MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VDSC: Chứng khoán Thái Lan, Indonesia bứt phá mạnh sau khi có gói kích thích kinh tế, VN-Index có thể kỳ vọng về mức 1.500 điểm

VN-Index có thể cán mốc 1.500 theo nhận định của VDSC

VN-Index có thể cán mốc 1.500 theo nhận định của VDSC

Nhìn vào lịch sử từ các thị trường khác như Indonesia và Thái Lan, VDSC cho rằng tác động tích cực trong ngắn hạn là có thể dự đoán được. Trong 10 ngày sau khi thông tin về việc phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 4,5 tỷ USD, chỉ số SET (Thái Lan) đã tăng 1%. Đối với trường hợp của Indonesia, thị trường thậm chí còn diễn biến tốt hơn khi tăng 5% sau khi có tin tức về gói hỗ trợ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích chiến lược thị trường chứng khoán tháng 11. Theo đó, công ty nhấn mạnh về sự tái khởi động một cách rõ ràng hơn trong quý 4/2021 của các hoạt động kinh tế và các gói hỗ trợ sẽ có khả năng thúc đẩy tâm lý thị trường.

VDSC dự báo hoạt động kinh tế sẽ quay lại mạnh mẽ trong quý 4. Sự hỗ trợ từ Chính phủ là một trong những yếu tố then chốt để kích hoạt nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

"Theo chúng tôi, gói hỗ trợ này sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Dự báo tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 sẽ cao hơn nhờ gói hỗ trợ này khi đạt 6,5% - 7,0% so với mức 6,4% - 6,8% như ước tính trước đây. Do đó, chúng tôi cho rằng tâm lý thị trường sẽ trở nên khá tích cực nhờ thông tin về những gói kích thích này. Trong số các đối tượng của gói kích thích, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những trụ cột quan trọng, vì vậy chúng tôi kỳ vọng các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu, bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi lớn nhờ vào việc giải ngân gói hỗ trợ trong hai năm tới", VDSC phân tích.

Nhìn vào lịch sử từ các thị trường khác như Indonesia và Thái Lan, VDSC cho rằng tác động tích cực trong ngắn hạn là có thể dự đoán được. Trong 10 ngày sau khi thông tin về việc phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 4,5 tỷ USD, chỉ số SET (Thái Lan) đã tăng 1%. Đối với trường hợp của Indonesia, thị trường thậm chí còn diễn biến tốt hơn khi tăng 5% sau khi có tin tức về gói hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả khá trái chiều trong dài hạn khi thị trường Thái Lan đi ngang trong khi chỉsố của Indonesia tiếp tục đi lên. Do đó, VDSC kỳ vọng gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn trong khi yếu tố dài hạn dẫn dắt thị trường sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi thực tế của các doanh nghiệp.

VDSC dự đoán tăng trưởng EPS năm 2021 đạt 46% YoY và sử dụng PE trung bình ba năm là 16,3 lần để đạt được mức 1.500 điểm. Đối với nhóm Ngân hàng, một số ngân hàng sẽ có kinh doanh khả quan như TCB và tốt hơn kỳ vọng như CTG sẽ hỗ trợ một phần cho thị trường. Đối với cổ phiếu nhóm Vingroup, VHM đang có cơ hội vào thời điểm này trên nền tảng kết quả khả quan của các giao dịch bán buôn và kết quả kinh doanh ổn định của họ trong quý 3, cùng với triển vọng 2022. Do đó, VDSC kỳ vọng thị trường dao động trong mức 1.400 – 1.500 điểm.

VDSC: Chứng khoán Thái Lan, Indonesia bứt phá mạnh sau khi có gói kích thích kinh tế, VN-Index có thể kỳ vọng về mức 1.500 điểm - Ảnh 1.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã phê duyệt tổng cộng 202 nghìn tỷ đồng (~8,8 tỷ USD và 2,6% GDP, các biện pháp tài khóa nhằm đối phó với các tác động tiêu cực của Covid-19. Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 1/11, đã có 8,34 triệu người lao động được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với hơn 19,8 nghìn tỷ đồng được giải ngân. Tính tổng lại, chúng tôi ước tính hơn 114 nghìn tỷ đồng (~ 1,5%GDP) đã được giải ngân để giúp nền kinh tế đối phó với đại dịch ở khía cạnh chính sách tài khóa.

Về chính sách tiền tệ, theo Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã giảm tổng cộng 12,2 nghìn tỷ đồng lãi suất vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tương đương 59,4% cam kết của các ngân hàng này trong thời gian từ 15/7 đến 30/9. Nhìn chung, quy mô của các chính sách hỗ trợ hiện tại của Việt Nam vẫn ở mức tương đối khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN. Do đất nước đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư với GDP giảm đáng kể ở mức âm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3/2021, Chính phủ đang lên kế hoạch triển khai một gói kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 800 nghìn tỷ đồng (~35 tỷ USD và 9,4% GDP cho kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022 -2023. Nếu loại trừ chi đầu tư cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, thì gói kích thích kinh tế này so với quy mô GDP vẫn tương đối lớn (~7,5% GDP) khá lớn so với các biện pháp hỗ trợ hiện có.

Biến động ngắn hạn có thể xảy ra

VDSC nhận định trong tháng 11, chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục đi lên nhờ các hoạt động kinh tế được kích hoạt trở lại rõ nét hơn trong Q4/2021 và gói hỗ trợ kích thích kinh tế là động lực chính hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, thị trường có thể xảy ra biến động trong ngắn hạn từ việc điều chỉnh ở các ngành có mức định giá không hấp dẫn sau kết quả kinh doanh quý 3 khi giá cổ phiếu tăng mạnh nhờ dòng vốn dồi dào trên thị trường. Tóm lại, chúng tôi nhận định thị trường dao động ở mức 1400-1500 điểm", VDSC nhận định.

Theo đó, biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán có thể xảy ra. Việc thị trường đã bứt phá nhanh kể từ cuối tháng 10 đã khiến cho định giá ở nhiều ngành trở nên kém hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng hơn kết hợp với một kỳ hạn đầu tư dài hơn để giảm thiểu rủi ro biến động thị trường trong ngắn hạn. Trên thực tế, việc tái định giá ở nhiều ngành đã diễn ra rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi một số ít ngành được xúc tác bởi kết quả kinh doanh đột biến, phần lớn các ngành còn lại hưởng lợi từ sự dồi dào của dòng vốn trên thị trường.

Mặt khác, định giá của những ngành như nông nghiệp, phân phối & sản xuất phụ tùng ôtô không thay đổi quá nhiều bất chấp kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Tương tự, ngành ngân hàng, kho vận chứng kiến mức định giá dao động trong biên độ hẹp nhưng tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3/2021 lại tương đối khả quan. Đây cũng là hai ngành mà VDSC đánh giá cao về khả năng được tái định giá trong những tháng cuối năm, khi tính đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự phóng trong quý4/2021 cũng như cho năm 2022.

Trong khi lo ngại về chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng khiến sau làn sóng Covid -19 thứ tư nhiều khả năng là nguyên nhân chính cho diễn biến định giá ngành, việc các ngân hàng đã trích lập dự phòng mạnh tay trong quý 3 cũng hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong các quý tiếp theo trong bối cảnh các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan tới thuế và lãi suất đang được kỳ vọng trong thời gian tới.

VDSC: Chứng khoán Thái Lan, Indonesia bứt phá mạnh sau khi có gói kích thích kinh tế, VN-Index có thể kỳ vọng về mức 1.500 điểm - Ảnh 2.


Bạch Huệ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên