MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS dự báo GDP 2019 có thể đạt 6,8%, tỷ giá biến động không quá 3%

24-12-2018 - 16:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chỉ báo đang ủng hộ cho khả năng tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,6% - 6,8%. Đồng thời Chính phủ hoàn toàn có các dư địa chính sách trong tầm tay hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo triển vọng năm 2019. Theo dự báo của VCBS, GDP năm 2018 sẽ hoàn thành mục tiêu 6,7% và dự báo GDP 2019 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,6% - 6,8%, tỷ lệ lạm phát năm 2019 được dự báo mức 4%-5%, tỷ giá biến động không quá 3%.

GDP sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,6% - 6,8%

Cụ thể, theo VCBS, trong các năm gần đây động lực tăng trưởng của nền kinh tế đến từ: hoạt động của khối FDI, tăng trưởng tín dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong đó chủ yếu là dầu thô và than đá và cuối cùng là hoạt động đầu tư công.

Theo VCBS, trong năm 2018, Chính phủ đã hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý thêm mức độ đóng góp vào tăng trưởng tính theo thành phần kinh tế của khu vực FDI đang ngày càng tăng lên. Theo đó năm 2019, Xuất- nhập khẩu và lĩnh vực Công nghiệp với sức kéo chủ yếu từ khối này tiếp tục được kỳ vọng là nhân tố chính duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Cầu tiêu dùng đã và đang cho thấy sự phục hồi tốt hơn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng, đặc biệt là khu vực Dịch vụ với các cấu phần còn dư địa tăng trưởng như thị trường tài chính và Bảo hiểm.

VCBS dự báo GDP 2019 có thể đạt 6,8%, tỷ giá biến động không quá 3% - Ảnh 1.

Trong năm 2019, NHNN sẽ tiếp có các biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng cao nhằm mục tiêu tập trung xử lý nợ xấu và hạn chế tín dụng tại khu vực có mức rủi ro lớn như Bất động sản hay tín dụng tiêu dùng.

Tốc độ giải ngân ngân sách được dự báo sẽ có những cải thiện mạnh hơn đáng kể từ nửa sau năm 2019 khi quá trình giải ngân đầu tư công chú trọng vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là thiết yếu đối với quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Dự báo mặt bằng giá cả hàng hóa có thể duy trì mặt bằng cao hơn so với 2018 đặc biệt là giá dầu thô. Đóng góp của ngành khai khoáng đặc biệt là dầu thô và than đá sẽ tích cực hơn năm 2018.

“Như vậy, các chỉ báo đang ủng hộ cho khả năng tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,6% - 6,8%. Đồng thời Chính phủ hoàn toàn có các dư địa chính sách trong tầm tay nhằm hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý”, báo cáo của VCBS nêu.

Lạm phát sẽ ở mức 4%-4,5%

Về chỉ số lạm phát, theo VCBS, lạm phát năm 2019 được dự báo mức 4% - 4,5% và chịu tác động đáng kể từ diễn biến giá cả hàng hóa ở mức cao. Trong đó các yếu tố tiềm ẩn tạo áp lực tăng cho lạm phát như giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh giá dịch vụ công...

Theo dự báo của một số tổ chức như Goldman Sachs hay JP Morgan, mặt bằng chung giá dầu Brent năm 2019 được dự báo có thể tiếp cận trở lại ngưỡng 70 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn trong xu thế giá cả hàng hóa tăng do các động cơ mang nhiều yếu tố chính trị hơn là cung cầu thực tế. Cùng lúc, trong nước, dư địa sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều cũng có thể một yếu tố cần được lưu tâm.

Áp lực từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường cùng hiệu ứng mùa vụ trước và sau Tết nguyên đán sẽ là các nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao vào đầu năm.

Cuối cùng, vào các thời điểm xung quanh việc điều chỉnh giá dịch vụ công như điện sau khi hoàn thành tính toán lại chi phí hay thời điểm tăng học phí theo lộ trình 2016-2020 cũng sẽ chiếm phần đáng kể trong mức tăng CPI chung. Cũng cần lưu ý dư địa để tiếp tục đẩy lùi lộ trình tăng giá của các dịch vụ công đặc biệt là giá điện, mức đóng BHYT, dịch vụ giáo dục… là không nhiều.

Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu

Về tỷ giá, báo cáo cho biết, sau giai đoạn khá bình ổn và không có quá nhiều biến động nửa đầu năm, tỷ giá bắt đầu chịu áp lực tăng mạnh kể từ giữa tháng 7, áp sát biên độ 3% so với tỷ giá trung tâm của NHNN và sau đó liên tục duy trì ở mức sát trần.

VCBS dự báo GDP 2019 có thể đạt 6,8%, tỷ giá biến động không quá 3% - Ảnh 2.

Áp lực lên tỷ giá trong năm tới được dự báo sẽ bắt nguồn từ xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp diễn trong năm 2019 mà trọng tâm là FED và ECB. Thứ hai là diễn biến khó lường của đồng CNY khi PBOC tiếp tục sử dụng công cụ đồng CNY nhằm đối phó với các biện pháp cứng rắn từ phía Mỹ.

Thứ ba, các sự kiện bất ổn từ nhiều điểm nóng chính trị trên thế giới như hạn chót để Anh tiến hành đàm phán rời khỏi EU tháng 3 năm 2019; các chia rẽ vốn đã tồn tại lâu trong nội bộ khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Theo đó, các sự kiện này có thể tiếp tục kích hoạt làn sóng tạm thời rút vốn khỏi các kênh đầu tư rủi ro nhằm đánh giá lại triển vọng hoặc một phần chuyển dịch đến những kênh đầu tư được xem là “an toàn hơn”.

“VCBS nhìn nhận thấy các áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu xuất phát từ các yếu tố bên ngoài. Mặc dù vậy, với định hướng duy trì mức giảm giá của VND ở mức hợp lý so với các nước trong khu vực và đảm bảo một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định nhằm thu hút các nhà đầu tư ngoại, VCBS kỳ vọng tính theo biến động tỷ giá trung tâm VND dự báo sẽ giảm giá không quá 3%”, VCBS nêu trong báo cáo.

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên