MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: Nếu triển khai thành công các dịch vụ tài chính tại Vinmart, độ phủ của Techcombank sẽ tăng mạnh

13-05-2021 - 14:56 PM | Tài chính - ngân hàng

VCBS: Nếu triển khai thành công các dịch vụ tài chính tại Vinmart, độ phủ của Techcombank sẽ tăng mạnh

Một trong số các sản phẩm TCB đang nghiên cứu là việc tích hợp các dịch vụ tài chính tại các của hàng Vinmart và Vinmart+. Đây là mô hình thành công đã triển khai tại hệ thống gần 12.000 cửa hàng 7-eleven tại Thái Lan với các dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện, nước; gửi tiền tiết kiệm; rút tiền; chuyển tiền,…

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, ngân hàng Techcombank (TCB) với vị thế là ngân hàng tiên phong trong việc đặt trải nghiệm khách hàng lên trên các lợi ích kinh tế ngắn hạn đã đạt được rất nhiều thành công trong vài năm qua.

Chi phí huy động thấp nhất ngành

Tỷ lệ CASA của ngân hàng đã đạt 43%, giữ vững vị thế là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất Việt Nam. Lý do vì tệp khách hàng sử dụng TCB làm ngân hàng giao dịch chính tiếp tục tăng lên cộng với việc lãi suất có kỳ hạn không còn đủ sức hấp dẫn khiến cho nhiều khách hàng không thực hiện gửi tiền mà để tiền ở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi CASA cao được đóng góp chủ yếu bởi nhóm khách hàng cá nhân có tính bền vững hơn so với các ngân hàng huy động CASA từ nhóm khách hàng tổ chức.

Bên cạnh việc thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, TCB cũng có mức lãi suất huy động giảm nhanh khi nhu cầu huy động tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng là không nhiều. Chi phí lãi ghi nhận trên danh mục huy động tiền gửi khách hàng của TCB giảm xuống còn 2,1% trong quý 1/2021. Chi phí vốn của ngân hàng vào quý 1/2021 ghi nhận ở mức 2,24%, đưa TCB trở thành ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất hệ thống. Chi phí vốn thấp là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của TCB giúp cho tỷ suất sinh lời trên tài sản duy trì cao trong dài hạn.

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo ngân hàng, dư địa để tăng trưởng về CASA vẫn còn khi có những ngân hàng trên thế giới ghi nhận tỷ lệ này lên tới 70%. Tuy nhiên, VCBS cho rằng quá trình này có thể diễn ra chậm hơn do hiện tại đã có nhiều ngân hàng bao gồm nhóm ngân hàng lớn cũng đã chú trọng hơn về vấn đề nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, các nước ghi nhận tỷ lệ CASA cao có 1 phần đóng góp lớn đến từ mức lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn thấp.

Triển vọng từ hợp tác với Vingroup, Masan

VCBS đánh giá cao triển vọng của Techcombank, với dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng nhà băng này cao hơn trung bình ngành. Hiện TCB có hệ số CAR đạt 15,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu yêu cầu theo thông tư 41 nên có khả năng được cấp room tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao nhất ngành ngân hàng.

Với việc lãi suất huy động giảm, nhóm phân tích kỳ vọng biên lãi ròng NIM của Techcombank tiếp tục mở rộng và yếu tố này sẽ tiếp tục giúp cho lợi nhuận tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, TCB có chi phí vốn giảm nhanh hơn tốc độ giảm trung bình của toàn ngànhgiúp NIM của TCB sẽ tiếp tục duy trì cao hơn trung bình ngành ngay cả trong trường hợp các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đầu ra hỗ trợ khách hàng theo lời kêu gọi của NHNN.

Việc tập trung triển khai các dự án công nghệ cao cũng giúp duy trì hoạt động hiệu quả trong dài hạn của TCB.

Đáng chú ý, Techcombank đang kết hợp triển khai dịch vụ tài chính với One Mount Group, Vinmart và Vinshop giúp nâng trải nghiệm khách hàng của TCB trong dài hạn. Ngân hàng đang trong quá trình xây dựng sản phẩm, chiến lược xoay quanh các đối tác lớn Vingroup và Masan.

VCBS cho rằng, các sản phẩm mới nếu triển khai thành công sẽ giúp TCB tăng độ phủ và trải nghiệm khách hàng. Một trong số các sản phẩm TCB đang nghiên cứu là việc tích hợp các dịch vụ tài chính tại các của hàng Vinmart và Vinmart+. Đây là mô hình thành công đã triển khai tại hệ thống gần 12.000 cửa hàng 7-eleven tại Thái Lan với các dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện, nước; gửi tiền tiết kiệm; rút tiền; chuyển tiền,…

Dù vậy, chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của một số khách hàng lớn sẽ mang lại những cơ hội phát triển đột phá nhưng cũng có thể khiến cho TCB gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng về dư nợ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn đó.

Ngoài ra, lợi thế khác của Techcombank là không phải chịu áp lực lớn từ trích lập dự phòng khi ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên danh mục cho vay cuối quý 1/2021 ở mức 2,3%, giảm so với mức 3,6% ở thời điểm cuối quý 2/2020. VCBS cho rằng việc một số khách hàng có dư nợ tái cơ cấu không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển thành nợ xấu trong năm 2021 là không thể tránh khỏi và ngân hàng sẽ phải thực hiện trích lập xử lý lượng nợ xấu này. Tuy nhiên với việc thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ ngay trong năm 2020, áp lực trích lập nợ xấu trong năm 2021 được kỳ vọng ở mức thấp.


Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên