VCCI 'tố' Hải Phòng vi phạm nghị quyết của Chính phủ
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại những hậu quả xấu từ việc Hải Phòng tăng phí quá cao với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan. Ông cho rằng việc này làm mất sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
- 07-02-2017VCCI: Tăng thuế môi trường xăng dầu khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh
- 11-10-2016Chủ tịch VCCI: “Chúng ta là doanh nhân chứ không phải là trọc phú”
- 05-09-2016VCCI đề nghị bỏ quy định nhập xe giống Thông tư 20
Theo Chủ tịch VCCI, đây là gánh nặng mới về phí đối với các doanh nghiệp, trong bối cảnh họ đang phải chịu rất nhiều các loại phí khác (phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển, …) và nhiều loại cũng đang tăng nhanh (như phí BOT). Việc đặt ra thêm loại phí mới và tăng khoản phí cũ theo Nghị quyết 148 của Hải Phòng đã đi ngược lại tinh thần lại Nghị quyết 35 của Chính phủ về rà soát để giảm các chi phí kinh doanh, một trong 5 nhóm giải pháp quan trọng của Nghị quyết 35.
Theo đại diện VCCI, để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thực hiện thêm một thủ tục kê khai nộp phí hạ tầng mới. Doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính như đến điểm thu phí, nhận tờ khai, kê khai và nộp tiền, theo thông tin từ doanh nghiệp thì thời gian để thực hiện cho thủ tục này từ 30 phút đến 1 giờ (chưa kể các khâu chuẩn bị và các vướng mắc phát sinh).
Trong bối cảnh Nhà nước đang có nhiều chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu chuyên ngành, đảm bảo hoạt động thông quan nhanh chóng và thuận lợi, việc phát sinh thêm thủ tục hành chính khiến hoạt động thông quan bị kéo dài, nhiều doanh nghiệp đánh giá là “bước lùi” của chính sách, đi ngược lại tinh thần cải cách mà Chính phủ đang xây dựng và hướng đến.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, có nhiều bất cập phát sinh ngay trong bản thân Nghị quyết 148 của thành phố Hải Phòng. Cụ thể, so với hiện hành, mức phí theo quy định tại Nghị quyết 148 tăng cao (tăng đến gần 70%, có loại phí tăng gấp đôi) đối với những loại phí đang thu và bổ sung thêm loại phí mới. Trong khi phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng trước đó đã được điều chỉnh vào năm 2015 và tiếp tục được điều chỉnh vào cuối năm 2016, theo hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.
Các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng lộ trình tăng phí ở Hải Phòng là quá ngắn (3 năm tăng 3 lần), mức tăng cao cho mỗi lần điều chỉnh (tăng trên 50%) và dường như các mức phí không phù hợp với nguyên tắc xác định mức phí theo quy định tại pháp luật về phí và lệ phí và chưa giải đáp thỏa đáng được các câu hỏi xung quanh mức phí này.
Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, quy trình xây dựng Nghị quyết 148 của Hải Phòng chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nhất là quy trình lấy ý kiến, khi doanh nghiệp nhận biết được thông tin này gần với ngày ký ban hành, không có đủ thời gian để tham gia ý kiến.
“VCCI lo ngại việc ban hành Nghị quyết 148 tại Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và cảng sân bay đặt ra các loại phí trong thời gian tới, tạo ra những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nói và đề nghị kéo giãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 6 tháng, để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, tránh các tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho hay, theo tính toán của một số doanh nghiệp sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, với lượng xuất khẩu từ 150 – 400 container/tháng/doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm”. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong ngành, lĩnh vực khác, dự kiến sẽ chi thêm hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần thông quan.
Tiền phong