Về nơi vải thiều 12.000 đồng/quả
Các lô vải thiều của Việt Nam bán hết vèo trong vài giờ tại Tokyo và Osaka (Nhật Bản) với giá khoảng 12.000 đồng/quả. Các lô hàng tiếp tục lên đường, nông dân trồng vải phấn chấn bước vào chính vụ.
- 01-07-2020Vải thiều Việt Nam xuất hiện tại siêu thị của Singapore
- 28-06-2020Vải thiều vào chính vụ, nông dân thu hoạch thâu đêm
- 26-06-2020Vải thiều Việt Nam được đóng hộp như tổ yến khi bán tại Nhật, 650k chỉ mua được 1 hộp 12 quả
Tưởng ế lại hóa vui
Mờ sáng, anh Lục Văn Tặng ở xã Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cùng các thành viên trong gia đình hối hả thu hoạch vải thiều. Anh Tặng hồ hởi cho biết, năm nay, anh không còn thấp thỏm, lo lắng về việc tiêu thụ vải thiều như nhiều năm trước bởi lẽ, vườn vải của gia đình anh được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản và được các Cty về tận vườn thu mua vải xuất đi. Thời gian qua, chuyên gia Nhật Bản kiểm tra mẫu vải nhà anh và đánh giá đạt tiêu chuẩn để xuất sang thị trường khó tính này. “Khi vải chuẩn bị thu hoạch, chúng tôi lo vải ế vì dịch COVID-19 nhưng đến nay thì yên tâm rồi. Tuần trước, tôi bán cho Cty thu mua hơn 5 tạ để họ xuất khẩu lô vải thiều chính ngạch đầu tiên của tỉnh Bắc Giang sang Nhật Bản. Giá bán 30 nghìn đồng/kg”, anh Tặng phấn khởi nói.
Anh Tặng tính toán, với giá vải bán xuất khẩu sang Nhật cao hơn so với bán ngoài thị trường từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. Sản lượng vải thiều của gia đình anh khoảng 12 tấn được Cty cam kết thu mua. Hiện, anh đã bán được 8 tấn vải xuất sang Nhật Bản. Anh Tặng cho biết thêm, trong làng anh còn có 9 hộ dân trồng vải khác cũng bán vải xuất đi Nhật Bản. “Người trồng vải ở đây rất vui mừng khi biết thông tin vải thiều tỉnh Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi với giá cao ở thị trường Nhật Bản. Chúng tôi tiếp tục trồng vải chất lượng cao để xuất sang thị trường này những năm tiếp theo”, anh Tặng hồ hởi nói.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn cùng với bà con trồng vải chuẩn bị suốt 5 năm qua về việc sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Bởi vậy, việc vải thiều tỉnh Bắc Giang tiêu thụ tốt tại thị trường này khẳng định người trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn và tỉnh này tự tin đủ năng lực sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường này và mở rộng ra thị trường khó tính khác. Theo ông Thi, đến ngày 24/6, hơn 47 tấn vải huyện này được xuất sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến năm nay, huyện Lục Ngạn xuất khẩu khoảng 100 tấn vải thiều tươi sang xứ sở hoa anh đào.
Trồng vải bán cho Nhật Bản không quá khó
Anh Tặng chia sẻ, thời gian qua, anh và các hộ được cấp mã vùng trồng vải xuất khẩu sang Nhật tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của phía Nhật Bản. Theo đó, việc chăm sóc vải thiều có nhiều thay đổi so với trước. “Mới đầu, tôi cũng bỡ ngỡ với quy trình sản xuất vải thiều này. Nhưng với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn của huyện và tỉnh, chúng tôi quen dần và thực hiện đầy đủ theo quy trình”, anh Tặng nói.
Anh Tặng cho hay, theo quy trình, cần sử dụng các biện pháp canh tác sinh học, vật lý để hạn chế sâu bệnh. Người trồng vải chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người trồng vải cần phải đảm bảo các yêu cầu, như: phải lựa chọn thuốc theo yêu cầu của phía Nhật Bản, tuyệt đối không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Đồng thời, người trồng vải phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng nồng độ, đúng kỹ thuật) và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc.
Đối với việc bón phân, người trồng vải sử dụng phân bón không nhiễm hóa chất và các vi sinh vật gây hại, tuyệt đối không sử dụng các loại phân không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bà con tăng cường sử dụng phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh, phân chuồng khi bón cho cây phải đảm bảo được ủ hoại mục. “Chúng tôi phải ghi chép nhật ký cẩn thận việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để cán bộ chuyên môn và chuyên gia Nhật Bản kiểm tra”, ông Tặng nói.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, Sở Nông nghiệp tỉnh này tiếp tục quy hoạch vùng trồng vải, tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho người trồng vải về các biện pháp chăm sóc, nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản và các thị trường khó tính khác.
Bà Ngô Tường Vi, Phó Giám đốc Cty TNHH XNK Tránh Thu cho hay, lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang (hơn 1 tấn) mà Cty này xuất sang Nhật vào ngày 19/6 đã tiêu thụ hết sạch trong vài giờ tại nước này. Người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao chất lượng vải thiều Việt Nam. Đến nay, Cty này xuất khoảng 10 tấn vải thiều tỉnh Bắc Giang sang Nhật và tiêu thụ thuận lợi.
Tiền phong