MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCCI: Chính sách hỗ trợ cần điều chỉnh phù hợp “trạng thái bình thường mới”

VCCI: Chính sách hỗ trợ cần điều chỉnh phù hợp “trạng thái bình thường mới”

Các doanh nghiệp (DN) đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Đây là một nội dung được trao đổi tại buổi đối thoại về tháo gỡ khó khăn để DN vượt qua COVID-19 diễn ra ngày 18/3, do VCCI phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Vĩnh Phúc.

Gần 90% gặp khó, nhưng mức độ khác nhau

Theo khảo sát của VCCI, có tới 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc (97% DN), thông tin, truyền thông (96% DN)… Kết quả khảo sát 1.564 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh…

Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, hỗ trợ DN, Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, các chính sách ban hành để đáp ứng với trạng thái khẩn cấp nhưng đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với "trạng thái bình thường mới".

Chính phủ đang tính toán để có các biện pháp chính sách kích thích kinh tế đợt tiếp theo và việc này là rất cần thiết nhằm tiếp sức DN kịp thời vượt qua cơn bĩ cực hiện tại.

Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn về tài khoá, tiền tệ…

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

Đại diện VCCI cho biết, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam.

Dưới góc độ địa phương, bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…

Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Đa số các DN đánh giá các chính sách được ban hành là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

Có cùng quan điểm, bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cho rằng, các gói chính sách về tài khoá phản ứng khá nhanh và được áp dụng ngay. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì vẫn phải nộp.

Tất nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, thu không đủ chi, DN cũng không thể kỳ vọng vào các gói hỗ trợ lớn như một số nước phát triển. Tuy vậy, DN mong Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, loại bỏ các thủ tục để DN hiểu và làm ngay thay vì kéo dài 5-7 tháng.

VCCI: Chính sách hỗ trợ cần điều chỉnh phù hợp “trạng thái bình thường mới” - Ảnh 1.

Đại diện các cơ quan quản lý tích cực trao đổi với đại diện DN để gỡ vướng. Ảnh:VGP/HT

Chính sách cần cụ thể, dễ tiếp cận

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, DN đề xuất Chính phủ cần tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế; giảm, gia hạn khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn. Cùng với đó, DN mong muốn các bộ, ngành, địa phương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các DN.

Cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân Việt trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cần ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025 khi dịch bệnh vẫn còn kéo dài.

"DN cần các hỗ trợ cụ thể, trực tiếp, hữu ích hơn là những chính sách dường như rất tốt đẹp nhưng các đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận", ông Đậu Anh Tuấn nói.

Để hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả, bà Phạm Thị Hồng Thủy kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam miễn 2% kinh phí công đoàn cho DN trong thời gian dịch bệnh; các ngân hàng tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay 1,5-2% cho tất cả các gói cho vay; giảm thuế thu nhập DN về mức 13-15%, giảm tiền thuê đất trong 2 năm…

Với địa phương, bà Thuỷ cho rằng, bên cạnh việc thu hút các DN FDI lớn mạnh đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh cần sớm nắm bắt xu thế mới về chuyển đổi số và triển khai các giải pháp cụ thể như hỗ trợ DN Việt chuyển đổi số từ nguồn ngân sách tỉnh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho DN.

Dưới góc độ Tổng LĐLĐ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) lại kiến nghị cần chú ý hơn những nội dung như hỗ trợ người lao động khó khăn phải thuê nhà, có con nhỏ… Ông Lê Đình Quảng cũng nhấn mạnh, cần miễn giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (người lao động đóng 1%, DN 1%) bởi quỹ đang kết dư hơn 80.000 tỷ đồng.

Đại diện NHNN, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời gian tới, để tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, DN, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành sửa Thông tư 01 theo hướng điều chỉnh một số mức thời gian miễn, giảm phí; sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN bị khó khăn do dịch; giảm 50% mức phí thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dịch COVID-19 tác động tới DN trong cả năm 2020, nhưng thực tế năm 2021 và các năm tiếp theo mới là giai đoạn các DN "ngấm đòn". Do đó, cũng như các địa phương, các sở, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc đang thu thập ý kiến, khẩn trương rà soát lại cơ chế, chính sách tháo gỡ cho DN.

Lãnh đạo tỉnh xác định, dịch có thể vẫn còn dài, quan trọng là phải định vị được trạng thái mới, trong đó, việc ban hành và thực thi chính sách không thể theo lối bình thường, mà phải nhanh chóng hơn nữa.

"Các DN cần hướng đi, tạo điều kiện tối đa về vận hành làm ăn kinh doanh hiệu quả, chứ chỉ trông chờ vào các đợt giải cứu ngắn hạn", ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh.

Theo Huy Thắng

VGPnews

Trở lên trên