MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Về đâu thị trường bán lẻ Việt?

Doanh nghiệp Việt phải nỗ lực khắc phục điểm yếu, thiếu và mạnh dạn thay đổi, cởi mở trong tư duy, chiến lược để cạnh tranh công bằng với các nhà bán lẻ ngoại

Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, về tương lai của thị trường bán lẻ Việt khi mà Việt Nam đang mở toang cửa cho nhà bán lẻ nước ngoài và các ông chủ Thái đã lần lượt thâu tóm 2 hệ thống bán lẻ lớn là Metro và Big C Việt Nam.

Phóng viên: Thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất “nóng” với những giả thiết về việc phân chia lại thị phần sau khi 2 hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam được chuyển giao cho chủ mới người Thái. Theo bà, những kịch bản nào có thể sẽ xảy ra?

- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Tôi cho rằng có 2 kịch bản sẽ xảy ra. Kịch bản đầu tiên, nếu như ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ tiếp tục không được quan tâm, đánh giá đúng mức về vai trò, vị trí trong nền kinh tế và không có các chính sách, quy định pháp luật tương ứng để hỗ trợ phát triển bài bản, hiệu quả thì sẽ không thể phát triển được, cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài.

Kịch bản thứ hai là bản thân các DN nỗ lực tối đa với tinh thần vượt qua chính mình cộng với chính sách đúng đắn của nhà nước sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Còn rất nhiều không gian chính sách để nhà nước hỗ trợ DN một cách chính đáng, hợp lý trong cạnh tranh, hội nhập mà không vi phạm các cam kết thương mại song phương, đa phương Việt Nam đã ký kết.

Hiệp hội Bán lẻ đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhà nước hỗ trợ về mặt thông tin, nghiên cứu thị trường, xu hướng tiêu dùng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng một cách minh bạch, công khai; nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu... Đây hoàn toàn là những việc hết sức cần thiết cho DN, không nằm ngoài khuôn khổ các cam kết quốc tế.

Bà đánh giá thế nào về việc các đại gia Thái liên tục thâu tóm các DN bán lẻ tại Việt Nam?

- Lâu nay các chuyên gia chỉ ra rằng ai nắm được khâu bán lẻ đương nhiên sẽ làm chủ các ngành sản xuất. Nếu DN ngoại nắm thị trường bán lẻ, các nhà sản xuất phải dè chừng vì sẽ có nhiều hệ lụy. Cá nhân tôi không quan ngại lắm việc cả 2 chuỗi phân phối lớn là Big C và Metro vào tay người Thái vì nếu không phải người Thái thì sẽ là những nhà bán lẻ khác mua Metro và Big C. Rất nhiều nhà bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Philippines, Singapore, Malaysia...đang nhìn vào thị trường bán lẻ rất nhiều tiềm năng là Việt Nam. Đương nhiên, 2 chuỗi bán buôn và bán lẻ lớn trên thị trường đều thuộc Thái Lan thì họ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các DN bán lẻ Việt Nam. Vấn đề ở đây là các DN Thái đã rất bài bản, họ nghiên cứu thị trường, có những bước đi đúng hướng không chỉ trong hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) mà còn có những thế mạnh khác rất đáng để chúng ta học hỏi.

Vậy những lo ngại về tương lai hàng Thái sẽ đẩy lùi hàng Việt trên quầy kệ siêu thị là có cơ sở?

- Chúng ta không nên quá bi quan rằng sau khi Big C và Metro chuyển sang chủ Thái thì hàng Thái sẽ ngập tràn quầy kệ, đẩy lùi hàng Việt. Điều đầu tiên nhà bán lẻ quan tâm là sự yêu thích, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm chứ không phải hàng hóa từ quốc gia nào. Nhà đầu tư nước nào cũng muốn bán hàng của nước mình nhưng mục tiêu của nhà bán lẻ bán hàng phải phù hợp với yêu cầu, sự lựa chọn, sự yêu thích của khách hàng. Do đó, bất cứ nhà bán lẻ nào đầu tư ra nước ngoài đều quan tâm đến các sản phẩm địa phương, nội địa. Cả Lotte, Aeon, TCC, Central... đều như vậy.

Nhiều người nhầm lẫn cho rằng nhà bán lẻ nước ngoài sẽ gây khó cho nhà sản xuất nhưng nhà sản xuất đủ mạnh thì không nhà bán lẻ nào có thể gây khó được. Trong cuộc trao đổi với tôi gần đây, ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, khẳng định họ muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam và sẽ giữ quan hệ tốt với các nhà cung cấp nội địa Việt Nam. Ông cũng hứa sẽ tôn trọng, giữ ổn định các nhà cung cấp của Big C, duy trì tỉ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam đang bán ở Big C với điều kiện các nhà sản xuất nỗ lực cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho họ.

Vậy theo bà, sắp tới DN Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào?

- Bản thân DN biết rất rõ mình thiếu gì, yếu gì. Phải nỗ lực khắc phục điểm yếu, thiếu đó và mạnh dạn thay đổi, cởi mở trong suy nghĩ, tư duy, chiến lược để hội nhập quốc tế và dám làm. Tuy nhiên, nếu chỉ có cộng đồng DN thì không thể lớn mạnh được nên rất cần chính sách và hỗ trợ pháp luật từ nhà nước. Hiệp hội đã có 2 kiến nghị trình Thủ tướng, chúng tôi rất vui mừng vì Thủ tướng đã giao các bộ, ngành xây dựng chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán lẻ. Phải xây dựng lực lượng DN đủ lớn, đủ mạnh để cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Hiện trừ Saigon Co.op, Satra, Phú Thái, Hapro, Vinmart..., các DN bán lẻ còn lại quy mô nhỏ và quá nhỏ, không đủ sức cạnh tranh...

Ý KIẾN

Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op:

Có nhiều lợi thế, không lo

Bán lẻ nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam 15 năm nay; DN nội địa vẫn tồn tại, phát triển nên tôi có niềm tin chắc chắn rằng DN Việt, hàng Việt vẫn cạnh tranh được nếu biết thay đổi mạnh mẽ hơn, phát huy thế mạnh của mình tốt hơn. Trong thách thức có cơ hội, tôi tin rằng Saigon Co.op sẽ vượt qua và tận dụng tốt cơ hội, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh. Một trong những lợi thế lớn của DN bán lẻ nội địa là am hiểu thị trường, thấu hiểu người tiêu dùng. Saigon Co.op luôn tận dụng lợi thế đó và luôn đồng hành, liên kết với nhà cung cấp hàng Việt. Đặt lên hàng đầu vấn đề chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát nguồn hàng đầu vào nghiêm ngặt, cẩn trọng lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt nhất để đưa đến tay người tiêu dùng; tham gia những chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn và liên kết sâu vào đó để bảo đảm có nguồn hàng an toàn nhất cho nhà cung cấp của mình.

Song song đó, chúng tôi cũng luôn cập nhật xu hướng thị trường để có hàng mới, đa dạng cho khách hàng lựa chọn, đặc biệt ưu tiên hàng Việt, thúc đẩy hàng Việt nâng chất lên.

Ông VŨ QUỐC CHINH - chuyên gia bán lẻ, giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Phát huy sức mạnh hội ngành nghề

Tôi có niềm tin vào sức bật của người Việt: Khi đã dồn vào thế sinh tử thì bao giờ cũng có sự đổi mới, bứt phá để sống còn nhưng với điều kiện phải có môi trường hỗ trợ tốt. Đó là môi trường chính sách, văn hóa công quyền. Nếu không có hỗ trợ, DN sẽ không có niềm tin, không có động lực vươn lên cạnh tranh. Sợ nhất là đến lúc nào đó, DN không còn đủ sức cạnh tranh sẽ trở thành những người làm thuê, gia công hàng nhãn riêng cho nhà bán lẻ nước ngoài.

Việc các DN liên kết dưới mái nhà hiệp hội thực chất sẽ góp phần gia tăng sức mạnh và tạo đầu ra cho hàng Việt. Khi đó, hiệp hội sẽ là người đại diện tiếng nói chung để thương lượng với các siêu thị, hệ thống bán lẻ ngoài siêu thị. Những hiệp hội mạnh có thể tự mình lập ra các công ty phân phối sản phẩm, bảo đảm tính cam kết về chất lượng cho các DN thành viên. Đây sẽ là một lối ra để tăng tiếng nói thương lượng của DN với siêu thị.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn The Pathfinder:

Tình hình chưa quá bi đát

Bán lẻ nước ngoài vào nhiều nhưng Việt Nam vẫn còn những siêu thị trong nước có khả năng cạnh tranh nên tình hình không quá bi đát. Saigon Co.op có “bài” riêng, Vingroup cũng đang có kế hoạch, chúng ta cứ tin tưởng họ. Bản thân các DN Việt Nam phải tìm con đường riêng để cạnh tranh hiệu quả hơn. Nếu có định vị phù hợp thì sẽ cạnh tranh được với bán lẻ nước ngoài. DN nên tích cực vận động, truyền thông, định vị lại đưa thông điệp nào để chiếm sự ủng hộ của khách hàng. Không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực để xây dựng thương hiệu nhưng nguồn lực chỉ là một phần, quan trọng là ý thức, cam kết dấn thân cạnh tranh. Đặc biệt, các nhà bán lẻ Việt Nam giai đoạn này phải đoàn kết hơn, liên kết chặt chẽ hơn với nhà cung cấp Việt Nam hình thành tiếng nói chung để thu hút người tiêu dùng về phía mình.

Đông Nghi ghi

Theo Thanh Nhân thực hiện

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên