiếu cảng biển. Nguồn: VCBS
Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2018 đạt 529,3 triệu tấn, tăng 20% năm trước, lượng hàng hóa container tăng đột biến 22,6%. So với mức tăng trưởng bình quân kép (CAGR) 10% giai đoạn 2014-2017, số liệu cho thấy dòng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc có tác động tích cực đến ngành cảng biển Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao với động lực quan trọng từ khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất nhập khẩu giúp triển vọng dài hạn của nhóm cảng biển vẫn ở mức khả quan.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng lý do của sự lệch pha giữa tăng trưởng chung của ngành và các doanh nghiệp niêm yết nằm ở việc lượng sản lượng tăng thêm nhờ chuyển dịch chuỗi cung ứng đang tập trung vào 2 cụm cảng nước sâu tại Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải (khu vực có các tuyến vận tải liên châu lục). Báo cáo đánh giá các doanh nghiệp sở hữu cảng biển nước sâu và điểm thông quan hàng hóa nội địa (ICD) tại các vị trí thuận lợi, đồng thời sớm hoàn thành quá trình mở rộng công suất trong giai đoạn 2019-2020 sẽ có lợi thế.
NDH