MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VDSC: Dù tích cực mua lại trước hạn nhưng áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2023 vẫn còn khá lớn

07-11-2022 - 13:34 PM | Tài chính - ngân hàng

VDSC: Dù tích cực mua lại trước hạn nhưng áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2023 vẫn còn khá lớn

Theo VDSC, khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2023 gây sức ép lên lãi suất và nợ xấu...

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến thời điểm 21/10, đã có 142.458 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, chiếm khoảng 11,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối 2021. Điều này đã làm giảm dư nợ đáo hạn năm 2023 và 2024 ước tính lần lượt còn lại ở mức 350.000 và 370.000 tỷ đồng.

Mặc dù giá trị TPDN được mua lại có xu hướng tăng từ tháng 06/2022 trở lại đây. Tuy nhiên, theo VDSC, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2023 vẫn còn khá lớn. Tổng giá trị đáo hạn năm 2023 ước tính ở mức 350.000 tỷ, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 (giả định tăng trưởng tính dụng năm 2022: 14%). Trong số trái phiếu đáo hạn có khoảng 30% giá trị từ nhóm ngành ngân hàng mà VDSC cho rằng khả năng cao vẫn có thể tái phát hành, song tỷ lệ hấp thụ sẽ bị hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản yếu đang diễn ra trong hệ thống.

Nếu nhìn ở góc độ hẹp hơn, tập trung vào ngành bất động sản đang chịu nhiều áp trong thời gian gần đây. Trong năm 2023 ước tính có khoảng 130 ngàn tỷ đồng trái phiếu từ ngành bất động sản sẽ đáo hạn (sau khi loại trừ phần đã mua lại tính đến tháng 10/2022), chiếm khoảng 36% tỷ trọng giá trị đáo hạn năm 2023. Con số này tương đương với hơn 9% dư nợ tín dụng ngân hàng tăng thêm trong năm 2022.

VDSC cho rằng khả năng đảo nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin đang bị ảnh hưởng cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của NĐ 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, nhóm phân tích nhận thấy một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn TPDN các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Ở một chiều hướng tích cực, hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp đã có các buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, CTCK và đã có một số đề xuất một số phương án để trình lên Bộ Công Thương. Tuy nhiên VDSC cho rằng vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các ban ngành có thể đưa ra hướng xử lý cuối cùng. Do đó, trong khoảng thời gian này nhóm phân tích dự báo hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn sẽ diễn biến khá thận trọng.

Mặt khác, trên cơ sở tỷ giá đã bớt căng thẳng trong tuần cuối tháng 10, NHNN đã có động thái hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở, đã có khoảng 77.699 tỷ đồng được bơm ra thị trường từ ngày 25-31/10. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức cao, các công ty chứng khoán tham gia hoạt động phân phối trái phiếu đều chủ động hạ tỷ lệ cho vay margin để tăng khả năng thanh khoản, và TPDN không ghi nhận phát hành mới trong tháng 10.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên